Xác định rõ vai trò của cổ đông nhà nước

Làm rõ về địa vị pháp lý, vai trò của cổ đông nhà nước, người đại diện phần vốn nhà nước trong mối quan hệ với doanh nghiệp (DN) sẽ tránh được xung đột lợi ích và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.

Đó là nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ tại Hội thảo “Phát huy vai trò cổ đông nhà nước trong quản trị công ty cổ phần” do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức ngày 8/9 tại Hà Nội.

Cổ đông nhà nước đóng nhiều vai trò

Theo ông Phan Đức Hiếu - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, quy định trong Luật Doanh nghiệp 2014 (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015) đã có nhiều thay đổi về người đại diện vốn nhà nước. Theo đó, người đại diện vốn nhà nước có thể đóng 3 vai trò tại DN: Một là, đại diện thực hiện các quyền, nghĩa vụ cổ đông/thành viên/chủ sở hữu là nhà nước; hai là có thể đồng thời là cổ đông/thành viên của DN và ba là người quản lý DN.

“Chính vì người đại diện phần vốn nhà nước nhiều khi tuân thủ pháp luật theo nhiều vai, do vậy cần tách bạch và phân biệt được một cách rõ ràng “từng vai” vì mỗi vị trí đều có nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và mục tiêu khác nhau”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu đưa ra lưu ý, trong quan hệ với cơ quan đại diện chủ sở hữu thì người đại diện là người thông qua đó để chủ sở hữu thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình tại DN; Là người để cơ quan đại diện chủ sở hữu thu thập thông tin về tình hình hoạt động của DN. Trong quan hệ với DN, người đại diện là người trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tại DN; quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu/cổ đông/thành viên.

Trong quan hệ với người quản lý thì người đại diện phần vốn nhà nước không “đương nhiên” là người quản lý DN vì đã là người quản lý DN thì cũng khó bị thôi giữ chức vụ đó khi không còn là người đại diện phần vốn nhà nước. Vấn đề đặt ra, khi đồng thời là người quản lý thì phải tuân thủ đầy đủ trách nhiệm của người quản lý như: Trung thành, cẩn trọng vì lợi ích cao nhất của DN. Mặt khác, người đại diện còn chính là một cổ đông nên phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của một cổ đông tương ứng với phần vốn góp/cổ phần mà cá nhân sở hữu.

Tách bạch giữa sở hữu và quản trị DN

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi người đại diện phần vốn nhà nước cùng đảm nhiệm 3 vai trò tại DN thì có thể xảy ra không thống nhất về lợi ích, mục tiêu giữa các vai trò này. Có thể xảy ra tình huống nếu người đại diện phần vốn nhà nước nếu thiên về lợi ích của DN thì sẽ làm thiệt hại lợi ích về quản lý phần vốn nhà nước và ngược lại. Vậy, làm thế nào để hài hòa các lợi ích nhằm mang lại lợi ích tối đa cho cả DN và Nhà nước?

“Để ngăn 3 vai trò này bị xung đột về lợi ích hoặc thiên về quyền lực hơn mục tiêu kinh doanh khi đầu tư vào DN thì cách tốt nhất là cần tách bạch giữa sở hữu và quản trị DN. Để làm sao thiết lập bộ máy quản trị điều hành chuyên nghiệp bao gồm những người có khả năng, trình độ và không nhất thiết là phải là cổ đông hoặc người đại diện phần vốn nhà nước”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Đứng ở góc độ một cổ đông đã có đầu tư vào nhiều DN nhà nước tại Việt Nam, ông J.Chris Razook - Giám đốc phụ trách quản trị công ty khu vực Đông Á Thái Bình Dương của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC khuyến nghị: “Thông lệ tốt mà cổ đông mong muốn là: Khung quản trị công ty được xây dựng thành văn bản chính thức, cơ cấu hội đồng quản trị cân bằng và nhiệm vụ từng thành viên hội đồng quản trị rõ ràng, các thông lệ và quyền cổ đông, biện pháp bảo vệ cổ đông thiểu số phải cụ thể và xây dựng bằng văn bản chính thức.

“Hệ thống quản trị tiên tiến được áp dụng tại các DN sẽ góp phần đẩy mạnh chất lượng cổ phần hóa, thu hút nhiều nhà đầu tư và nhà đầu tư chiến lược trong nước và ngoài nước tham gia vào DN nhà nước thông qua IPO”. Ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng giám đốc SCIC

Tại hội thảo, chia sẻ với trên 50 đại diện DN niêm yết đại chúng, ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng giám đốc SCIC khẳng định, SCIC là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, thực hiện đầu tư vào các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Chính vì vậy, SCIC mong muốn chia sẻ với các DN những kinh nghiệm thực tế, cập nhật những thay đổi của chính sách... để các đại diện vốn nhà nước tại các DN có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm với chuyên gia trong nước và quốc tế. Từ đó, nâng cao năng lực quản trị, nâng cao hiệu quả và giá trị DN. Đây cũng là một trong những nội dung hoạt động hỗ trợ DN mà SCIC luôn cố gắng đem đến cho các DN trong danh mục quản lý của SCIC trong gần 10 năm qua, kể từ khi thành lập năm 2005.

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8 năm 2006, SCIC quản lý danh mục đầu tư gồm các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế như: dịch vụ tài chính, năng lượng, công nghiệp, viễn thông, xây dựng, vận tải, hàng tiêu dùng, y tế, công nghệ thông tin...

Thời gian qua, để tăng cường vai trò của cổ đông trong việc quản lý các công ty cổ phần, với sự giúp đỡ của tổ chức JICA - Nhật Bản, SCIC đã củng cố hệ thống quản trị DN và dự kiến sẽ áp dụng hướng dẫn quản trị nội bộ tại các DN nhà nước cổ phần hóa mà SCIC nắm giữ phần lớn vốn. Đây được xem là bước đi tiên phong trong quản trị DN hiện đại cho các DN nhà nước đã cổ phần.



Thu Hường
Vietnam Airlines đại hội cổ đông lần đầu
Vietnam Airlines đại hội cổ đông lần đầu

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang hướng tới trở thành một doanh nghiệp mạnh, là lực lượng vận tải chủ lực, giữ vai trò chủ đạo trong giao thông Hàng không Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN