WB: Xem xét hỗ trợ tổng cầu thông qua đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

Ngày 13/4, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cập nhật bản tin Tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 4/2023.

Chú thích ảnh
Thu hút đầu tư FDI của Bắc Giang liên tục tăng trong 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh (tư liệu) minh họa: Đồng Thúy/TXVN

Theo khuyến nghị của WB: sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế trong quý I/2023 cần được theo dõi chặt chẽ. Nếu nhu cầu trong nước và bên ngoài vẫn tiếp tục yếu, Chính phủ có thể xem xét hỗ trợ tổng cầu thông qua đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.

Dự kiến tăng giá điện và tiền lương khu vực công trong những tháng tới và việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước có thể dẫn đến áp lực gia tăng mới đối với lạm phát. Khả năng thắt chặt tài chính hơn nữa ở Hoa Kỳ (Mỹ) để kiểm soát lạm phát có thể tạo ra áp lực tỷ giá, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước vừa giảm một số lãi suất chính sách để hỗ trợ nền kinh tế.

Việc giám sát chặt chẽ khu vực tài chính là rất quan trọng trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục có nhiều bất ổn và nền kinh tế trong nước đang chậm lại, bao gồm cả sự trì trệ trong lĩnh vực bất động sản vốn chiếm khoảng 20% khoản vay của khu vực tài chính.

WB ghi nhận: nền kinh tế Việt Nam giảm tốc trong quý I/2023, chỉ còn tăng trưởng 3,3%, thấp hơn so với mức 5,9% ở quý IV/2022. Đây là tốc độ tăng trưởng quý I thấp thứ 2 trong thập kỷ qua. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thu hẹp của ngành công nghiệp và  sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu.

Trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu, tăng trưởng của ngành công nghiệp ở mức -04% trong quý I/2023, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 5,3% trong giai đoạn 2020-2022. Sự suy giảm trong ngành công nghiệp cũng phản ánh mức giảm 11,8% trong xuất khẩu.

Chỉ riêng dịch vụ tiếp tục là lĩnh vực đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng với 2,9 điểm % trong quý I/2023 nhờ nhu cầu nội địa tăng mạnh và lượng lớn khách quốc tế đã quay trở lại Việt Nam. Ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá ổn định ở mức 2,5% và đóng góp 0,3 điểm % vào tăng trưởng GDP của quý I/2023.

Song song đó, lĩnh vực xuất khẩu và nhập khẩu giảm lần lượt 11,8% và 14,6% trong quý I/2023 so với cùng kỳ. Sự sụt giảm chủ yếu ở một số tiểu ngành chính như điện tử, máy móc, dệt may, giày dép và các sản phẩm đầu vào nhập khẩu khác.

Cùng với đó, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trung bình 1,9% trong quý I/2023 và tăng 13,4% riêng trong tháng 3/2023. Đây là tháng thứ 13 liên tiếp doanh số bán lẻ ghi nhận mức tăng hai con số so với cùng kỳ. 

Doanh số bán hàng của các ngành dịch vụ cũng được ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ vào tháng 3 năm nay, với doanh thu của cơ sở lưu trú và ăn uống tăng 25,5% và doanh thu của dịch vụ lữ hành tăng 113,9% (so với cùng kỳ). Lượng khách quốc tế đạt 2,7 triệu lượt trong quý I/2023, cao hơn nhiều so với mức 91 nghìn lượt ở quý I/2022.

Sau khi tăng liên tục trong khoảng thời gian từ tháng 3/2022 đến tháng 1 năm 2023, cả lạm phát giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát cơ bản đều giảm trong tháng 2 và tháng 3 năm 2023.

Tốc độ tăng trưởng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 4,9% (cùng kỳ) trong tháng 1 xuống 4,3% (cùng kỳ) vào tháng 2, và tiếp tục giảm xuống còn 3,4% (cùng kỳ) vào tháng 3 năm nay.

Lạm phát giảm là nhờ sự thúc đẩy bởi mức tăng giá lương thực và thực phẩm cũng như nhà ở và vật liệu xây dựng lần lượt là 1,3 điểm % và 1,2 điểm % trong bảng chỉ số CPI của quý này. Giá dịch vụ giao thông cũng giảm 4,9% vào tháng 3 năm 2023, giúp giảm 0,5 điểm % tỷ lệ lạm phát CPI.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) đối với ngành công nghiệp và nông nghiệp điều chỉnh giảm từ mức 6,5% trong quý IV/2022 xuống còn 2,8% trong quý I/2023. Sự giảm tốc của chỉ số sản xuất công nghiệp có liên quan đến việc giảm giá hàng hóa, đặc biệt là nhiên liệu.là máy vi tính, điện thoại, điện tử và máy móc giảm khoảng 14,3% so với cùng kỳ và các sản phẩm dệt may, da giày giảm khoảng 18% trong quý I/2023.  

Sự sụt giảm vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký trong năm 2022 tiếp tục diễn ra trong quý I/2023, với mức -40% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh nền kinh tế địa chính trị trên toàn cầu đang diễn biến bất định, khó kiểm soát, phản ánh tác động của những bất định đến triển vọng kinh tế toàn cầu và việc thắt chặt chính sách điều kiện tài chính ở các nền kinh tế phát triển. Giải ngân vốn FDI hay tình hình thực hiện các cam kết FDI bắt đầu chậm lại trong quý I/2023.

Giai đoạn này, tăng trưởng tín dụng giảm tốc xuống còn 9,5% so cùng kỳ năm 2022, mức thấp nhất kể từ năm 2020, phản ánh sự chậm lại của hoạt động kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp và bất động sản.

Để hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hai lần giảm lãi suất điều hành trong tháng 3, kéo theo việc giảm lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại.

Đinh Hằng   (TTXVN)
Tạo không gian, cơ chế để kinh tế nhà nước phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế
Tạo không gian, cơ chế để kinh tế nhà nước phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế

Sáng 13/4, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đồng tổ chức Hội thảo khoa học "Vai trò của kinh tế nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu, rộng".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN