Vượt khó giữ vững dòng điện - Bài 1: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Với khối lượng quản lý hơn 6.000 km đường dây ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, cùng hàng chục trạm biến áp, việc quản lý và vận hành lưới điện truyền tải của Công ty Truyền tải điện 3 - PTC3 (Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) nhằm đảm bảo dòng điện luôn thông suốt là nhiệm vụ nặng nề, đặc biệt trong thời gian bước vào cao điểm mùa nắng nóng này. 

Phóng viên TTXVN đã có những ngày đồng hành cùng những người lính truyền tải để tìm hiểu và ghi nhận thực tế công việc của họ trên những tuyến đường dây và các trạm biến áp ở khu vực Tây Nguyên. 

Bài 1: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) có nhiệm vụ truyền tải điện từ cấp điện áp 220 kV đến 500 kV trên địa bàn 9 tỉnh Nam miền Trung và Tây Nguyên, được coi như khu vực trung chuyển dòng điện vào Nam, ra Bắc. Với khối lượng công việc lớn, đường dây trải dài và địa hình rất khó khăn, nguy cơ mất an toàn hành lang lưới điện luôn hiện hữu. 

Mất an toàn hành lang lưới điện
 
Truyền tải điện Gia Lai là một trong những đơn vị quản lý khu vực có địa hình hiểm trở, rừng núi cao. Đơn vị này quản lý hơn 334 km đường dây 500 kV và 442 km đường dây 220 kV, cùng 2 trạm biến áp 500 kV và 1 trạm biến áp 220 kV. 

Chú thích ảnh
Trực vận hành tại TBA 500kV Pleiku (TTĐ Gia Lai). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Theo chân công nhân Nguyễn Việt Hà, thuộc đội Truyền tải điện Biển Hồ - Truyền tải điện Gia Lai, chúng tôi được “trải nghiệm” hơn 5 km thực hiện công việc phát quang, bảo vệ hành lang lưới điện dưới cái nóng đầu mùa. Chặng đường không khó đi như vùng cao phía Bắc, song nơi đây, bạt ngàn những đồi cà phê và rừng cao su.

Anh Nguyễn Việt Hà cho biết: “Lưới điện nơi đây đi qua nhiều rừng núi, dân cư thưa thớt. Đây cũng là thời gian người dân chuyển đổi cây trồng, khai thác các cây công nghiệp, đốt nương rẫy nên rất dễ gây đổ cây, cháy hoặc bạt phơi nông sản bay vào đường dây… làm gián đoạn cung cấp điện. Anh em công nhân phải thường xuyên đi kiểm tra và tuyên truyền với người dân để hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra”.

Thực tế cho thấy, vào mùa khô, nắng nóng kéo dài, những rừng khoanh nuôi có nguy cơ cháy cao do người dân đốt nương rẫy, thực bì khô. Thời gian này, người dân sử dụng xe cơ giới để cẩu kéo vật tư, đào múc, cải tạo đất. Cùng đó, tình trạng vật bay, bạt không còn sử dụng sau khi thu hoạch cà phê, phơi nông sản bỏ vương vãi trong hành lang, các mái nhà lồng, nhà lưới không chắc chắn khi có gió lốc có thể bị tốc mái bay lên đường dây cao thế có nguy cơ gây sự cố rất cao... 

Ông Hà Thanh Xuân, Phó Giám đốc Truyền tải điện Gia Lai cho biết, khu vực Tây Nguyên có đặc thù riêng về cây trồng với các đồi trồng cao su, cà phê… Người dân đưa phương tiện, máy móc canh tác vào làm dưới hành lang lưới truyền tải điện gây nguy cơ mất an toàn, bụi bẩn sứ cách điện.

“Chúng tôi phải rất vất vả trong xử lý vấn đề này. Bên cạnh đó là tình trạng các bạt phơi nông sản, cây cối phế nông vứt bỏ nhiều dưới hành lang. Với khối lượng hơn 776 km đường dây, đòi hỏi anh em công nhân phải thường xuyên kiểm tra để ngăn chặn các sự cố cháy, ảnh hưởng đến đường dây. Như với các cây cao su trồng quanh hành lang lưới điện rất dễ đổ gãy vào đường dây, đơn cử năm 2023, đơn vị đã phải phối hợp để chặt tỉa hơn 3.000 cây. Từ đầu năm đến nay cũng đã chặt tỉa hơn 5.000 cây. Công tác phòng ngừa nguy cơ dọc tuyến đường dây truyền tải điện là rất khó khăn”, ông Xuân nói. 

Ông Đinh Văn Cường, Phó Giám đốc PTC3 cho hay, trên địa bàn công ty quản lý còn tiềm ẩn nhiều rủi ro xảy ra trên tuyến do người dân đào đất gần chân móng cột gây nguy cơ sạt trượt móng, hoặc tự chuyển đổi canh tác qua trồng các loại cây phát triển nhanh ngoài hành lang tuyến, nguy cơ ngã đổ vào đường dây. Ngoài ra người dân tự ý đốt thực bì gần đường dây sau thu hoạch dễ gây cháy rừng; hay các công trình vận hành phương tiện cơ giới gần đường dây lưới điện cao áp…. 

"Đó là thực tế đang diễn ra tại hầu hết địa bàn các tỉnh có đường dây truyền tải điện đi qua", ông Đinh Văn Cường nhận định.

Những “loa tuyên truyền” sống

Để hạn chế thấp nhất nguy cơ mất an toàn hành lang lưới điện cao áp, các truyền tải điện thuộc PTC3 luôn thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tập trung và lưu động về bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp tại các trường học, nơi đông dân cư và các cơ quản, xí nghiệp trên địa bàn nơi có các đường dây truyền tải điện đi qua.

Các truyền tải điện xác định mỗi công nhân là những tuyên truyền viên, nắm chắc từng địa bàn xã, huyện có tuyến đường dây đi qua để phối hợp với UBND xã, các thôn bản, gặp gỡ và tuyên truyền, vận động người dân. 

Chú thích ảnh
Công nhân TTĐ Gia Lai diễn tập xử lý sự cố tại TBA 500kV Pleiku. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Ông Hà Thanh Xuân, Phó giám đốc Truyền tải điện Gia Lai chia sẻ, mỗi công nhân, mỗi đội truyền tải đều chủ động tìm hiểu, nắm rõ đặc điểm của từng loại cây và quy tắc canh tác, từ đó có kế hoạch phối hợp, vận động người dân chặt tỉa, đốt phế phẩm, thực bì phù hợp, đảm bảo an toàn lưới điện. 

Ngoài ra, người công nhân cũng sẽ nắm địa bàn, phối hợp với an ninh, công an tỉnh để bảo vệ các tuyến đường dây, phát hiện kịp thời những nguy cơ gây mất an toàn hệ thống lưới điện. 

Trao đổi với phóng viên, công nhân Phạm Quang Thảnh, Đội truyền tải điện Biển Hồ - Truyền tải điện Gia Lai cho hay, mỗi công nhân sẽ nắm 1 khu vực và có các đầu mối thông tin, “cộng tác viên” là những người dân trong từng bản, làng. 

“Chúng tôi tạo các nhóm zalo để liên tục trao đổi thông tin liên quan đến việc chặt, đốt cây trồng, người dân thông báo ngay lập tức các sự cố có thể ảnh hưởng lưới điện. Hàng năm đơn vị cũng đều có những khen thưởng, quan tâm tới những hộ dân, cá nhân tích cực tham gia công tác này”, công nhân Phạm Quang Thảnh nói.

Theo ông Võ Hiếu, Đội trưởng Truyền tải điện Bảo Lộc – Truyền tải điện lâm Đồng, bước vào cao điểm các mùa cung cấp điện, mỗi công nhân đều tăng cường kiểm tra định kỳ ngày và đột xuất hành lang các tuyến đường dây, đặc biệt tại những khoảng cột có nguy cơ xảy ra cháy để tập trung nhân lực khai hoang, đốt chống cháy có kiểm soát nhằm đảm bảo vận hành an toàn cho các tuyến đường dây. Từ đó, phối hợp với người dân thực hiện cắt tỉa ngọn, hạ thấp chiều cao cành cây hoặc chằng néo các cây cao nằm ngoài hành lang có nguy cơ ngã đổ vào đường dây gây sự cố cho lưới điện.

Đồng thời các đơn vị đều tăng cường tuyên truyền bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp, kiểm tra đột xuất, kỹ thuật các đường dây tại các vị trí xung yếu (sườn núi, vượt hồ, vượt đường… Mỗi người công nhân trong các đội truyền tải đều có thông tin liên tục với người dân trên địa bàn để đảm bảo tốt nhất an toàn dọc tuyến hành lang truyền tải điện.

Chính từ sự liên kết chặt chẽ với người dân, tuyến đường dây của Công ty Truyền tải điện 3 trong nhiều năm qua chưa để xảy ra các sự cố gây mất an toàn lưới điện…. Đó là nhờ những nỗ lực bền bỉ trong việc tuyên truyền bằng phóng sự truyền hình, loa đài, cấp phát các tờ rơi, lịch có hình ảnh tuyên truyền đến người dân sinh sống gần hành lang tuyến đường dây và ở những nơi công cộng.., Phó Giám đốc Công ty Đinh Văn Cường cho hay.

Bài 2: Áp lực cung cấp điện

Đức Dũng (TTXVN)
Hoàn thành lắp đặt tụ bù lưới truyền tải điện miền Bắc trước mùa nắng nóng
Hoàn thành lắp đặt tụ bù lưới truyền tải điện miền Bắc trước mùa nắng nóng

Sáng 28/4, Ban Quản lý dự án Truyền tải điện (NPTPMB) đã hoàn thành lắp đặt tụ bù ngang 8 Trạm biến áp 220kV khu vực phía Bắc thuộc Dự án “Lắp đặt tụ bù lưới truyền tải điện khu vực miền Bắc năm 2024”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN