Vụ gạo Trung Quốc nhiễm độc: Cơ hội tốt cho gạo Việt Nam

Theo tờ “The Wall Street Journal”, việc Trung Quốc phát hiện gạo nhiễm độc kim loại nặng cátmi (cadmiu)sẽ là cơ hội tốt cho các nước xuất khẩu gạo ở châu Á, đặc biệt là Việt Nam và Thái Lan – những nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới.

Pakistan có thể cũng sẽ hưởng lợi như Việt Nam và Thái Lan, trong khi Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – có thể sẽ không tận dụng được cơ hội này để tăng lượng gạo xuất khẩu bởi vì, Bắc Kinh vẫn hạn chế nhập khẩu gạo từ quốc gia láng giềng này do lo ngại về chất lượng.

Đóng bao gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp xay xát và chế biến lương thực Việt Nguyên (Khu công nghiệp Mỹ Tho). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


“The Wall Street Journal” dẫn lời ông Concepcion Calpe, một quan chức của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), nói không giống như các sản phẩm thịt có giá trị lớn hơn, trong trường hợp có bệnh dịch hoặc bị nhiễm độc, nhu cầu tiêu thụ có thể sẽ giảm. Đối với các sản phẩm ngũ cốc như gạo, nói chung, các sự cố như vậy có thể dẫn tới kim ngạch nhập khẩu tăng.

Trước đó, hôm 16/5, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), cho biết họ đã phát hiện 44,44% trong tổng số 18 mẫu gạo lấy từ các cuộc kiểm tra an toàn thực phẩm định kỳ trong quý I/2013 có chứa hàm lượng cát mi – một loại hóa chất công nghiệp có khả năng gây ung thư cao – cao hơn tiêu chuẩn cho phép.

Theo Tân Hoa Xã, có 5 trong số 18 mẫu gạo nhiễm độc này có xuất xứ từ thị xã Youxian. Ba mẫu khác có xuất xứ từ thành phố Hengyang thuộc tỉnh Hồ Nam và Dongguan thuộc tỉnh Quảng Đông. Các chuyên gia tin rằng đất ở một số khu vực trồng lúa có thể đã bị ô nhiễm các kim loại nặng.

Ông Milo Hamilton, Chủ tịch First Grain – một tổ chức tư vấn gạo quốc tế có trụ sở ở bang Texas (Mỹ) nói: “Nếu gạo được thu hoạch trong vụ chính vào tháng 10 tới được xác định nhiễm hóa chất độc hại, Bắc Kinh sẽ tăng lượng gạo nhập khẩu”.

Tuy nhiên, theo “The Wall Street Journal”, chỉ có một số nước được hưởng lợi từ sự cố này bởi vì, Trung Quốc hầu như chỉ mua gạo từ các nước châu Á. Hiện tại, Chính phủ Trung Quốc chỉ cho phép nhập khẩu gạo từ Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, Ấn Độ, Uruguay và Campuchia. Các số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy gạo nhập khẩu từ Việt Nam, Pakistan và Thái Lan chiếm phần lớn gạo nhập khẩu vào Trung Quốc.

Theo một quan chức quản lý chợ bán buôn Sanyanqiao ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), các nhà bán buôn gạo ở chợ này đã ngừng bán gạo sản xuất ở tỉnh Hồ Nam. Thay vào đó, họ mua gạo sản xuất ở các địa phương khác ở Trung Quốc cũng như từ Việt Nam và Pakistan.

Hiện tại, gạo Việt Nam có lợi thế về giá so với gạo sản xuất ở Trung Quốc. Giá gạo hạt dài ở Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông hiện đứng ở mức hơn 600 USD/tấn, trong khi giá gạo cùng loại của Việt Nam (chưa kể phí vận chuyển) chỉ khoảng 400 USD/tấn.

Từ tuần trước, một số nhà xuất khẩu gạo Việt Nam và các nhà cung cấp gạo hương lài thượng hạng Thái Lan đã tăng giá gạo thêm khoảng 5 USD/tấn do nhận định nhu cầu tại Trung Quốc sẽ gia tăng.

Tháng trước, Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế đã nâng dự báo lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc trong năm nay thêm 16% lên 2,2 triệu tấn do giá cả của nông sản này tại các nước láng giềng, nhất là Việt Nam và Pakistan, đang đứng ở mức thấp. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc có thể sẽ vượt qua Nigeria để lần đầu tiên trở thành nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm nay.


TTXVN/Tin tức

Phát hiện gạo có độc ở miền nam Trung Quốc
Phát hiện gạo có độc ở miền nam Trung Quốc

Một mẫu thử cho thấy 44,4% gạo và các loại sản phẩm chế biến từ gạo ở Quảng Châu có chất Cadmium-Cd, một nguyên tố hóa học dùng trong công nghiệp mạ điện và sản xuất các loại hợp kim vượt mức tiêu chuẩn cho phép.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN