Vốn FDI tăng trưởng mạnh giúp kinh tế TP Hồ Chí Minh phục hồi tốt

Trong 5 tháng qua, tình hình kinh tế TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu phục hồi tốt, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng đã góp phần làm tăng thu ngân sách cho TP Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa – xã hội cho người dân thành phố.

Thu hút đầu tư nước ngoài tăng


Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong 5 tháng đầu năm 2017 tiếp tục được cải thiện với tổng số vốn 1,37 tỷ USD, tăng gần 46% so với cùng kỳ năm trướcTrong đó, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc chiếm tỷ trọng vốn đầu tư lớn nhất (27,8%) với 95,11 triệu USD, tiếp theo là Malaysia chiếm 13,2% với 45,07 triệu USD, Singapore chiếm 11,7% với 39,91 triệu USD, Nhật Bản chiếm 11,4% với 38,9 triệu USD...


Lĩnh vực các nhà đầu tư nước ngoài tập trung chủ yếu vào là các hoạt động công nghiệp, dịch vụ, truyền thông, bất động sản... Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn đầu tư nhiều nhất (35,9%) với 122,7 triệu USD; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy chiếm 27,1% với 92,75 triệu USD; thông tin và truyền thông với 55,21 triệu USD, chiếm 16,2%; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 11,8% với 40,25 triệu USD.

Kinh tế TP Hồ Chí Minh phục hồi tốt góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, môi trường hoạt động của các doanh nghiệp (DN) tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục được cải thiện. Trong 5 tháng đầu năm, thành phố có khoảng 15.500 DN được cấp phép thành lập với tổng vốn đăng ký gần 193.800 t đồng, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 10,4% về số DN và tăng 54,2% về vốn. Chính quyền thành phố cũng đã có nhiều hỗ trợ để khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển sang loại hình DN và đến nay, đã có 413 hộ cá thể chuyển lên DN.


Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết trong những tháng tới, Thành phố tiếp tục tập trung hoàn thiện chính sách cho khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo hình thức DN bằng các chính sách hỗ trợ DN. Mục tiêu TP Hồ Chí Minh nhắm đến là đến năm 2020 đạt con số 500.000 DN và trước mắt trong năm nay, tăng khoảng 60.000 DN. Tổng số DN hoạt động tại TP Hồ Chí Minh hiện thống kê được khoảng 300.000 DN.


Thu ngân sách tăng cao


Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP Hồ Chí Minh, trong 5 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TP Hồ Chí Minh đạt hơn 375.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.


Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của DN trên địa bàn thành phố ước đạt 14 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ 2016. Theo đánh giá, thị trường xuất khẩu tại một số nước tăng nhanh, điển hình có Singapore (tăng 142%), Malaysia (tăng 98,3%), Tây Ban Nha (tăng 50,4%), Úc (tăng 49,1%)... Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu tại Philippines, Indonesia, Cambodia, Canada, Israel… có dấu hiệu chậm lại. Một số mặt hàng xuất khẩu được duy trì và có mức tăng: Cao su tăng 39,8%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 67,3%; phương tiện vận tải khác và phụ tùng tăng 95,1%.

Thu hút nước ngoài tăng giúp tăng thu ngân sách thành phố. Ảnh: CTV

Tính chung từ đầu năm đến nay, kim ngạch nhập khẩu của TP Hồ Chí Minh ước đạt 17 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016. Ngành hàng nhập khẩu chủ yếu là trang thiết bị, nguyên vật liệu cho sản xuất (sản phẩm điện tử và linh kiện, kim loại, linh kiện, phụ tùng ô tô…).


Bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, cho biết tổng thu ngân sách trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong 5 tháng đầu năm đạt 147.461 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước và đạt 43% dự toán năm. Trong đó, các khoản thu ngân sách tăng cao so cùng kỳ như thu nội địa tăng gần 23%, thu từ dầu thô tăng 27%, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 9,24% so với cùng kỳ năm trước.


Theo bà Thắng, nền kinh tế phục hồi góp phần vào ngân sách TP Hồ Chí Minh, chẳng hạn như thu cổ tức và lợi nhuận được chia tăng cao, một số đơn vị có số nộp lớn, chẳng như Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn nộp gần 1.800 tỷ đồng.


Trong 5 tháng, một số DN nộp tiền sử dụng đất dự án rất lớn như: Công ty TNHH Liên danh Thành phố Đế Vương nộp 2.825 tỷ đồng cho dự án tại Thủ Thiêm, Tập đoàn Tân Hoàng Minh nộp 264 tỷ đồng… góp phần cho thu ngân sách từ tiền sử dụng đất của TP Hồ Chí Minh trong 5 tháng tăng đến 77% so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, tiền thuê đất, thuê mặt nước tại TP Hồ Chí Minh cũng tăng gần 30% do một số doanh nghiệp nộp tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước một lần cho cả thời gian thu của dự án.


Khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân trong 5 tháng cũng tăng khoảng 20% so cùng kỳ, thuế thu nhập DN cũng tăng khoảng 19% do DN làm ăn có lãi, thu nhập DN từ hoạt động chuyển nhượng vốn của DN, trong đó phải nói đến việc chuyển nhượng vốn từ Holcim Việt Nam sang Công ty TNHH Siam City Cement nộp ngân sách số tiền 1.800 tỷ đồng.


Hoàng Tuyết - Anh Đức/Báo Tin Tức
Việt Nam tham dự Hội nghị ASEM về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ
Việt Nam tham dự Hội nghị ASEM về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ

Trong hai ngày 25-26/5, Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) về “Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ: Tạo cơ hội bình đẳng trong công việc” đã diễn ra tại thủ đô Vilinius, Lithuannia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN