Vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - nhìn từ ngân hàng

Tọa đàm “Giải pháp về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) Việt Nam: Góc nhìn từ ngân hàng” diễn ra ngày 6/4 do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà tổ chức là chủ đề khá “nóng” trong bối cảnh các doanh nghiệp luôn “than” về lãi suất.

Tháo gỡ khó khăn

Tại tọa đàm, đại diện Công ty sản xuất kinh doanh Dầu mỡ và chất đốt chia sẻ: DNN&V rất “khát” vốn. Do là mô hình hoạt động nhỏ nên khi ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp mới được vay vốn thì nhiều doanh nghiệp đã không đáp ứng được yêu cầu. Phía doanh nghiệp này cho rằng: Ngân hàng nên có chính sách linh hoạt như: DNN&V có các phương án kinh doanh tốt có thể được xem là “tấm vé” để vay vốn thay vì việc phải có tài sản thế chấp.

Đề cập tới vấn đề này, đại diện MB Bank cho rằng: Ngân hàng cũng có nhiều chính sách linh hoạt cho doanh nghiệp, ví dụ đối với doanh nghiệp siêu nhỏ có doanh thu dưới 20 tỷ đồng/năm, ngân hàng vẫn yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, với các DNN&V có phương án hiệu quả kinh doanh cao, ngân hàng vẫn xem xét, thẩm định để cho vay vốn. Và, thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp xây dựng phương án kinh doanh ban đầu cho đến khi triển khai đều khác xa so với kỳ vọng.

Đồng tình quan điểm này, một giảng viên của Trường Đại học Thương mại cho rằng: Hiện nay, độ tin tưởng của ngân hàng về doanh nghiệp Việt Nam còn chưa cao. Có những doanh nghiệp lập phương án kinh doanh để vay tiền nhưng lại sử dụng đầu tư vào việc khác. Đơn cử: Một công ty thủy sản ở Cần Thơ đã sử dụng vốn vay để xuất khẩu thủy sản lại đầu tư vào bất động sản. Sau khi không đạt được kỳ vọng, công ty đã lâm vào cảnh nợ nần, nợ tiền của nông dân…

Trần lãi suất huy động sẽ về mức 12% một năm

Liên quan đến vấn đề vốn cho DNN&V, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Đây là thời điểm các doanh nghiệp cần nhận được sự trợ giúp về vốn để vượt qua khó khăn.

Theo bà Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc Trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của VietinBank, các DNN&V Việt Nam chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp, sử dụng 50% số lao động và đóng góp tới 40% GDP hàng năm, song chỉ tiếp cận được khoảng 30% vốn của các ngân hàng thương mại. Vì vậy theo bà Mùi, vấn đề này cần được giải quyết bởi cả ba bên là Nhà nước, các ngân hàng thương mại và chính các DNN&V. Đại diện ViettinBank cũng cho rằng: Gần đây, không ít các ngân hàng thương mại đã coi DNN&V là khách hàng tiềm năng, vì thế đã thiết kế các gói sản phẩm dịch vụ dành riêng cho đối tượng này.

Nhân buổi tọa đàm, VCCI và Ngân hàng Quân đội (MB Bank) đã ký thỏa thuận Chương trình tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu với mức ưu đãi từ 1 - 1,2% so với quy định; ưu đãi về phí dịch vụ với thời gian áp dụng đến 31/12/2012. Không chỉ có tín dụng ưu đãi, MB cũng đang có những giải pháp và sản phẩm cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho nhóm đối tượng này. Trước đó, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu cũng đã dành 3.000 tỷ đồng cho vay sản xuất với lãi suất ưu đãi. Theo đó, doanh nghiệp có phương án vay vốn khả thi (ưu tiên doanh nghiệp có hoạt động thanh toán quốc tế hoặc thanh toán biên mậu) sẽ được MHB ưu đãi giảm lãi suất cho vay từ 1 - 2%/năm so với lãi suất cho vay tối thiểu mà MHB ban hành trong từng thời kỳ.

Chia sẻ về lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp còn ở mức cao, bà Đỗ Thị Nhung - Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết: Trong thời gian tới sẽ điều chỉnh trần lãi suất huy động VND về 12%/năm. Đây cũng sẽ là tín hiệu cho các doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn vốn “giá rẻ” (Trước đó, từ 13/3, lãi suất huy động cao nhất của các ngân hàng là 13% một năm).

Theo bà Nhung, cơ sở cho việc giảm trần lãi suất là tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp trong thời gian qua cũng như tình hình thanh khoản tại các ngân hàng đã và đang được cải thiện đáng kể.

Trước đó, đại diện NHNN Việt Nam đã tuyên bố: Nếu tình hình kinh tế vĩ mô cho phép, lãi suất sẽ giảm 1%/quý. Đến cuối năm, mục tiêu có thể hạ lãi suất huy động xuống 10 - 11%/năm, lãi suất cho vay cũng sẽ giảm tương ứng. Từ nay đến cuối năm, chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục được điều hành một cách linh hoạt.

Một thông tin quan trọng khác cũng được công bố là trong thời gian tới, NHNN sẽ nghiên cứu để áp tỷ lệ với các đối tượng không khuyến khích như cho vay tiêu dùng, đối tượng vay mua nhà ở và loại trừ thêm các đối tượng nằm trong diện này. Điều này có nghĩa là tín dụng sẽ được nới lỏng nhất định.

Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN