VN-Index bật tăng - “bẫy” hay cơ hội?

Hiện tượng 2 phiên giao dịch cuối tuần trước (10 – 11/3), chỉ số điểm cả hai sàn chứng khoán HNX và HSX tăng mạnh cùng với khối lượng tăng làm các nhà đầu tư (NĐT) trên thị trường (cả tổ chức và cá nhân) không khỏi bất ngờ. Tuy nhiên, VN-Index tăng trong khi kinh tế vĩ mô chưa có nhiều tín hiệu tích cực khiến giới đầu tư băn khoăn không biết nên tận dụng cơ hội hay đứng ngoài phòng rủi ro?

Trước khi TTCK “hưởng lợi” từ các thông tin như cơ quan quản lý sẽ quyết tâm dẹp thị trường USD chợ đen và chấn chỉnh thị trường vàng, tổ chức phân tích chứng khoán VietStock đã công bố những chỉ số cơ bản của giá chứng khoán trên TTCK Việt Nam. Theo đó, thống kê 615 doanh nghiệp đang niêm yết (đã công bố kết quả kinh doanh năm 2010) thì có tới 370 cổ phiếu (chiếm 63%) đang có thị giá thấp hơn giá trị sổ sách.

Nhóm cổ phiếu (CP) từng được coi là dẫn định TTCK là CP chứng khoán và ngân hàng thì có tới 12/25 cổ phiếu của công ty chứng khoán và 2/8 cổ phiếu ngân hàng có thị giá đang dưới mệnh giá. Thống kê cũng cho biết, có tới gần 50 công ty có P/B (thị giá/giá trị sổ sách) nhỏ hơn 1 lần và ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) lớn hơn 20%. Số doanh nghiệp không thua lỗ và có hệ số P/E (lợi nhuận/thị giá) nhỏ hơn 5 lần lên tới 116 doanh nghiệp.

Tính toán từ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh năm 2010 và dựa trên giá cổ phiếu ngày 4/3/2011, hệ số P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện chỉ ở mức 8,33 lần, trong đó P/E của HoSE là 8,31 lần và HNX là 8,43 lần. Đây là mức rất thấp so với hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới.

Có lẽ thông tin về giá trị của CP trên TTCK Việt Nam đã phần nào giúp các NĐT trên thị trường bớt quan ngại về rủi ro của việc giảm giá CP. Một số NĐT đã lao vào “bắt đáy” tạo hiệu ứng bắt đáy cho cả thị trường.

Tuy nhiên, liệu hiện tượng tăng điểm của VN-Index ở 2 phiên cuối tuần trước có bền?

Chuyên gia phân tích Đặng Kinh Luân, Giám đốc phân tích StoxPlus cho rằng, trước việc ban hành hàng loạt các quy định như Nghị quyết 11, Chỉ thị 01, Thông tư 226…, Chính phủ đưa ra thông điệp rõ ràng nhất về ưu tiên kiềm chế lạm phát trong năm nay đối với nền kinh tế Việt Nam, những quyết sách vừa ban hành sẽ giúp lấy lại thăng bằng và ổn định cho kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, ông Luân nhận định, mặc dù thị trường đang nằm trong “vùng đáy” nhưng chưa thể coi là đáy thấp nhất. Bởi, dù nền kinh tế được dự báo sẽ sớm lấy lại được thăng bằng nhưng với nguy cơ lạm phát cao và lãi suất ngân hàng chưa dễ hạ nhiệt, ông Luân cho rằng, thị trường sẽ không có khả năng tăng trưởng mạnh.

Theo khuyến nghị của nhiều nhà phân tích, ngoại trừ các NĐT tổ chức với quan điểm đầu tư dài hạn có thể tham gia thị trường giai đoạn này, còn các NĐT nhỏ cần phải cân nhắc các yếu tố rủi ro trước khi quyết định tham gia vào thị trường.

Xuân Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN