Điều này góp phần giúp Việt Nam tăng 10 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu. Để hiểu rõ hơn về những nỗ lực mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng xung quanh nội dung này.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố, chỉ số cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 10 bậc, từ mức xếp hạng 77 hồi năm ngoái lên mức xếp hạng 67 trong năm nay. Xin Bộ trưởng cho biết những nỗ lực của Việt Nam để đạt được kết quả thăng hạng này?
Ngày 9/10/2019, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã công bố Báo cáo xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019; trong đó, Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số và tăng hạng tốt nhất toàn cầu, tăng 3,5 điểm và tăng 10 bậc (từ vị trí thứ 77 với 58 điểm lên vị trí thứ 67 với 61,5 điểm), 8/12 trụ cột cải thiện tích cực cả về điểm và thứ hạng.
Tôi cho rằng năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2019 và những năm gần đây đã có bước cải thiện đáng kể là kết quả của quá trình quyết tâm, nỗ lực và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ngày càng thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nội dung kết quả và quá trình thực hiện các giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 19/NQ-CP (từ năm 2014 đến 2018) và Nghị quyết số 02/NQ-CP luôn được Chính phủ quan tâm, thảo luận tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ; được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao, liên tục nhằm bảo đảm kết quả cải cách ngày càng thực chất hơn, củng cố niềm tin của doanh nghiệp.
Đặc biệt là từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Theo đó, các chỉ số về thể chế, mức độ năng động trong kinh doanh, năng lực đổi mới sáng tạo tăng điểm tốt, góp phần đáng kể trong kết quả nâng hạng năng lực cạnh tranh chung của toàn nền kinh tế.
Có một số ý kiến cho rằng, kết quả trên một phần là nhờ Việt Nam có khả năng tận dụng các cơ hội từ căng thẳng thương mại trong khu vực và trên thế giới. Theo Bộ trưởng, những ý kiến đánh giá này có chính xác hay không?
Năng lực cạnh tranh của Việt Nam được cải thiện là kết quả của nhiều năm nỗ lực liên tục của Chính phủ. Đáng chú ý là kể từ năm 2014, với việc ban hành các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, liên tục, gắn với mục tiêu dài hạn, đồng thời, cập nhật các mục tiêu, giải pháp phù hợp với diễn biến tình hình, bối cảnh và yêu cầu mới.
Năm 2019, tình hình quốc tế diễn biến không thuận, phức tạp, khó lường, nhất là tác động của căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, Việt Nam duy trì được đà cải cách, đổi mới, tiếp tục xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện, minh bạch, ít chi phí và ngày càng thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Trong thời gian tới, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo; trong đó, tập trung các giải pháp xây dựng môi trường kinh doanh ổn định, an toàn, ít chi phí và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, ứng phó tốt hơn với bối cảnh căng thẳng thương mại ở khu vực và trên thế giới.
Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tác động cải cách thể chế của Việt Nam trong thời gian qua với việc thăng hạng của chỉ số này?
Theo tôi, thể chế là một trong 8 trụ cột đạt kết quả rất tích cực trong năm 2019, tăng 0,3 điểm và tăng 5 bậc, từ vị trí thứ 94 lên vị trí thứ 89. Đây là kết quả đáng khích lệ của quá trình nỗ lực cải cách thế chế của Việt Nam như: cắt giảm, đơn giản hoá ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; thay đổi phương thức quản lý nhà nước trong hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành; chú trọng cải thiện các quy định, thủ tục nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; đẩy mạnh Chính phủ điện tử và giao dịch không dùng tiền mặt; cải cách thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; giảm chi phí doanh nghiệp; từng bước tạo lập thể chế chính sách vượt trội nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo;…
Theo Bộ trưởng, để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập thành công, Việt Nam cần có những bước đi như thế nào trong thời gian tới?
Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tôi cho rằng chúng ta cần tiếp tục nỗ lực cải cách mạnh mẽ, thực chất và toàn diện hơn nữa, nhất là trên các lĩnh vực về thể chế, kỹ năng, môi trường kinh doanh và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ số trụ cột hiện ở thứ hạng thấp hoặc rất thấp.
Ở cấp độ các chỉ số thành phần, một số chỉ số đang trở thành điểm nghẽn như: mức độ minh bạch về ngân sách; tham nhũng; tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, chúng ta cần chú trọng các giải pháp cải thiện các chỉ số này. Điều này đòi hỏi không chỉ nỗ lực từ Chính phủ mà cần sự chung tay của các bên liên quan, nhất là cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Bài 3: Trọng tâm là cải cách hành chính