Viễn cảnh kinh tế toàn cầu năm 2012 - 2013: Bài 2: Đi tìm giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế thế giới

Trong bối cảnh chính phủ nhiều quốc gia đang phải chật vật đối phó với vấn đề kinh tế vĩ mô, lòng tin của người tiêu dùng cũng như giới doanh nhân giảm sút, nền kinh tế thế giới sẽ còn khó khăn và thời gian chịu ảnh hưởng xấu cũng sẽ lâu hơn. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009 và cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay đã cho thấy rõ hơn sự bất ổn nghiêm trọng mang tính cấu trúc của nền kinh tế thế giới và mô hình phát triển kinh tế thị trường thiên lệch, kém bền vững mà hầu hết các nước đang theo đuổi lâu nay. Thế giới dường như đang chứng kiến một sự thất bại "kép" của cơ chế kinh tế thị trường và nhà nước với chức năng quản lý kinh tế. Điều này đòi hỏi lãnh đạo của các quốc gia cùng phải hợp sức bàn thảo và đề xuất giải pháp thông qua các chương trình hành động hợp tác đa phương cũng như song phương.


Tạp chí “Tài chính và Phát triển“ của IMF đã nêu lên hiện trạng kinh tế toàn cầu từ nhiều góc độ, từ nguyên nhân gây khủng hoảng, tác động của khủng hoảng và hiệu quả của các biện pháp cải cách mang tính hệ thống. IMF nêu rõ, chỉ có những can thiệp chính sách mạnh mẽ và sáng tạo, nhất là trong nền kinh tế Mỹ, mới có thể ngăn chặn nguy cơ một cuộc suy thoái mới trên phạm vi toàn cầu. IMF cũng đã kêu gọi các nước Eurozone phát triển chiến lược mới và có đối sách linh hoạt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tiến trình phục hồi của các nước này gần như ngưng trệ.


 

Công nhân Hy Lạp biểu tình chống biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ trước trụ sở Bộ Tài chính ở thủ đô Aten ngày 14/6/2012. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Theo Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde, cuộc chiến giữa tăng trưởng và các biện pháp khắc khổ là "cuộc tranh cãi sai lầm". Bà Lagarde nhấn mạnh, các nhà hoạch định chính sách toàn cầu nên tạo sự cân bằng giữa tăng trưởng và các biện pháp khắc khổ khi đưa ra các chính sách kinh tế nhằm mang đến sự tăng trưởng kinh tế "nhanh và tốt hơn" và để đạt được điều này, các nước cần kết hợp các chính sách đúng đắn. Nếu tăng trưởng kinh tế yếu hơn dự báo, các nước nên kiên trì với các biện pháp tài chính, thay vì thắt chặt chi tiêu hay chạy theo các mục tiêu tài chính đã đề ra.


Bà Lagarde cho rằng, thế giới có thể "thiết kế" một chiến lược mang lại lợi ích cho cả hiện tại lẫn tương lai và có lợi cho sự ổn định và tăng trưởng. Theo bà, chính sách tiền tệ hiện đã ở mức "cực lỏng" nhằm thúc đẩy nhu cầu tăng lên và đưa kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng, song tại một số nơi, chính sách tiền tệ vẫn cần được nới lỏng hơn nữa. Trong ngắn hạn, nhu cầu có ý nghĩa lớn đối với tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, song các chính sách tiền tệ "lỏng" tại một số nước phát triển không nhóm lên sự phục hồi mạnh mẽ, bởi "cỗ xe" tăng trưởng kinh tế đang bị "hãm phanh" bởi ba yếu tố: Sự điều chỉnh tài chính, các ngân hàng yếu và các thị trường nhà đất yếu kém. Các nền kinh tế phát triển cần giải quyết núi nợ, do tỷ lệ nợ/GDP năm 2013 dự báo sẽ chạm mức 109% - tỷ lệ cao nhất kể từ Thế Chiến II. Điều quan trọng nhất là phải đưa ra một kế hoạch trung hạn để giảm nợ. Khi tiến hành các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách, như tăng thuế và cắt giảm chi tiêu, tốc độ tăng trưởng kinh tế thường giảm sút và điều này khiến cho nỗ lực giảm thâm hụt lại trở nên khó khăn. Bà Lagarde đã thúc giục chính phủ các nước tránh rơi vào cái bẫy này, thay vào đó họ nên tập trung vào việc giảm dần mức nợ và không nên tiếp tục cắt giảm thâm hụt ngân sách khi nền kinh tế yếu đi.


Bên cạnh đó, IMF đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy cải tổ mạng an toàn tài chính quốc tế mà chính cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính vừa qua đã làm nó biến đổi. Phó Tổng giám đốc IMF, Naoyuki Shinohara, nêu rõ, mạng an toàn tài chính quốc tế hỗ trợ tài chính cho bất cứ nước nào không còn khả năng thực hiện các nghĩa vụ với bên ngoài. Sự hỗ trợ như vậy bao gồm 4 tầng nấc: Tự bảo hiểm nhờ các nguồn dự trữ được tích lũy trong thời kỳ hưng thịnh kinh tế; các hiệp định hỗ trợ song phương như hiệp định trao đổi tiền tệ giữa hai ngân hàng trung ương; các thể chế tín dụng khu vực; và cuối cùng là các dàn xếp đa phương, trong đó IMF là trọng tâm. Bốn hình thức đa dạng này cùng tồn tại tạo thành mạng an toàn tài chính quốc tế.


Trong bài thuyết trình tại Hội nghị hàng năm của hãng tin AP (Mỹ) ở thủ đô Oasinhtơn mới đây, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde đã kêu gọi thế giới thiết lập một "bức tường lửa" tài chính mạnh. Bà Lagarde cho biết, các ngân hàng nước ngoài hiện giữ tới 5.500 tỷ USD tài sản của Mỹ, trong khi các ngân hàng Mỹ chỉ giữ 2.200 tỷ USD tài sản nước ngoài. Điều này cho thấy yếu kém của hệ thống ngân hàng có thể chuyển dịch dễ dàng xuyên biên giới. Vì vậy, theo bà Lagarde, thế giới cần khu vực tài chính mạnh và an toàn hơn thông qua các quy chế hợp tác tốt hơn, cũng như cần phối hợp thực hiện hiệu quả hơn các thỏa thuận đã đạt được trong các lĩnh vực thiết yếu như quy chế dẫn xuất, giải quyết hiệu quả hoạt động của các ngân hàng xuyên biên giới.


Người đứng đầu IMF khẳng định, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đương đại, điều quan trọng là phải duy trì đối thoại mở và hiệu quả với tất cả các nước thành viên nhằm thúc đẩy kinh tế thế giới phục hồi và phát triển bền vững. Bên cạnh đó cần phải ưu tiên tạo việc làm. Đây là thách thức lớn nhất đối với mọi nền kinh tế trong bối cảnh hơn 200 triệu người trên thế giới thất nghiệp, trong đó tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đặc biệt nghiêm trọng.


Còn theo Liên hợp quốc, để thoát khỏi sự trì trệ, các nền kinh tế trên thế giới phải quan tâm tới 5 vấn đề: Một là các nước phát triển cần thận trọng thúc đẩy chính sách tài chính khắc khổ do phục hồi kinh tế vẫn mong manh và thất nghiệp còn cao; hai là thiết lập chính sách tạo thêm việc làm và thúc đẩy thay đổi cơ cấu nhằm duy trì tăng trưởng trong trung hạn và dài hạn; ba là xây dựng các thỏa thuận về quy mô, tốc độ và thời điểm nới lỏng các chính sách tài chính để xử lý mất cân bằng kinh tế thế giới; bốn là các nước đang phát triển cần đảm bảo đủ các nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển lớn; năm là tìm ra các biện pháp để thúc đẩy phối hợp chính sách hiệu quả và tin cậy giữa các nền kinh tế lớn.


Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Robert Zoellick cũng cho rằng trên phạm vi toàn cầu, chính phủ các nước cần kêu gọi sự hợp tác và hỗ trợ từ cả bên ngoài và không nên coi những rắc rối về tài chính chỉ là vấn đề của riêng họ. Khủng hoảng nợ công ở các nước phát triển có thể phá hoại nghiêm trọng các nền kinh tế mới nổi hiện đang đóng góp 50% GDP toàn cầu. Các nước đang phát triển cũng cần xây dựng các vùng đệm để ngăn chặn các tác động lan tỏa do tăng trưởng trì trệ và khủng hoảng nợ công từ các nước phát triển.


Theo đánh giá của các viện nghiên cứu, cho dù có những nỗ lực của từng nền kinh tế cũng như sự phối hợp toàn cầu trong thời gian tới, song triển vọng kinh tế thế giới năm nay và năm tới vẫn chưa thực sự có nhiều dấu hiệu khả quan.


Tố Uyên

 

Bài 3: Năm 2013, kinh tế thế giới đi về đâu?

Viễn cảnh kinh tế toàn cầu năm 2012 - 2013-Bài 1: Rập rình những nguy cơ tiềm ẩn
Viễn cảnh kinh tế toàn cầu năm 2012 - 2013-Bài 1: Rập rình những nguy cơ tiềm ẩn

Năm năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng đầu thập niên 1930, hiện trạng của nền kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm cho dù đã thoát khỏi nguy cơ rơi vào "vực thẳm".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN