Vì sao vốn ODA giao thông giải ngân chậm?

Hầu hết các dự án giao thông sử dụng vốn ODA tại Việt Nam đều chưa đạt tiến độ đề ra, thậm chí nhiều dự án khởi công xong “dậm chân tại chỗ”. Hệ quả là tốc độ giải ngân rất chậm mặc dù nguồn vốn đầu tư luôn dồi dào. Trước tình trạng trên, nhiều nhà tài trợ “dọa” sẽ rút vốn khỏi các dự án. Thực tế này đòi hỏi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cần sớm quyết liệt xử lý, không để ảnh hưởng đến việc thu hút vốn ODA vào lĩnh vực này.


Đi tìm nguyên nhân


Dự án Phát triển giao thông đồng bằng Bắc Bộ được triển khai từ tháng 2/2009, trị giá 170 triệu USD vốn ODA của Ngân hàng thế giới (WB), nhằm nâng cao năng lực vận tải các tuyến đường thủy ở đồng bằng sông Hồng. Theo kế hoạch, dự án này phải hoàn thành vào tháng 6/2014. Tuy nhiên, sau 56 tháng thi công, đến nay, chủ đầu tư (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) mới giải ngân được gần 30% giá trị vay và để thực hiện được các mục tiêu đề ra, dự án cần thêm ít nhất 130 triệu USD nữa, nâng tổng mức đầu tư lên 300 triệu USD. Hiện việc giải ngân trên 70% giá trị còn lại trước khi Hiệp định vay vốn kết thúc vào tháng 6/2014 là bất khả thi.


Tiến độ công trình cầu Nhật Tân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do vướng mặt bằng. Ảnh: CTV


Dự án Giao thông đô thị Hà Nội do TP Hà Nội làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư trên 155 triệu USD vốn ODA của WB. Tính đến tháng 6/2013, tức là sau 5 năm thực hiện, dự án này liên tục bị xếp hạng “có vấn đề”. Lũy kế giải ngân của dự án đến nay đạt khoảng 37 triệu USD, bình quân 7 triệu USD/năm, trong khi, yêu cầu giải ngân bình quân cho dự án này phải đạt 2,6 triệu USD/tháng. “Nếu TP Hà Nội không đảm bảo tiến độ dự án, cần sớm thông báo hủy vốn để nguồn vốn này được tái phân bổ cho các dự án khác”, đại diện WB cảnh báo.


Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dù đã chính thức khởi công từ ngày 19/5/2013, nhưng 2 tháng qua vẫn “dậm chân tại chỗ”. Dự án cầu Kỳ Nam qua sông Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam) cũng trong tình trạng khởi công xong rồi để đó, dù có mặt bằng sạch. Với dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, công tác chuẩn bị chậm chạp, mặc dù chủ đầu tư đã nhiều lần lùi thời hạn khởi công do đang gặp nhiều vướng mắc...


Đáng lưu ý nhất là dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, có tổng vốn đầu tư tới 20.000 tỷ đồng, vốn ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), được chia thành 8 gói thầu. Đến tháng 7/2013, tức là sau 34 tháng thi công, khối lượng giải ngân tại gói thầu A5 mới đạt 35% giá trị hợp đồng, gói thầu A4 là 50%. Trong khi đó, theo hợp đồng, nhà thầu chỉ còn hơn một tháng nữa để hoàn thành hai gói thầu này...


Lý giải về sự chậm chễ này, theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), là do các chủ đầu tư phải hoàn tất các thủ tục chuẩn bị, hoàn thiện hạ tầng vào công trường, hoàn thiện bản vẽ thi công và trình tư vấn quốc tế.


Còn theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, việc chậm giải ngân xuất phát từ việc các chủ đầu tư đang phải “lụy” nhà thầu quốc tế thay vì nhà thầu “lụy” chủ đầu tư. Đơn cử, tại dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai do VEC làm chủ đầu tư, mặc dù VEC đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ, nhưng các nhà thầu Posco, Keangnam, Doosan của Hàn Quốc tại dự án này vẫn không thể đáp ứng yêu cầu về tiến độ. Thậm chí, theo đại diện tư vấn giám sát quốc tế của dự án này, các nhà thầu còn thi công không đúng quy trình công nghệ, một trong những lỗi không được phép xảy ra đối với các nhà thầu quốc tế.


Với dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (có tổng vốn đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng, cũng do VEC làm chủ đầu tư) thì nhà thầu Pumyang - Sungjee của Hàn Quốc bị phá sản giữa chừng. Việc này đẩy VEC vào thế “tiến thoái lưỡng nan” khi phải chọn lại nhà thầu, vừa làm chậm tiến độ thi công, vừa đội thêm chi phí...


Một nguyên nhân đáng quan ngại nữa là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại nhiều dự án gặp nhiều vướng mắc. Chính quyền các địa phương bàn giao mặt bằng quá chậm, dẫn đến mặt bằng bị chia nhỏ, gây khó khăn cho thi công, vỡ tiến độ. Trước thực tế trên, nhiều nhà thầu đã bỏ dự án làm không ít chủ đầu tư phải tìm nhà thầu khác thay thế.


Chủ đầu tư kém sẽ bị điều chuyển


Việc giải ngân chậm trễ trong các dự án ODA dẫn đến hai tác động xấu: Chủ đầu tư các dự án phải “phình” vốn để đạt mục tiêu ban đầu hoặc chấp nhận “bóp” quy mô để đảm bảo phù hợp với nguồn vốn được phân bổ; thời gian thực hiện dự án bị kéo dài, gây phát sinh thêm chi phí tư vấn. Rõ ràng, hiện tượng này khiến không ít dự án giao thông trọng điểm, quy mô lớn đang phải đối mặt với việc thời gian hoàn vốn kéo dài hơn nhiều so với dự kiến.
Khắc phục tình trạng trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: Vai trò, năng lực của chủ đầu tư là tiêu chí ưu tiên hàng đầu đối với các dự án giao thông. Nếu chủ đầu tư làm tốt, chuyên nghiệp thì chắc chắn tiến độ dự án sẽ được cải thiện. Bộ GTVT đã rà soát đánh giá, xếp loại chủ đầu tư. Tới đây, chủ đầu tư nào làm kém, để chậm tiến độ sẽ bị điều chuyển và giảm bớt dự án được giao quản lý.


Riêng đối với dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nếu các nhà thầu Posco, Keangnam, Doosan không có chuyển biến trong thi công dự án trong vài tháng tới, không kiện toàn năng lực tài chính và nhân lực để “sốc” lại tiến độ, Bộ GTVT sẽ thông báo tới ADB để cấm các nhà thầu này tham gia các dự án giao thông tại Việt Nam.


Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết thêm: Nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân các dự án giao thông vốn ODA đều không mới. Đó là việc thiếu vốn đối ứng, tiến độ GPMB chậm, nhà thầu không thi công được dẫn đến máy móc, nhân công phải chờ đợi... Điều đáng lo ngại là nhiều địa phương chưa thực sự coi trọng công tác tái định cư, đền bù giải tỏa, nên hầu hết các dự án giao thông đều vướng khâu giải phóng mặt bằng.


Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu các Thứ trưởng phụ trách các dự án phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc. Bộ GTVT đề nghị các địa phương tích cực vào cuộc trong công tác GPMB và tái định cư, đặc biệt chú trọng đến các dự án vốn ODA, không để lãng phí nguồn vốn.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải: Xử lý dự án chậm triển khai

Tại cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đến các dự án ODA do Nhật Bản tài trợ mới đây, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường các đoàn kiểm tra, lập “danh sách đen” các dự án ODA chậm tiến độ để kiên quyết xử lý tình trạng chậm trễ, cải thiện tiến độ giải ngân vốn ODA hiện nay. Trên cơ sở rà soát, các đơn vị liên quan thực hiện ngay các biện pháp tháo gỡ, đề xuất cơ chế để cải thiện tình hình triển khai tại các dự án, không để tình trạng chậm trễ, lãng phí nguồn lực ODA. Đối với những dự án vướng mắc kéo dài do nhà thầu chây ỳ, thiếu năng lực, phải kiên quyết xử lý, cũng như nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư. Riêng với những vướng mắc về GPMB ở các dự án của TP Hà Nội, Phó Thủ tướng yêu cầu thành phố tập trung rà soát, sớm báo cáo Thủ tướng, để có những chỉ đạo xử lý một cách kịp thời.

 

Giám đốc WB tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa: Hiệu quả đầu tư bị ảnh hưởng

Hạ tầng giao thông là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của WB tại Việt Nam, với hơn 20% tổng số vốn tài trợ. Tuy nhiên, điều đáng buồn là dù đứng ở tốp đầu về vốn đầu tư, nhưng hạ tầng giao thông lại luôn ở nhóm cuối về giải ngân. Hầu hết các dự án đều không đạt tiến độ giải ngân như cam kết, điều này ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả đầu tư.

 

Tổng giám đốc VEC Mai Tuấn Anh: Thực hiện vì thương hiệu, không vì lợi nhuận

Do quy định của các nhà tài trợ quốc tế về quá trình đấu thầu dự án không hạn chế giá dự thầu, nên nhiều nhà thầu sẵn sàng bỏ thầu với giá thấp. Do bỏ giá thầu thấp nên không ít nhà thầu đi thuê các nhà thầu phụ ít năng lực hơn để thực hiện dự án, thậm chí “chia nhỏ” dự án cho vừa năng lực các nhà thầu phụ. Trong khi đó, không ít nhà thầu phụ quốc tế dù lọt qua các cuộc đấu thầu cạnh tranh quốc tế nhưng không chứng tỏ được sự vượt trội về năng lực thi công, tài chính so với các nhà thầu nội. Hơn nữa, họ phải mất nhiều thời gian để thích nghi với môi trường thi công tại Việt Nam. Do đó, để “cứu” tiến độ các dự án, đã đến lúc, các nhà thầu phải thực hiện vì thương hiệu, chứ không thể vì lợi nhuận.



Tiến Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN