Vì sao Quảng Bình chưa hấp dẫn các nhà đầu tư?

Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã tập trung thực hiện cải thiện môi trường đầu tư theo hướng linh hoạt và nhanh nhạy; mở rộng các mối quan hệ với các đối tác; tăng cường xúc tiến đầu tư, công tác thông tin quảng bá trong và ngoài nước.

Tỉnh đã có những chính sách thông thoáng thu hút đầu tư và bước đầu đã cải tiến thủ tục thu hút đầu tư theo hướng đơn giản, giảm bớt phiền hà cho các nhà đầu tư khi đến đầu tư tại địa phương.


Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh mới có 38 dự án đã và đang triển khai thực hiện hoặc đang chuẩn bị thủ tục đầu tư; trong đó, có 19 dự án đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ VND; 19 dự án đang thực hiện đầu tư và chuẩn bị thủ tục đầu tư với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ VND.


Trong những dự án đầu tư vào Quảng Bình có 12 dự án đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, du lịch; 24 dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; 2 dự án đầu tư vào lĩnh vực thủy sản. Phần lớn các dự án đầu tư tập trung ở thành phố Đồng Hới và phân bổ rải rác ở các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Lệ Thủy và Tuyên Hóa.

Sản xuất các sản phẩm từ gỗ tại Nhà máy chế biến gỗ Phú Quý, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Hồng Hóa – TTXVN


Nhìn chung, tỉnh Quảng Bình đã có những cố gắng nhất định nhưng vẫn chưa tạo được sức hấp dẫn và chưa có môi trường tốt để thu hút các nhà đầu tư. Một số nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến với Quảng Bình ở mức độ thăm dò, xem xét, chưa thực sự đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đã được tỉnh giới thiệu địa điểm nhưng không triển khai thực hiện dự án làm ảnh hưởng đến công tác đầu tư chung của địa phương.


Vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là sự chậm trễ thực hiện đầu tư của các nhà đầu tư đã được tỉnh chấp thuận và giới thiệu địa điểm đầu tư. Điển hình như khu vực xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới) có 23 dự án đã đăng ký và có quyết định giới thiệu địa điểm với diện tích đất hơn 721.580 m2, đến nay đã gần hai năm vẫn chưa triển khai đầu tư. Tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, có dự án đã làm thủ tục giới thiệu địa điểm quá thời hạn quy định nhưng chủ đầu tư vẫn chưa triển khai.

Nguyên nhân cơ bản cho đến nay, Quảng Bình vẫn chưa hấp dẫn các nhà đầu tư là do cơ sở hạ tầng kỹ thuật của tỉnh thiếu đồng bộ, nhất là các công trình trọng yếu như cảng biển đang thi công xây dựng dở dang. Hơn nữa, với vị trí địa lý nằm vào khúc ruột miền Trung, Quảng Bình ở cách xa các trung tâm kinh tế - xã hội, các thị trường lớn của cả nước và khu vực.


Dù tỉnh đã cố gắng ban hành một số chính sách ưu đãi, mời gọi nhưng số lượng các dự án đầu tư vào Quảng Bình đến nay vẫn còn rất khiêm tốn.

Mặt khác, công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thu hút đầu tư còn kém hiệu quả, thủ tục còn rườm rà. Sự phối hợp giữa các cơ quản lý nhà nước, các đơn vị tiếp nhận, xử lý dịch vụ công chậm đổi mới, thiếu linh hoạt, không đồng bộ dẫn đến gặp vướng mắc khi triển khai thực hiện.


Chất lượng các dịch vụ, nhất là dịch vụ "một cửa" còn yếu, thiếu sự liên kết phối hợp giữa các dịch vụ "một cửa" của các sở, ngành chức năng. Công tác xây dựng quy hoạch còn chậm, chất lượng còn thấp; một số khu vực trọng điểm của tỉnh như khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng là tâm điểm đầu tư, là lợi thế số 1 của địa phương, đến nay vẫn chưa có quy hoạch, kéo theo các hoạt động đầu tư khác trên địa bàn ở mức cầm chừng, thăm dò, chưa có cơ sở để phát triển các doanh nghiệp phụ trợ trong sản xuất và dịch vụ.


Vướng mắc nổi lên hiện nay đối với các nhà đầu tư vào Quảng Bình là vấn đề đất đai và giải phóng mặt bằng. Doanh nghiệp muốn có đất đai, mặt bằng phục vụ cho dự án đầu tư đều phải trực tiếp thỏa thuận với hộ dân, sau đó thông qua chính quyền từ thôn, xóm, đến xã, phường, thị trấn... cuối cùng lên tỉnh. Công đoạn này quá dài và rườm rà, gây tốn kém cho nhà đầu tư.

Quảng Bình là một tỉnh còn nghèo, cùng với sự nỗ lực nội tại của địa phương thì việc tranh thủ các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đến làm ăn, phát triển kinh tế là con đường ngắn nhất sớm đưa địa phương thoát nghèo.


Do đó, Quảng Bình cần phải cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như các thành phần kinh tế ở địa phương tham gia đầu tư phát triển, coi đây là một trong những giải pháp mang tính đột phá của địa phương trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Quảng Bình trở thành tỉnh giàu mạnh.

Ngọc Châu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN