Vì sao hộ kinh doanh không muốn 'lớn' thành doanh nghiệp?

Nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển lên doanh nghiệp (DN) để tránh nghĩa vụ thuế và bản thân DN chưa mặn mà, mặt khác do những vướng mắc từ thủ tục hành chính, thuế, quản trị doanh nghiệp... Đó là nhận định của các chuyên gia tại Tọa đàm trực tuyến “Để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp hiệu quả, bền vững” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều nay (10/4).

Doanh nghiệp ngại vì thủ tục thuế

Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020 của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động. Một trong những giải pháp quan trọng nhằm hoàn thiện mục tiêu trên là tạo điều kiện, hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này đã và đang gặp không ít khó khăn, thách thức.

Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, cả nước hiện nay có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, trong đó có trên 3.5 triệu hộ đã được cấp mã số thuế, đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế,  giải quyết trên 10 triệu lao động thường xuyên. Nhìn chung loại hình hộ kinh doanh cơ bản áp dụng hình thức thuế đơn giản nhưng việc thực hiện thực hện bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động còn khó khăn.

Các chuyên gia tại cuộc tọa đàm.

“Đây được xem là đối tượng chính để phát triển lên doanh nghiệp. Mặc dù điều kiện rất đơn giản nhưng nhiều chủ hộ kinh doanh không muốn chuyển lên DN vì muốn tránh nghĩa vụ thuế vì hộ kinh doanh được áp thuế khoán, việc thực hiện đơn giản hơn. Mặt khác các thủ tục hành chính khác còn rườm rà và bản thân các chủ hộ chưa nhận thức được mình sẽ được hưởng lợi gì khi chuyển đổi sang DN nên chưa mặn mà”, ông Nam cho biết.

Đây là một thực tế đã diễn ra ở nhiều địa phương, câu chuyện xảy ra tại Quận 1, TP Hồ Chí Minh là một ví dụ. Năm 2017, Quận 1 đặt ra mục tiêu vận động hơn 2.000 hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới có 8 hộ kinh doanh ở quận 1 chuyển đổi thành DN, có những hộ kinh doanh mỗi tháng nộp 300-350 triệu đồng tiền thuế vẫn không muốn chuyển thành DN.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, VCCI cho biết, đây là điều dễ hiểu, khi vẫn mô hình kinh doanh đó, số người và thu nhập như vậy nhưng khi chuyển từ hộ kinh doanh lên DN thì họ phải áp dụng chính sách thuế khác, phải mở sổ sách, thuê kế toán cùng các chính sách khác về lao động, bảo hiểm... nên DN còn e ngại.

“Một hộ kinh doanh doanh thu hơn 1 tỷ nếu lên DN thì một tháng phải bỏ ra 6 -7 triệu  đồng thuê kế toán, mất gần 1/10 doanh thu là điều phi lý. Nhiều DN phàn nàn, khi là hộ kinh doanh thì đóng phí an ninh quốc phòng 1 triệu đồng nhưng lên DN thì phải đóng 3-5 triệu đồng và nhiều câu chuyện khác nên động lực chuyển lên DN bị giảm. Do đó, đằng sau tuyên truyền vận động thì cần phân tích kỹ khó khăn cản trở ở đâu để có tháo gỡ”, ông Tuấn cho biết.

Theo kết quả điều tra DN của VCCI, điều ảnh hưởng trực tiếp và cản trở lớn nhất với DN là thủ tục kiểm toán và thuế, chế độ kế toán của DN nhỏ và siêu nhỏ cũng áp dụng như DN cỡ vừa và lớn, vẫn phải duy trì báo cáo kế toán, phải khai quyết toán thuế hồ sơ...khiến  nhiều DN thấy phức tạp.  Cùng với đó là “gánh nặng” thanh tra, thủ tục hành chính...khiến không ít hộ sau một thời gian thành DN thì quay lại hộ kinh doanh.

Cần có chính sách “vừa đẩy, vừa kéo” doanh nghiệp


Theo ông Đậu Anh Tuấn, cần có chính sách “vừa đẩy vừa kéo” để thúc đẩy hộ kinh doanh thành DN. Theo nhiều nghiên cứu của VCCI, khi hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh thì các hộ được hưởng thuế khoán và mức thuế khoán tăng nhanh hay chậm phụ thuộc cán bộ thuế và doanh thu, chi phí của DN. “Năm 2015, có nghiên cứu của một công ty tư vấn nghiên cứu hộ kinh doanh đã khảo sát 500 hộ kinh doanh và đưa ra kết luận 70% hộ kinh doanh thường xuyên thỏa thuận với cán bộ thuế về nghĩa vụ thuế phải nộp, có nơi có trường hợp cán bộ thuế hướng dẫn hộ kinh doanh lách thuế. Điều này thể hiện sự thiếu minh bạch và chính sự thiếu minh bạch này đã góp phần khiến các hộ kinh doanh ngại thành DN.

Do đó, bên cạnh chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi sang DN thì cũng cần có chính sách nhất quán, quản lý hoạt động hộ kinh doanh một cách minh bạch, “vừa đẩy, vừa kéo” để khuyến khích họ chuyển đổi.
Còn theo ông Tô Hoài Nam muốn hộ kinh doanh phát triển lên DN quan trọng nhất là môi trường kinh doanh, cho họ thấy họ sẽ được lợi ích gì khi chuyển từ hộ kinh doanh lên DN. Muốn hộ kinh doanh chuyển sang DN cần có chính sách hỗ trợ toàn diện khâu sản xuất kinh doanh.

“Hiện chính sách mới khuyến khích chuyển đổi và hỗ trợ khởi nghiệp nhưng phải nhất quán khi chuyển sang DN thì hỗ trợ phát triển về sau ra sao, gặp khó khăn thì chính sách giúp DN như thế nào, khung pháp lý cần củng cố, đảm bảo tính xuyên suốt và nhất quán”, ông Nam cho biết.

Cùng với việc xây dựng chính sách mới nhất quán hỗ trợ DN cần rà soát theo chính sách hiện hành, chính sách nào gây cản trở sự phát triển của DN và cần tháo gỡ,  có thể cản trở nằm ở luật, thông tư, chính sách địa phương. Mỗi địa phương thì phải đứng ở vị thế hộ kinh doanh để tháo gỡ và tạo thuận lợi cho họ. Cần có hỗ trợ về thủ tục hành chính, thuế...

“Cùng với thay đổi chính sách, quan trọng nhất theo tôi là phải thay đổi nhận thức của người chủ hộ kinh doanh, cho họ thấy áp lực của họ không còn xa vời nếu không chuyển đổi thì họ không phát triển kinh doanh lên được, về chính sách cần có quy định chặt chẽ với khu vực kinh doanh áp dụng thuế khoán, làm sao đó không phải là loại hình để hộ kinh doanh né thuế. Cùng với đó, áp dụng khoa học công nghệ trong khai báo thuế, tạo môi trường công khai minh bạch, giảm nhũng nhiễu với DN”, ông Nam đề xuất.


Thu Trang/Báo Tin tức
Hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp
Hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp

Muốn hoàn thành mục tiêu phát triển 60.000 doanh nghiệp trong năm 2017 các đơn vị phải hỗ trợ nhiều hơn cho các hộ cá thể chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN