Về đâu làng dệt Bảy Hiền

Nằm trên diện tích hơn 3,2 km2 bên đường Trường Chinh, Lạc Long Quân và Âu Cơ, một thời làng dệt Bảy Hiền (Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) vang danh là nơi cung cấp hàng dệt lớn nhất cả nước. Trải qua bao thăng trầm, giờ đây làng dệt Bảy Hiền đang đứng trước nguy cơ thất truyền vì không tìm được lối ra.


Vào những năm 60 của thế kỷ trước, những người con Duy Xuyên, Điện Bàn (Quảng Nam) di cư vào Sài Gòn lập nghiệp bằng nghề dệt vải. Lúc đó, khu vực này có đến hơn 90% cư dân (sống tại các phường 11, 12 và 13 của quận Tân Bình ngày nay) là người con xứ Quảng, tạo ra một “xứ Quảng thu nhỏ” giữa lòng thành phố. Không có cụ tổ hay người khai sinh ra làng dệt, nhưng những người con đất Quảng mang cái nghiệp đã có truyền thống ngàn đời ở quê hương vào Nam phát triển, tạo nên một làng nghề lớn giữa đất Sài Thành lúc bấy giờ; đồng thời trở thành một đối trọng với làng dệt người Hoa ở khu vực Chợ Lớn.


Thợ dệt đang bắt lỗi sợi.


Anh Huỳnh Sang, cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội phường 11, quận Tân Bình, cho biết: “Dân Bảy Hiền rất khéo léo. Lúc đầu chỉ sản xuất bằng máy có 9 tấc (cm) thôi, sau đó sáng chế ra máy 1,6m, 1,7m và chế luôn bộ điều khiển tự động, sản xuất ra dệt 2 – 3 thoi, rồi dệt ca ro… Dệt hết mặt hàng này sang mặt hàng khác với sản phẩm rất tốt. Thời bấy giờ, máy móc được họ chế tạo toàn bộ bằng sắt còn người dân Bảy Hiền thì chế toàn bằng gỗ, rất độc đáo nhưng dệt rất tốt, sản phẩm có thể sánh vai với các loại máy móc hiện đại của nước ngoài, cung cấp các sản phẩm dệt từ miền Bắc đến miền Tây, rồi sang cả Campuchia, Lào…”. Thời “hoàng kim”, làng dệt Bảy Hiền nổi tiếng với những tên tuổi các cơ sở sản xuất lớn như Công ty TNHH Xuân Hương, Công ty May lụa Toàn Thịnh, Công ty TNHH Dệt xuất khẩu Lộc Tấn, doanh nghiệp tư nhân sản xuất – thương mại Phú Trang, Công ty TNHH Thành Công…


“Bây giờ làng dệt Bảy Hiền chỉ còn được biết tiếng, chứ hàng ngàn hộ dệt ngày ấy nay chỉ còn lại vài ba gia đình làm riêng lẻ. Hơn chục năm nay, người ta bắt đầu bỏ nghề. Trước đây gia đình tôi cũng làm nghề dệt nhưng do làm ăn khó khăn nên cũng bỏ nghề. Gia đình nào giàu có thì mua máy mới hiện đại hơn nhưng cũng trụ lại được ít lắm” - ông Nguyễn Văn Tư ngụ đường Trần Mai Ninh cho hay


Theo ông Tư, những năm 1993 – 2000, thời kì của cơ chế thị trường, làng dệt Bảy Hiền bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi vải ngoại nhập, nhất là từ Trung Quốc, bởi giá thành rẻ, mẫu mã đẹp hơn. Nếu như năm 1994, phường 11 có hơn 4.000 hộ, thì có đến 1.615 hộ đi theo nghề dệt, thu hút gần 4.000 lao động, với 6.000 máy dệt bằng gỗ, thì đến năm 1998 số hộ bám trụ lại và chuyển đổi máy móc là 891 hộ, với 2.373 máy và sang năm 2000 chỉ còn 701 hộ với 1.725 máy. Một nguyên nhân khác cũng khiến làng dệt “đổ vỡ” là vào những năm 1995- 1997 một số “đại gia” của làng dệt vỡ nợ và như một hiện tượng đô-mi-nô, những hộ nhỏ cũng bị “ngã” theo. Bên cạnh đó, cách làm ăn của người dân làng dệt Bảy Hiền còn mang tính nhỏ lẻ, không có sự đoàn kết nên không thể “đánh bại” được hàng nhập ngoại.


Năm 2001, phong trào thay đổi máy móc dệt từ dệt khung gỗ sang máy kiếm của Trung Quốc nở rộ, ai cũng nghĩ sẽ sống lại ngành dệt. Thế nhưng, mặc dù một máy kiếm Trung Quốc lúc bấy giờ giá 7.500 USD, mọi người nghĩ dệt năng suất hơn nên họ đã thế chấp nhà cửa để mua. Giá máy đắt như vậy nhưng mỗi nhà vẫn có từ 2 – 3 máy và nhà nào cũng ồ ạt đầu tư nên sản phẩm làm ra nhiều, tiền gia công từ 5.000 đồng/mét hàng xuống còn 800 đồng/mét. Vậy là lỗ, lại càng lỗ và làng dệt ngày càng đi vào bế tắc.

Những hộ dân còn theo nghề dệt ở Bảy Hiền ngày nay còn rất ít. Ảnh: Internet


Bên cạnh đó, khi đô thị hóa, các công đoạn dệt như mắc, hồ, tẩy, nhuộm… là những công đoạn khép kín, trong khi làng dệt lại nằm trong khu dân cư dễ gây ô nhiễm môi trường, và theo quy định của Nhà nước phải dời ra khỏi nội thành. Những sở lớn như Phúc Trang, Phúc Trâm… cũng bắt đầu di chuyển, kéo theo hàng loạt các cơ sở khác di chuyển theo. Tuy nhiên, do khó tìm mặt bằng nên mạnh ai nấy dời, không còn tập trung vào một chỗ như làng dệt cũ, khiến làng dệt “tan rã”. Đi khắp những con đường một thời “vàng son” của nghề dệt như Tái Thiết, Trần Mai Ninh, Nam Châu, Võ Thành Trang... bây giờ đã vắng tiếng thoi đưa và rất ít gặp những hình ảnh khung dệt vải đông đúc như xưa. Lác đác chỉ còn vài nhà dệt vải, mà máy dệt cũng còn rất ít, bình quân mỗi nhà khoảng 2 -3 máy. Theo số liệu điều tra gần đây nhất, số hộ còn theo nghề dệt chỉ còn gần 90 hộ, trong đó khoảng 20 hộ còn dùng máy gỗ, 30 hộ máy kiếm và 40 hộ máy kim.


Lớp thế hệ con em làng dệt Bảy Hiền ngày nay đã không còn mặn mà với nghề truyền thống và dần chuyển sang ngành nghề khác theo thời kinh tế thị trường. Hiện làng dệt Bảy Hiền đã có đến 95% hộ dân chuyển đổi ngành nghề. Theo những gia đình gắn bó với nghề dệt, việc làng dệt Bảy Hiền đang dần “mất tiếng” khiến người dân cảm thấy tiếc cho một làng nghề. Họ mong sớm có chính sách hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, cải tiến trong khâu sản xuất, mẫu mã để nâng cao sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần xây dựng một mô hình kinh doanh phù hợp, tập trung, hợp tác theo hướng hợp tác xã... để giữ lại những hộ gia đình đang sản xuất nhỏ lẻ, giúp họ yên tâm làm ăn nhằm giữ lại một dấu ấn văn hóa truyền thống của TP Hồ Chí Minh nói chung và của những người xứ Quảng vào Nam lập nghiệp nói riêng.



Thu Thanh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN