Tỷ lệ thanh toán trực tuyến tại Việt Nam còn thấp

Thanh toán điện tử (TTĐT) được xem một hạ tầng quan trọng của thương mại điện tử (TMĐT). Thế nhưng, tại tọa đàm “Phát triển thanh toán trong TMĐT” diễn ra vào chiều ngày 26/9 tại TP Hồ Chí Minh, do Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng tỷ lệ thanh toán trực tuyến tại Việt Nam còn thấp.


Tọa đàm phát triển thanh toán trong thương mại điện tử 2014.


Theo báo cáo TMĐT Việt Nam năm 2013, tỷ lệ thanh toán trực tuyến cho các đơn hàng chỉ chiếm 19% trên tổng 72 triệu thẻ AMT được phát hành, những thanh toán còn lại chủ yếu là giao dịch bằng tiền mặt (COD) khi nhận hàng. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, nguyên nhân tỷ lệ thanh toán thấp là do người tiêu dùng lo ngại chất lượng mua hàng trên TMĐT.


Ông Nguyễn Phát Vĩnh Lợi, Trưởng văn phòng Banknet.vn tại TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, một nguyên nhân khác nữa là do lượng người đăng kí sử dụng giao dịch trực tuyến tại ngân hàng rất ít. Thực tế 72 triệu thẻ ATM phát hành, chỉ có 50% là có người sử dụng thực. Trong đó, chỉ có 10% là đăng kí giao dịch trực tuyến, chiếm khoảng 3 triệu thẻ ATM. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng TTĐT và TMĐT cũng còn nhiều rủi ro và hạn chế. Do vậy, chưa thúc đẩy được người tiêu dùng an tâm TTĐT.


Trước tình hình trên, tọa đàm Phát triển thanh toán trong TMĐT đã tập trung thảo luận, đánh giá hiện trạng phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT tại Việt Nam, tình hình thanh toán bằng thẻ, những cơ hội và thách thức khi phát triển điện tử, từ đó có các giải pháp hỗ trợ phát triển lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam. Đồng thời, đưa TMĐT trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia theo Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014 -2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11/5/2014.


Thông qua tọa đàm, các diễn giả là đại diện các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực TMĐT, các đơn vị quản lý nhà nước có liên quan như Bộ Công An, Tổng Cục thuế, Viettel Post, VDC, Banknetvn, Visa, 123Pay... đã đưa ra quan điểm là thị trường cần sớm có chính sách và giải pháp để giải quyết mâu thuẫn trên nhằm đảm bảo tính bền vững cho các hoạt động TMĐT.


Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị cần hoàn thiện hạ tầng cơ bản để phát triển thanh toán an toàn, đảm bảo cho TMĐT cũng như các mảng dịch vụ tiện ích thanh toán được phát triển, như các dịch vụ hành chính công, dịch vụ công ích… Đây là các dịch vụ mang tính chiến lược lâu dài, đem lại lợi ích cho xã hội. Tuy nhiên, chi phí đầu tư lớn và chưa mang lại nhiều lợi nhuận nên ít được các doanh nghiệp quan tâm.


Chủ đề liên quan đến hóa đơn điện tử cũng là nội dung quan trọng trong tọa đàm. Bởi với các doanh nghiệp bán hàng qua mạng, việc xuất hóa đơn điện tử sau khi khách hàng thanh toán trực tuyến sẽ đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng như hỗ trợ tốt cho các cơ quan chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thuế, giao dịch điện tử.


Tin, ảnh: Hải Yên

Alibaba – Ngôi sao 'đang lên' của thương mại điện tử Trung Quốc
Alibaba – Ngôi sao 'đang lên' của thương mại điện tử Trung Quốc

Ngày nay, cả thế giới lại một lần nữa nhắc tới cải tên Alibaba nhưng không phải là anh chàng láu linh trong câu chuyện cổ tích mà là một công ty thương mại điện tử-đấu giá trực tuyến hàng đầu Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN