Truyền thông Malaysia đánh giá tích cực về tăng trưởng và triển vọng kinh tế Việt Nam

Ngày 20/12, trang digitalnewsasia.com (Malaysia) dẫn kết quả nghiên cứu của hãng tư vấn Oxford Economics, do Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW, trụ sở tại Anh) ủy quyền, đưa ra một số nhận định về động lực kinh tế ở Đông Nam Á, trong đó nhận định tích cực về kinh tế Việt Nam năm 2023 và dự báo triển vọng khả quan trong trung hạn.

Chú thích ảnh
Việt Nam được đánh giá là nước tăng trưởng xuất khẩu vượt bậc trong khu vực trong năm 2023. Ảnh: TTXVN

Theo hãng Oxford Economics, Việt Nam là nước tăng trưởng xuất khẩu vượt bậc trong khu vực trong năm 2023. Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III/2023 ở mức 5,3% so với cùng kỳ năm 2022, tăng so với mức 4,1% trong quý II/2023. Điều này là nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất do giá trị xuất khẩu tăng trong bối cảnh xuất khẩu hàng điện tử được cải thiện, đặc biệt là xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo các chuyên gia Oxford Economics, nhờ chính phủ tăng đầu tư công trong quý III/2023, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy chi tiêu đầu tư trong quý tiếp theo.

Về kinh tế khu vực Đông Nam Á, Oxford Economics nhận thấy động lực kinh tế trong quý III/2023 trên đà tăng, nhưng vẫn có những lo ngại về các thách thức tiềm ẩn trong năm 2024. Các yếu tố ảnh hưởng đến dự báo năm 2024 gồm tăng trưởng toàn cầu chậm, trong khi các điểm tham quan du lịch mất sức hút và tiêu dùng cá nhân giảm.

Đông Nam Á ghi nhận động lực kinh tế mạnh trong quý 3/2023 với tình hình thương mại được cải thiện và tăng trưởng GDP được thúc đẩy vượt kỳ vọng.

Báo cáo của Oxford Economics cũng cho biết xuất khẩu ở Singapore, Malaysia và Việt Nam tăng trong quý II và III/2023, trong đó Singapore và Việt Nam có những bước chuyển biến đáng chú ý khi cả hai thị trường đều có vị thế vững chắc trong thương mại điện tử.

Tuy nhiên, xuất khẩu của Đông Nam Á sẽ vẫn chịu ảnh hưởng do suy thoái toàn cầu kéo dài, đặc biệt là tại nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Dù có thể sẽ tránh suy thoái, nhưng có lẽ Mỹ sẽ đối mặt với thời kỳ tăng trưởng yếu trong thời gian tới. Những nền kinh tế phát triển khác dự kiến cũng sẽ tăng trưởng chậm lại do chính sách siết chặt tiền tệ, trong khi chi tiêu của Trung Quốc vẫn ở mức thấp do những khó khăn trong nước. Ngay cả ngành du lịch từng có nhiều triển vọng cũng đang mất đi sức hấp dẫn trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế châu Á khác ghi nhận số lượng khách du lịch phục hồi chậm.

Trong khi đó, tiêu dùng cá nhân đang ở mức vừa phải do một số yếu tố. Việc siết chặt chính sách tiền tệ trước đây cũng đang bắt đầu ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu do chi phí dịch vụ nợ cao hơn. Giai đoạn này càng khó khăn hơn do chính sách siết chặt tài khóa vì ngân sách năm 2024 được dự báo giảm, cùng với đó là giá dầu tăng và rủi ro giá lương thực tăng. Tuy lạm phát có thể sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, nhưng các nhà phân tích dự đoán từ nay đến quý II/2024, các ngân hàng sẽ không giảm lãi suất.

Thọ Anh (TTXVN)
Năm 2024, Cà Mau đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7% trở lên
Năm 2024, Cà Mau đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7% trở lên

Năm 2024, UBND tỉnh Cà Mau tập trung thực hiện cơ cấu lại kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt từ 7% trở lên. Đặc biệt, địa phương đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện có hiệu quả về quy hoạch, kế hoạch, đề án; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; cơ cấu lại ngân sách nhà nước; đổi mới quản lý, hoạt động ngân hàng; cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN