Truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm để đảm bảo sức khỏe người dân

Từ ngày 1/9, tất cả thịt và trứng gia cầm trước khi đưa ra tiêu thụ tại hệ thống siêu thị và chợ đầu mối phải được dán mã truy xuất thông tin nguồn gốc sản phẩm.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho biết đề án này là ứng dụng công nghệ QR Code, vòng seal bảo vệ... để quản lí tất cả thông tin, dữ liệu liên quan đến sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm từ lúc được sinh ra, chăn nuôi, xuất trại, giết mổ, đóng gói, vận chuyển đến người tiêu dùng.


Chị Nguyễn Thị Minh (quận Bình Thạnh) thường xuyên mua hàng hóa tại siêu thị Co.op mart Đinh Tiên Hoàng (quận 1) cho biết, trước kia chị đã nghe khá nhiều thông tin về truy xuất nguồn gốc thịt, trứng gia cầm và chị rất ủng hộ chương trình này. Bởi theo chị Minh, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm các nước phát triển đã làm từ lâu và cũng đến lúc Việt Nam nên áp dụng để người tiêu dùng kiểm chứng được thông tin, nguồn gốc sản phẩm mình mua dùng, thấy yên tâm về chất lượng sản phẩm.

Mỗi ngày, có hàng trăm con gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ được vận chuyển về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ và bị các cơ chức năng thu giữ. Ảnh: CTV

Tuy nhiên, không phải ai cũng như chị Minh khi nắm được thông tin về đề án này, rất nhiều người tiêu dùng thường đi chợ ở các chợ truyền thống vẫn còn khá mập mờ về việc truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm.


Chị Lê Mai Hạnh, ngụ ở quận Thủ Đức, cho biết: “Tôi mới chỉ nghe thông tin về việc truy xuất nguồn gốc thịt lợn chứ chưa nghe thông tin về truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm. Tôi rất ủng hộ việc truy xuất và rất hào hứng muốn thử xem việc truy xuất ra sao”.


Là đơn vị đang áp dụng việc truy xuất nguồn gốc trứng và thịt gia cầm, đại diện công ty Vĩnh Thành Đạt cũng chia sẻ, hiện nay việc truy xuất nguồn gốc trứng và thịt gia cầm đang được áp dụng ở kênh phân phối hiện đại và chợ đầu mối nên công tác tuyên truyền cho người dân mới dừng ở phạm vi này. Sắp tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh việc truy xuất và tuyên truyền ở kênh chợ truyền thống. Hiện, chi phí dành cho việc áp dụng truy xuất nguồn gốc không đáng kể, mỗi tem truy xuất là 40 đồng/hộp 10 quả.


Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, tính đến nay, thành phố có hơn 1.700 điểm bán thịt, trứng gia cầm đã đăng kí tham gia truy xuất nguồn gốc. Mỗi ngày, thành phố tiêu thụ khoảng 1,9 triệu quả trứng/ngày.

Khi thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm triệt để sẽ giúp giảm bớt tình trạng vận chuyển gia cầm lậu vào thành phố tiêu thụ. Ảnh: CTV

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban đề án, cho biết vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân không chỉ dừng ở việc kiên quyết xử lý hành vi gian lận thương mại, xem thường sức khỏe người dân mà còn là xây dựng nguồn thực phẩm sạch để người dân được chọn lựa. Vì vậy, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc là biện pháp căn cơ mà thành phố chọn phù hợp với xu hướng của thế giới, đặc biệt trong thời đại công nghệ số 4.0.


“Sức khỏe của người dân là vấn đề thành phố đang quan tâm hàng đầu. Nếu cứ chấp nhận lối làm ăn theo kiểu cũ như bơm nước vào heo, tạo nạc bằng hóa chất… sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe người dân. Chúng tôi mong bà con chia sẻ với Thành phố, Thành phố không làm khó khăn gì mà vì trách nhiệm cộng đồng, sức khỏe cộng đồng chúng ta phải thay đổi nhận thức, tư duy và cách làm”, ông Tuyến cho biết thêm.


Hoàng Tuyết/Báo Tin Tức
Truy xuất nguồn gốc thịt lợn: Người chăn nuôi gặp khó khi mua vòng
Truy xuất nguồn gốc thịt lợn: Người chăn nuôi gặp khó khi mua vòng

Tháng 9/2017, TP Hồ Chí Minh sẽ siết chặt việc truy xuất nguồn gốc lợn, đây là thị trường lớn, tiêu thụ hầu hết số lượng lợn ở Đồng Nai. Do vậy, các trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai đang tích cực thực hiện nghiêm túc đeo vòng truy xuất nguồn gốc cho lợn. Tuy nhiên, người chăn nuôi đang khó mua vòng truy xuất nguồn gốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN