Trùng tu ga Hà Nội, tại sao không?

Trong số những công trình mà người Pháp xây dựng ở Hà Nội thời xa xưa, ga Hàng Cỏ (được đổi tên thành ga Hà Nội từ năm 1975) thuộc loại cùng thế hệ với cầu Long Biên và “già” hơn Nhà hát thành phố (Nhà hát Lớn).


Hơn 110 năm đã trôi qua đủ để làm nên lịch sử một nhà ga và ga Hà Nội chính là ga xe lửa lâu đời nhất trong lịch sử ngành đường sắt Việt Nam.

 

Suốt hơn 110 năm, kể từ ngày khánh thành năm ấy (năm 1902) cho đến bây giờ, thời bình cũng như thời chiến, ga Hà Nội vẫn cần mẫn thực hiện chức năng chuyên môn của mình là phục vụ khách đi tàu và đưa đón các đoàn hỏa xa đi và đến, kể cả tàu liên vận quốc tế, trở thành “chứng nhân” của nhiều sự kiện lịch sử trọng đại.


Trước khi bị máy bay Mỹ đánh sập phần trung tâm trong chiến dịch không kích 12 ngày đêm cuối năm 1972, cụ thể là vào ngày 21/12 năm đó, tòa nhà chính của ga Hà Nội, với mặt tiền kéo dài hàng trăm mét dọc theo đường Lê Duẩn bây giờ và sảnh chính trông thẳng ra phố Trần Hưng Đạo (phố Hàng Cỏ xưa), vẫn là một công trình kiến trúc cổ kính mà không một nhà ga nào ở nước ta sánh được.


Phần trung tâm (sảnh chính) của nhà ga bị tàn phá trong chiến tranh đã được xây dựng lại theo kiến trúc mới vào năm 1976, kịp phục vụ sự kiện quan trọng hàng đầu của ngành đường sắt nước ta khi đó - thông đường tàu thống nhất Bắc - Nam sau 30 năm chia cắt. Ngày 31/12/1976, hai đoàn tàu Thống Nhất cùng xuất phát từ hai ga Hà Nội và Sài Gòn đã chính thức khai thông tuyến đường sắt xuyên Việt không chỉ có tầm quan trọng huyết mạch về giao thông vận tải mà còn có ý nghĩa chính trị cực kỳ trọng đại này.


Trong điều kiện đất nước còn vô vàn khó khăn trong những năm đầu mới thoát khỏi chiến tranh, việc xây dựng lại sảnh chính của nhà ga năm 1976 cũng là một cố gắng rất lớn của Nhà nước ta và ngành đường sắt. Và không ai có thể phủ nhận những nỗ lực phi thường và thành tích đáng nể của ga Hà Nội trong suốt gần 40 năm qua. Nhưng lâu nay nhìn lại, vẫn thấy sự khập khiễng do kiến trúc chắp vá giữa cái sảnh chính được xây mới năm 1976 với phần còn lại của nhà ga xưa. Sự chắp vá khiên cưỡng này vậy mà đã tồn tại gần 4 thập kỷ, kéo theo sự tùy tiện từ tư duy tạm bợ của cả những người có trách nhiệm quản lý, điều hành nhà ga lẫn khách đi tàu. Và cái sự nhếch nhác của nhà ga cũng từ đó mà ra.


Ở thủ đô và thành phố lớn nhiều nước trên thế giới, ga xe lửa không chỉ thuần túy làm chức năng chuyên môn của nó là phục vụ hành khách và các đoàn tàu đi, đến, mà còn là công trình kiến trúc, văn hóa với lịch sử lâu đời. Không ít nhà ga, do giá trị về kiến trúc và lịch sử, đã trở thành di sản có một không hai của cả một quốc gia, một dân tộc.


Như vậy, ga Hà Nội của ta cũng là một công trình cần được bảo tồn, nhưng là bảo tồn với giá trị kiến trúc lịch sử vốn có của nó, chứ không phải giữ nó trong đường nét kiến trúc khập khiễng vì chắp vá và không gian nhếch nhác như một “ga xép” lâu nay.


Vả lại, Thủ đô Hà Nội đã được mở rộng và trở thành một trong 17 thủ đô có diện tích rộng nhất thế giới và đang trên đường phát triển theo quy hoạch để trở thành một thành phố văn minh, hiện đại vào bậc nhất ở Việt Nam ta. Trong một thủ đô như thế, ga Hà Nội hiện nay rõ ràng là không phù hợp, nếu không nói là nó làm xấu Thủ đô ta.


Nếu được trùng tu để trở lại vóc dáng kiến trúc nguyên bản của nó như trước khi sảnh chính bị máy bay Mỹ đánh sập ngày 21/12/1972, với một không gian trong ngoài sạch đẹp, tiện nghi mà ở đó văn hóa và văn minh đường sắt được tôn trọng, ga Hà Nội chắc chắn sẽ là một điểm sáng làm đẹp thêm Thủ đô ngàn năm văn hiến. Khi đó, không chỉ những ai có nhu cầu đi tàu hỏa mới đến nhà ga, mà du khách trong và ngoài nước cũng sẽ đến để chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc có giá trị văn hóa và lịch sử... . Và ga Hà Nội cổ kính tái thế sẽ lại xuất hiện trên những tấm bưu ảnh với không gian lộng lẫy hơn của thời hiện đại.


Ngay cả trong trường hợp các tuyến đường hỏa xa được đưa ra khỏi nội thành Hà Nội như người ta từng đề xuất, tòa nhà chính của ga Hà Nội sẽ không còn chức năng của một nhà ga xe lửa, nhưng với giá trị kiến trúc và lịch sử của nó, vẫn cần được bảo tồn như một di sản văn hóa vật thể của Thủ đô Hà Nội và của cả nước. Và như vậy, việc trùng tu, nếu được thực hiện, cũng chẳng phải là “vô tích sự”.


Trùng tu một nhà ga cổ kính có giá trị kiến trúc và lịch sử như thế rõ ràng là cần thiết.

 

Nguyễn Quốc Uy

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN