Trung Quốc phạt 6 công ty sữa 108 triệu USD

Ngày 7/8, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) thông báo đã phạt tổng cộng 670 triệu Nhân dân tệ (108 triệu USD) đối với 6 nhà sản xuất sữa công thức trẻ em vì hành vi ấn định giá.

Sáu công ty trên gồm Mead Johnson và Abott (Mỹ) bị phạt tương ứng 33,3 triệu USD và 12,5 triệu USD, Dumex (thuộc Danone của Pháp) 27,7 triệu USD, Biostime (Trung Quốc) 26,3 triệu USD, FrieslandCampina (chi nhánh Trung Quốc của Royal FrieslandCampina của Hà Lan) 7,8 triệu USD, và Fonterra (Niu Dilân) 720 nghìn USD. Trong số đó, hãng Fonterra đang dính vào vụ bê bối sữa nhiễm khuẩn và phải thu hồi sản phẩm. Các mức phạt vì vi phạm luật chống độc quyền này là cao kỷ lục ở Trung Quốc. Xét trên doanh thu của các hãng tại nước này năm 2012, mức phạt đối với Biostime tương đương 6%, Mead Johnson là 4% và các hãng còn lại là 3%.

Sản phẩm sữa trẻ em bày bán trong siêu thị Trung Quốc. Ảnh: Internet


NDRC đã tiến hành điều tra chống độc quyền đối với các hãng sữa từ tháng Ba vừa qua, chủ yếu tập trung vào các công ty nước ngoài. Sau khi tiến hành điều tra, NDRC phát hiện các hãng trên đã vi phạm luật chống độc quyền khi ấn định mức giá tối thiểu với các nhà phân phối và sẽ phạt nếu nhà phân phối không tuân thủ. NDRC khẳng định hành động này nhằm giữ giá bán ở mức cao, hạn chế sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường và làm tổn hại lợi ích người tiêu dùng.

Theo các nhà phân tích, việc điều tra chống độc quyền là nằm trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm tăng mức tiêu thụ đối với sữa công thức trẻ em của các hãng sữa nội. Tuy nhiên, việc bị phạt sẽ không ảnh hưởng tới uy tín của các hãng nước ngoài mà ngược lại các hãng này còn có thể tăng thị phần nhờ giảm giá. Trong khi đó, các hãng sữa nội có thể bị ảnh hưởng về lâu dài khi các loại sữa có giá cao sẽ rẻ hơn. Người tiêu dùng sẽ muốn mua các loại sữa ngoại hơn khi chênh lệch giá sữa nội và sữa ngoại được thu hẹp.

Sữa ngoại công thức trẻ em được chuộng ở Trung Quốc, nơi người tiêu dùng mất lòng tin vào sữa nội sau vụ sữa bẩn năm 2008 khiến sáu trẻ em bị tử vong và hàng nghìn trẻ có vấn đề về sức khỏe. Sữa ngoại chiếm một nửa tổng doanh số bán tại thị trường Trung Quốc và có thể được bán với giá cao hơn gấp đôi sữa nội.

Sau thông báo của NDRC, một số hãng như Mead Johnson và Danone đã giảm giá sữa công thức trẻ em tại Trung Quốc tới 20%. Trước đó, các hãng như Nestle và FrieslandCampina đã hạ giá sản phẩm 5-12% khi cuộc điều tra bắt đầu được tiến hành.


Lê Minh  (Tổng hợp)
Các nước đau đầu tìm nguồn sữa sạch
Các nước đau đầu tìm nguồn sữa sạch

Những ngày gần đây, dư luận quan tâm đặc biệt đến việc sản phẩm sữa của tập đoàn Fonterra, nhà sản xuất sữa lớn nhất New Zealand và là nhà xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới, bị nhiễm khuẩn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN