Trung Quốc: Nguy cơ "hạ cánh cứng" từ thặng dư thương mại kỉ lục

Trung Quốc đã đạt được thặng dư thương mại ở mức kỉ lục vào tháng 10 vừa qua, thế nhưng đó không phải là tin tốt.


Nguyên do nằm ở chỗ, thặng dư này chủ yếu là do nhập khẩu giảm sút mạnh, phản ánh những khó khăn mà Trung Quốc đang phải đối mặt trong định hướng phát triển dựa vào đòn bẩy tiêu dùng, đầu tư nội địa. Nó cũng là một chỉ dấu cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đứng trước nguy cơ “hạ cánh cứng”. Đi cùng đó là nguy cơ kinh tế thế giới phải đối mặt với một năm “khắc nghiệt nhất” kể từ 2008 – đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, do Trung Quốc là đối tác chiếm tỉ trọng lớn nhất trong trao đổi thương mại quốc tế và là động lực của tăng trưởng toàn cầu.

Trung Quốc đã đạt thặng dư thương mại ở mức kỉ lục trong tháng 10/2015. Ảnh: Bloomberg


Các số liệu chính thức do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 8/11 cho thấy, nhập khẩu của nước này trong tháng 10 giảm 18,8% so với cùng kì năm ngoái, xuống còn 130,77 tỉ USD và đây cũng là tháng thứ 12 giảm sút liên tiếp, với mức giảm 20,4% được ghi nhận trong tháng 9. Xuất khẩu cũng tiếp tục đà giảm từ hồi tháng 7, với mức giảm 6,9% trong tháng 10, xuống còn 192,41 tỉ USD, chủ yếu là do nhu cầu thị trường bên ngoài giảm.

10 tháng đầu năm, xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Nhật Bản giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu sang EU cũng giảm 3,7%, sang Hong Kong giảm tới 11,7%. Ngược lại, xuất khẩu sang Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất, tăng 5,8%, sang ASEAN cũng tăng 4,2%. Xuất khẩu sang Ấn Độ tăng 8,9%. Xu hướng này đã đưa tới mức thặng dư thương mại 61,64 tỉ USD, tăng 36% so với cùng kì năm 2014 và là mức cao nhất kể từ năm 1995 – thời điểm mà hãng tin tức tài chính Bloomberg bắt đầu công bố các số liệu liên quan đến kinh tế Trung Quốc.

Xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm mạnh so với mức dự báo 3,2% mà giới phân tích đưa ra trước đó. “Số liệu cho thấy cầu nội địa vẫn ở mức yếu”, các chuyên gia thuộc ngân hàng ANZ nhận định, kèm theo đó là dự báo nhập khẩu có thể sẽ tăng chậm từ quý 1 năm 2016. Thị trường bất động sản trầm lắng, dư thừa năng lực ở khu vực sản xuất cùng với việc giảm chi tiêu của chính phủ đối với các dự án hạ tầng là những nhân tố khiến kinh tế Trung Quốc suy yếu, giảm nhu cầu về tiêu thụ hàng hóa.

Khi mà nền kinh tế tiêu thụ nguyên nhiên liệu lớn nhất thế giới giảm nhập khẩu đầu vào cho sản xuất  - từ quặng kim loại, than đá, khí đốt, dầu mỏ.. hệ lụy đi kèm là hàng hóa toàn cầu bị rớt giá mạnh, làm cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn. Cụ thể, than đá nhập khẩu đã giảm 30% về lượng và 45% về giá trị tính trong 10 tháng qua. Diễn biến này đã khiến nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào khai thác, xuất khẩu nguyên liệu thô sang Trung Quốc như  như Australia, Mông Cổ… gặp thách thức lớn.

Tiếp tục kích cầu?

Tuần trước, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho công bố qui hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), trọng tâm là thực thi các biện pháp kích cầu và cải cách cơ cấu. Liền sau đó, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố, muốn tăng gấp đôi GDP và thu nhập cá nhân so với thời điểm 2010 vào năm 2020, Trung Quốc cần duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân ít nhất ở mức 6,5%/năm.

Trong định hướng đó, giới lãnh đạo Bắc Kinh đặt nặng trong tâm vào tái cân bằng kinh tế theo mô hình bền vững dựa chủ yếu vào đầu tư và tiêu dùng nội địa. Thế nhưng, đây sẽ là một tiến trình không mấy dễ dàng. Những bất ổn trên thị trường chứng khoán cùng với việc phá giá đồng nhân dân tệ (gần 5%) thời gian qua khiến dư luận trong và ngoài nước thêm quan ngại đối với “sức khỏe” của nền kinh tế Trung Quốc.

Louis Kuijs, chuyên gia kinh tế thuộc tổ chức Oxford Economics có trụ sở ở Hong Kong, nhận định, số liệu xuất nhập khẩu tháng 10 càng làm tăng áp lực buộc Trung Quốc phải nới lỏng chính sách tài khóa. Những biện pháp kích thích tiếp theo sẽ tập trung vào tăng cầu nội địa thay vì giảm giá đồng nhân dân tệ. Theo thời gian, vai trò chính sách tài khóa mở rộng cũng ngày một tăng lên.

Về chính sách tiền tệ, trong báo cáo quý 3 được công bố ngày 6/11 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) khẳng định sẽ duy trì chính sách tiền tệ ổn định và tạo ra môi trường trung lập về tiền tệ cũng như tài khóa để tái cấu trúc nền kinh tế. PBoC cũng nhận định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với áp lực suy giảm và lạm phát sẽ ở mức thấp, dự kiến chỉ vào khoảng 1,5% trong năm nay. Giới phân tích nhìn nhận, điều này đồng nghĩa với việc nhiều khả năng PBoc sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.
Hoài Thanh (Theo Reuters, Bloomberg)
Ảnh hưởng khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc
Ảnh hưởng khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc

Những gì đang diễn ra trong nền kinh tế Trung Quốc có ảnh hưởng lan rộng ra bên ngoài lãnh thổ nước này, không chỉ ở Thẩm Quyến và Thượng Hải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN