Trung Quốc hạ mức tăng trưởng, chứng khoán Mỹ “tụt dốc”

Trong phiên giao dịch ngày 5/3, chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm, bất chấp các số liệu tích cực từ khu vực dịch vụ của Mỹ, do những lo ngại về tốc độ tăng trưởng trì trệ của nền kinh tế thế giới, sau khi Trung Quốc quyết định hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 14,76 điểm, tương đương 0,11%, đóng cửa ở mức 12.962,81 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng giảm nhẹ 5,3 điểm (0,39%), xuống 1.364,33 điểm; còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 25,71 điểm (0,86%), xuống 2.950,48 điểm.

Ngày 5/3, lần đầu tiên trong suốt nhiều năm qua, Trung Quốc đã hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay xuống còn 7,5%, mức thấp nhất kể từ năm 2004, đồng thời đặt nhu cầu tiêu dùng lên ưu tiên hàng đầu, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào chi tiêu và nguồn vốn từ nước ngoài. Điều này đã tạo áp lực giảm giá mạnh mẽ đối với giá cổ phiếu của nhóm ngành nguyên vật liệu tại Mỹ. Ngoài ra, báo cáo đáng thất vọng về hoạt động kinh doanh của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng là nhân tố khiến Phố Uôn đỏ sàn.

Một phiên giao dịch trên thị trường chứng khoán Niu Oóc. Ảnh: AFP/TTXVN.


Hòa theo xu hướng đi xuống của chứng khoán Mỹ, trong phiên giao dịch 5/3, tại các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt “lao dốc”. Kết thúc phiên này, tại Luân Đôn, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,62% xuống 5.874,82 điểm, trong khi chỉ số CAC 40 của Pháp cũng hạ thêm 0,39%, xuống 3.487,54 điểm. Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX mất 0,79%, chốt ở mức 6.866,46 điểm.

Bên cạnh việc Trung Quốc bất ngờ hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế, theo khảo sát mới công bố của Công ty tư vấn Markit Economics, chỉ số quản lý thu mua của Eurozone trong tháng 2/2012 đứng mức 4 9,3, giảm so với mức tương ứng 50,4 trong tháng 1/2012, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung này sẽ rơi trở lại suy thoái. Những thông tin tiêu cực này đã tác động xấu tới các thị trường chứng khoán hai bờ Đại Tây Dương và khiến giới đầu tư “phớt lờ” báo cáo mới đây của Viện Quản lý nguồn cung (Mỹ) cho hay chỉ số hoạt động của ngành dịch vụ nước này trong tháng 2 vừa qua đã tăng lên 57,3, so với mức tương ứng 56,8 của tháng trước đó và vượt xa dự báo của các chuyên gia phân tích.

Sang ngày giao dịch 6/3, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á cũng đồng loạt khai phiên với “sắc đỏ”, sau diễn biến “ảm đạm” tại các sàn chứng khoán Mỹ và châu Âu trong đêm trước. Mở cửa phiên này, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng của hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hồng Công lần lượt giảm 9,22 điểm (0,38%) và 224,8 điểm (1,06%), xuống còn 2.435,78 điểm và 21.040,51 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản biến động không đáng kể, “nhích nhẹ” 6,02 điểm (0,06%), lên 9.704,61 điểm.

Minh Trang (Theo AFP)

Trung Quốc giảm mục tiêu tăng trưởng GDP xuống 7,5%
Trung Quốc giảm mục tiêu tăng trưởng GDP xuống 7,5%

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo ngày 5/3 cho biết, chính phủ đã hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế xuống còn 7,5% trong năm 2012. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nước này sau nhiều năm tăng trưởng trên dưới 10%/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN