Triển khai thu thuế kinh doanh trên mạng xã hội

Mới đây, nhiều chủ nhân các trang kinh doanh trên facebook ở TP Hồ Chí Minh đã nhận được thư mời đến Chi cục thuế của các quận, huyện để kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế.

Vạn sự khởi đầu nan

Đây là bước triển khai đầu tiên của Cục thuế TP Hồ Chí Minh sau khi đã chuyển danh sách những người tham gia bán hàng trên facebook cho các Chi cục thuế địa phương. Theo đó, có 13.469 trang facebook có hoạt động kinh doanh nằm trong tầm ngắm bị đánh thuế.

Cục thuế TP Hồ Chí Minh đang triển khai thu thuế các trang mạng xã hội có kinh doanh.

Cục thuế TP Hồ Chí Minh cho biết, trung tâm dữ liệu của cơ quan này đang lọc thông tin các tài khoản facebook có hoạt động kinh doanh để tính toán thu thuế. Tuy nhiên, theo đại diện Cục thuế TP Hồ Chí Minh, việc triển khai thu thuế sẽ rất khó thực hiện. Mặt khác, việc truy thu thuế đối với hoạt động bán hàng qua mạng xã hội facebook phải có sự đồng ý của nhà quản lý facebook nên cũng không dễ dàng.


Thực tế những ngày qua, các chi cục thuế tại TP Hồ Chí Minh đã gửi thư mời cho các đơn vị kinh doanh trên facebook với nội dung kê khai đăng ký thuế nhưng đa số người được mời không phản hồi hay liên lạc với cơ quan thuế để làm việc. Mặc dù, các đơn vị kinh doanh được Cục thuế nhắm đến chủ yếu là các tài khoản có doanh số lớn và chưa kê khai thuế.


Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, luật sư - tiến sĩ (LS - TS) Bùi Quang Tín cho rằng, việc này là vô cùng khó, đặc biệt là đối với các giao dịch kinh doanh qua mạng xã hội facebook chủ yếu là bằng tiền mặt. Hiện nay, cơ quan thuế xác định được các giao dịch kinh doanh trên facebook chủ yếu là qua các “comment” và “inbox” trên các trang facebook bán hàng. Ngoài ra, mặc dù các trang facebook có xác lập kinh doanh trên tài khoản nhưng chưa chắc họ đã có giao dịch thành công.


Việc kinh doanh trên facebook cũng hiếm khi có hóa đơn, chứng từ giao dịch của người mua và người bán. Cho nên, dù cơ quan thuế phải mời họ lên làm việc và kê khai theo quy định của luật thuế thì cũng khó xác định mức độ doanh thu là bao nhiêu.


Trong khi đó, việc đánh thuế trên mạng xã hội với truyền thống không có sự khác biệt. Theo LS - TS Bùi Quang Tín, đánh thuế kinh doanh qua facebook cũng giống như cách đánh thuế của kinh doanh online có đăng ký kinh doanh. Nếu là cá nhân, thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh được áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần, từ 5% đến 35%, dựa vào từng khoản thu nhập tính thuế.


Còn đối với doanh nghiệp, tùy theo loại hình kinh doanh, doanh nghiệp đó sẽ chịu sự điều chỉnh của các loại thuế khác như thuế giá trị gia tăng, xuất khẩu, nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt...


Nhiều ý kiến cho rằng, nếu cơ quan thuế cứ buộc phải đánh thuế trên facebook không khác gì thuế chồng thuế. Bởi trên thực tế, hầu hết những người kinh doanh trên mạng đều có cửa hàng ở ngoài, những cửa hàng kinh doanh chỉ đơn thuần online thì thu nhập không bao nhiêu vì phần lớn họ chỉ là cộng tác viên của một đơn vị kinh doanh truyền thống.


Do đó, khi nào có người mua họ mới đặt hàng bán vì lượng người mua hàng trên facebook không ổn định và thường xuyên. Nếu chỉ đơn thuần một mặt hàng mà mua về với số lượng lớn thì ít người mua, nhiều mặt hàng thì lượng tồn sẽ rất lớn.


Theo đó, LS - TS Bùi Quang Tín cho rằng, để đảm bảo minh bạch và tránh thất thu thuế thì phải yêu cầu họ thanh toán qua ngân hàng và cơ quan thuế phải có thông tin thêm từ phía ngân hàng về các giao dịch này.


Quyết tâm thực thi pháp luật


Phía Cục thuế TP Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù bước đầu việc xác định việc thu thuế đối tượng kinh doanh trên facebook sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng cơ quan thuế sẽ kiên quyết thực hiện. Đối với những trường hợp chây ì hay né tránh, cơ quan thuế sẽ phối hợp với các cơ quan, ban, ngành thực hiện kiểm tra tại nơi cư trú và xử phạt hành chính hành vi không đăng ký, kê khai nộp thuế. Ngoài facebook, cơ quan thuế cũng sẽ kiểm tra việc bán hàng trên các trang mạng xã hội khác, như zalo chẳng hạn.


Trước đó, Cục thuế TP Hồ Chí Minh cho biết đã soạn thảo kế hoạch phối hợp với các sở, ban, ngành nhằm gia tăng tính hiệu quả trong quản lý thuế đối với bán hàng qua mạng xã hội. Kế hoạch này có đề cập đến việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng để cung cấp thông tin đầy đủ nhất về tình hình kinh doanh qua mạng. Các đơn vị liên quan được cơ quan thuế đề xuất phối hợp trước mắt là Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, các nhà mạng, ngân hàng, bưu điện...


Định hướng chung của cơ quan thuế là yêu cầu người kinh doanh trên mạng xã hội cung cấp các thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế cá nhân... để có thể kiểm soát chặt chẽ hơn hình thức kinh doanh. Đây là điều mà cơ quan thuế cần sự phối hợp từ các cơ quan chức năng có liên quan, để mọi việc trở nên thuận tiện hơn.


Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin Tức
Lần đầu tiên có thể đặt taxi truyền thống qua mạng xã hội Facebook
Lần đầu tiên có thể đặt taxi truyền thống qua mạng xã hội Facebook

Các hãng taxi truyền thống đang phải cạnh tranh gay gắt để sinh tồn trước “cơn bão” taxi “công nghệ” Uber, Grab, đòi hỏi taxi truyền thống nếu không ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận tải khách thì sẽ ngày càng tụt hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN