Triển khai nhiều biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi

Trước diễn biến rét đậm đang xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, bà con nông dân địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm và nhiều diện tích lúa, cây trồng trên cạn.

Tại các xã Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ thuộc huyện Cẩm Xuyên là những địa phương có đàn gia súc, gia cầm và trang trại, gia trại nhiều nên người dân đã chủ động che chắn chuồng trại và bổ sung thực phẩm tinh bột cho đàn trâu, bò.
 
Ông Lê Văn Danh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Xuyên cho biết, trong những ngày này, nhiệt độ xuống thấp, người chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm. Đơn vị đã có văn bản gửi cho chính quyền địa phương hướng dẫn bà con các bước phòng chống đói, rét cho vật nuôi và cây trồng, đặc biệt là diện tích lúa và mạ Xuân.
 
Hiện tại huyện Cẩm Xuyên một trong những địa phương có tổng đàn trâu, bò nhiều nhất với hơn 18.000 con; trong đó, có gần 8.000 con bò lai Zebu; tổng đàn lợn là trên 58.000 con. Trước diễn biến rét kéo dài nhiều ngày, huyện Cẩm Xuyên chỉ đạo các xã, thị trấn phân công cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong giá rét.
 
Tại các huyện miền núi như Hương Khê, Hương Sơn Vũ Quang, Kỳ Anh nhiệt độ xuống thấp, người dân chủ động dự trử thức ăn tinh và dự trử cỏ, rơm ủ để chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi trong giá rét.
 
Theo ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh hiện có gần 240.000 con trâu bò, 400.332 con lợn, 46.089 con hươu và hơn 10 triệu con gia cầm các loại. Chi cục đã tuyên truyền người chăn nuôi, không chủ quan trong việc phòng, chống đói, rét cho vật nuôi. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương các cấp triển khai các biện pháp trong phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn; trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi đến các thôn, xóm trước đợt rét đậm, rét hại. 

Cùng đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh có công điện chỉ đạo các đơn vị, cơ quan và địa phương chủ động phòng chống rét đậm, rét hại trên cây trồng vật nuôi. Công điện yêu cầu các đơn vị, chính quyền địa phương hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng biện pháp cần thiết để phòng, chống đói rét, đổ ngã cho vật nuôi; nhốt gia súc tại chuồng, không chăn thả trâu, bò khi nhiệt độ xuống thấp dưới 13 độ C; đảm bảo cung cấp thức ăn, che chắn, giữ ấm chuồng trại; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, diệt các loại côn trùng, tại khu vực chăn nuôi.

Đối với diện tích lúa Xuân đã gieo, cấy lúa được 15.202/59.107ha, đạt 25,7% kế hoạch, diện tích mạ 303,75ha phải có phương án phòng, chống rét kịp thời; duy trì mực nước trên mặt ruộng lúa từ 2-3 cm, tiến hành dặm tỉa, đảm bảo mật độ phù hợp, không bón đạm cho lúa trong những ngày trời rét dưới 15 độ C.

Bên cạnh đó, chủ động phương án phòng, chống rét kịp thời; chuẩn bị đủ mạ và nguồn giống lúa dự phòng đảm bảo chất lượng để chủ động khắc phục khi cần thiết, đảm bảo kế hoạch; đôn đốc nông dân chăm sóc các loại rau màu vụ Đông; thu hoạch kịp thời cây vụ Đông đã đến thời kỳ đảm bảo năng suất và chất lượng; đồng thời không gieo trồng lạc, ngô, khoai và các loại rau màu vụ Xuân khi thời tiết còn rét đậm, rét hại.

Công Tường (TTXVN)
Phòng chống rét hại đối với cây trồng
Phòng chống rét hại đối với cây trồng

Trong những ngày rét đậm, rét hại, thậm chí xuất hiện băng giá, sương muối và mưa tuyết, bà con nông dân cần lưu ý một số biện pháp phòng chống rét đối với cây trồng để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN