Tranh thủ vay USD, cầm vàng đón đầu chính sách

Kể từ ngày 1/5/2012, Ngân hàng nhà nước (NHNN) sẽ siết tín dụng ngoại tệ, đồng thời chấm dứt hoàn toàn việc huy động và cho vay vốn bằng vàng. Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu và ngân hàng đã tranh thủ vay USD, huy động vàng để đón đầu chính sách.

Tăng tốc vay USD

Theo NHNN, việc siết chặt tín dụng ngoại tệ nhằm đảm bảo tăng trưởng tín dụng ngoại tệ phù hợp với khả năng huy động và thực hiện chủ trương đối với việc hạn chế tình trạng "đô-la hóa" trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, ngay sau khi NHNN đưa ra thông tin trên, số lượng DN đi vay ngoại tệ tăng đột biến trong 2 tuần gần đây. Theo lý giải của các DN, việc thu hẹp đối tượng vay ngoại tệ sẽ khiến các DN rơi vào tình trạng khó khăn. Bởi theo Thông tư 03/2012/TT-NHNN, từ ngày 2/5, các DN muốn vay USD phải chứng minh có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ. Các doanh nghiệp không có hoặc không đủ nguồn thu ngoại tệ chỉ được phép vay khi có văn bản chính thức của NHNN với từng trường hợp cụ thể.

Vàng miếng được bán tại Công ty Kinh doanh Vàng bạc đá quý - Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (AJC). Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Trong khi đó, theo các DN, tháng 5 là thời điểm giao dịch mạnh nhất, nếu vướng thủ tục vay và mua ngoại tệ sẽ khiến việc kinh doanh bị trì trệ và bị phạt nếu chậm giao hàng. Ngoài ra, việc vay USD trong thời điểm này vẫn có lợi hơn vay VND do lãi suất vay USD thấp hơn VND đến 7 - 9%/năm. Chính vì vậy, nhiều DN đã đua nhau tăng tốc vay USD đón đầu chính sách.

Các ngân hàng thương mại cũng tranh thủ bán USD vì theo Thông tư 07 của NHNN, kể từ đầu tháng 5 các NHTM phải thu hẹp trạng thái ngoại tệ từ 30% xuống 20%. Điều này đã tác động một phần nhỏ đến sự biến động của tỷ giá ngoại tệ. Tuy nhiên, TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, việc biến động tỷ giá không cao và chỉ biến động trong ngắn hạn. Trong khi đó, các giải pháp siết cho vay ngoại tệ, trạng thái ngoại hối đến ngày 2/5 mới có hiệu lực. Vì thế, từ đây tới đó sẽ là thời gian để thị trường quen dần với mức tỷ giá mới, bởi không loại trừ khả năng NHNN sẽ điều hành tỷ giá hàng ngày với biên độ dao động lớn hơn.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cũng nhận định, tình hình sẽ không có gì căng thẳng. Bởi, hiện tượng các DN vay USD chiếm tỷ lệ không đáng kể, chỉ khoảng 5%. Chưa kể, thời hạn cho vay USD thường không quá dài, tối đa chỉ 6 - 9 tháng. Với các doanh nghiệp không thuộc diện vay vẫn có thể mua USD.

“Giữ hộ” vàng có lãi suất

Ngược lại với thị trường USD, thị trường vàng lại được các ngân hàng ưu ái hơn. Bởi theo Thông tư số 11/2011/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng không được huy động vốn bằng vàng, trừ trường hợp phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng để chi trả vàng theo yêu cầu của khách hàng khi số vàng thu nợ và tồn quỹ không đủ để chi trả. Việc phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng của tổ chức tín dụng phải chấm dứt vào ngày 1/5/2012.

Trước tình hình trên, nhiều ngân hàng đã tranh thủ tăng lãi suất để huy động vàng trước ngày 1/5 với nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, Ngân hàng Nam Á được xem là ngân hàng có lãi suất cao nhất với 4%/năm, nhưng chỉ áp dụng thời gian ngắn từ 1 - 3 tháng. Tiếp đến, Ngân hàng Việt Á với lãi suất từ 3%/năm, thời hạn từ 3 - 11 tháng. Các ngân hàng khác như Eximbank, Đông Á, ACB... cũng có mức lãi suất dao động từ 2 đến gần 3%/năm.

Nhiều ngân hàng lách luật huy động vàng bằng cách chuyển từ huy động sang dịch vụ giữ hộ vàng có trả lợi tức từ 3% năm. Theo một khách hàng đến gửi vàng tại Ngân hàng Đông Á, quận 1 (TP.HCM), trước đây anh thường gửi vàng với lãi suất 2%/năm. Nay đáo hạn, nhân viên ngân hàng “mách nước” nếu chuyển sang hình thức giữ hộ vàng lãi suất sẽ được hưởng 3%/năm. Tương tự, Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng thực hiện dịch vụ giữ hộ vàng song song với gửi tiết kiệm vàng, lãi suất 2%/năm, trả lãi bằng tiền đồng.

Thực tế, cuộc đua lãi suất huy động vàng từ các ngân hàng thương mại đã thực hiện từ đầu năm đến nay. Theo TS. Lê Thẩm Dương – Trưởng khoa Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nguyên nhân một phần là do một số ngân hàng thanh khoản yếu, không huy động được tiền đồng nên chuyển sang huy động vàng. Hoặc, ngân hàng tăng lãi suất huy động vàng nhằm dự trữ thanh khoản, chủ động quản trị thanh khoản. Cũng có thể, một vài ngân hàng đang tìm cách đón trước những dự đoán, phân tích về xu hướng đi lên của giá vàng trong thời gian tới.

Dù vậy, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB), cho rằng: Lãi suất huy động vàng tăng là do nhu cầu gửi vàng tiết kiệm để bảo toàn tài sản và an toàn của người dân ngày càng nhiều.

Nhiều ngân hàng cũng lo ngại, việc chạy đua lách luật huy động vàng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi theo định hướng của Đề án Huy động vàng trong dân, chỉ những ngân hàng thương mại đủ điều kiện mới được huy động vàng. Như vậy, khả năng có ngân hàng bị “thổi còi” sau khi Đề án được ban hành là rất lớn.

Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN