Trà Vinh tạo nguồn lực mới cho kinh tế tập thể phát triển

Sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh Trà Vinh nên việc xây dựng kinh tế tập thể luôn được địa phương tập trung thực hiện.

Mục tiêu tỉnh hướng đến là phát triển mạnh mẽ hợp tác xã kiểu mới để đưa nền sản xuất nông nghiệp đi trên con đường hiện đại. Để đạt mục tiêu này, 2 năm qua, tỉnh Trà Vinh thực thi nhiều giải pháp và bước đầu đem lại kết quả khá tích cực.

Phát triển nhanh nhưng không bền vững

Với điều kiện địa lý của một tỉnh duyên hải, Trà Vinh được thiên nhiên ưu đãi về tiềm năng đất đai sản xuất trên cả 2 lĩnh vực trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Để khai thác tốt tiềm năng lợi thế, nhiều năm qua tỉnh Trà Vinh có sự đầu tư lớn cho sản xuất nông nghiệp như cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa... Từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Trà Vinh tập trung thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã trên nhiều lĩnh vực, phát huy nguồn lực tạo lợi thế cho nông dân trong sản xuất.

Nông dân huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) thu hoạch lạc vụ Đông Xuân 2016-2017. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh, năm 2015 toàn tỉnh có 2.749 tổ hợp tác, hợp tác xã và 2 liên hiệp hợp tác xã; hầu hết sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế tập thể nhanh chóng, thiếu điều kiện cần và đủ cho tổ hợp tác, hợp tác xã vững chắc trong hoạt động nên kết quả mang lại không như mong muốn. Qua đánh giá, toàn tỉnh chỉ có 48,9% tổ hợp tác nông nghiệp hoạt động theo đúng nội dung Nghị định 151/2007/NĐ – CP của Chính phủ, với hợp tác xã có đến 56% làm ăn kém hiệu quả, số còn lại là yếu kém.

Ông Lê Hoàng Y, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh cho biết, nhiều nguyên nhân dẫn đến kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh rơi vào yếu kém. Đối với tổ hợp tác sau khi thành lập, hoạt động chính gần như chỉ là sự tương trợ nhau về lịch thời vụ, khoa học kỹ thuật, ngày công lao động. Còn lại các yếu tố về huy động nguồn vốn, kế hoạch tận dụng nguồn lực đất đai, cơ giới hóa trong sản xuất... chưa hướng tới con đường sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường, tăng thu nhập.

Hiện hầu hết hợp tác xã gần như hoạt động chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh. Sản phẩm làm ra của các hợp tác xã không có đăng ký nhãn hiệu, quyền bảo hộ. Một số chưa thực hiện đóng gói bao bì, chất lượng không đồng đều, số lượng nhỏ, thiếu ổn định,… Vì vậy, sản phẩm làm ra khó tiếp cận được những thị trường lớn, chủ yếu tiêu thụ tại địa phương. Hiệu quả sản xuất kinh doanh và thu nhập của các thành viên trong hợp tác xã thấp, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu.

Bên cạnh đó, năng lực, trình độ cán bộ quản lý của các hợp tác xã rất hạn chế dẫn đến hoạt động không đúng nguyên tắc, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012. Nhiều hợp tác xã không có kế toán đúng chuyên môn nghiệp vụ nên không tiếp cận được nguồn tín dụng ưu đãi đối với hợp tác xã. Từ đó, hợp tác xã không phát huy được tiềm năng sẵn có. Các thành viên và hộ gia đình chưa phát huy được quan hệ liên kết “4 nhà” kể cả đầu vào và đầu ra, dẫn tới tình trạng thành viên và nông dân thiếu niềm tin vào hợp tác xã.

Mạnh dạn xóa bỏ yếu kém

Xác định đúng về vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn đối với tỉnh, Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành Nghị quyết số 16 – NQ/TU, về “Xây dựng và phát triển kinh tế tập thể tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2015 – 2020”. Đây được xem là động lực mới cho kinh tế tập thể trong tỉnh bước đi theo “quỹ đạo” là Luật Hợp tác 2012, đúng nhu cầu lợi ích cho hộ nông dân. Từ đó, đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng hàng hóa, chất lượng, hiệu quả vững chắc.

Theo đó, tỉnh Trà Vinh thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 16 – NQ/TU của Tỉnh ủy. Việc khởi đầu thực hiện của ban chỉ đạo là khảo sát đánh giá lại tình hình thực tế của kinh tế tập thể và kiên quyết giải thể những tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã yếu kém. Số còn lại được tập trung hỗ trợ về mọi mặt để đổi mới hoạt động.

Kết quả, tỉnh Trà Vinh đã tiến hành giải thể 798 tổ hợp tác và 10 hợp tác xã. Ban chỉ đạo vận động thành lập mới 15 tổ hợp tác và 16 hợp tác xã. Năm 2016, Trà Vinh được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đánh giá là 1 trong 5 tỉnh dẫn đầu cả nước về thực hiện chuyển đổi 100% số hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, Trưởng Ban chỉ đạo Xây dựng và Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Ngô Chí Cường cho biết, tỉnh Trà Vinh thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng năng lực kinh tế tập thể của tỉnh bằng nhiều cách khác nhau. Cụ thể, địa phương đẩy mạnh việc triển khai các chính sách ưu đãi đối kinh tế tập thể về thuế, tín dụng, đất đai. Các hợp tác xã được tạo điều kiện thuận lợi nhất và tham gia vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Bằng nguồn ngân sách tỉnh, các địa phương phối hợp cùng sở, ngành tỉnh tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực cho người quản lý điều hành hợp tác xã.

Bên cạnh đó, tỉnh Trà Vinh huy động từ các nguồn lực xã hội để hỗ trợ cho hợp tác xã đào tạo tay nghề cho xã viên, người lao động. Địa phương xây dựng chặt chẽ mối liên kết “bốn nhà”; tiếp cận các hoạt động khuyến nông – khuyến ngư; xây dựng thương hiệu hàng hóa để nâng cao giá trị và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho hợp tác xã trong chương trình phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng quy mô, nâng chất lượng sản phẩm. Năm 2016, tỉnh Trà Vinh đưa vào vận hành Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, với nguồn vốn 5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và đã giải ngân vay vốn cho 11 hợp tác xã, với số tiền 3,698 tỷ đồng để thay đổi máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng suất chất lượng sản phẩm.

Qua chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự hỗ trợ của UBND tỉnh và các ngành chuyên môn, nhiều hợp tác xã sau khi được củng cố, thành lập mới đã làm ăn có hiệu quả. Điển hình như Hợp tác xã nông nghiệp Nhị Trường (huyện Cầu Ngang), Hợp tác xã thủy nông Định An (huyện Trà Cú), Hợp tác xã nông nghiệp Phú Mỹ Châu (huyện Châu Thành ), Hợp tác xã nông nghiệp Thành Công (huyện Trà Cú), Hợp tác xã nuôi nghêu Tiến Thành (huyện Châu Thành), Hợp tác xã nuôi nghêu Ba Vinh (huyện Duyên Hải)…

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong lần làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh về vấn đề kinh tế tập thể đã đánh giá cao về sự mạnh dạn, tập trung củng cố và xây dựng kinh tế tập thể của tỉnh Trà Vinh. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng Trà Vinh cần chủ động hơn nữa để thực hiện quyết liệt Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2016 – 2020” theo quyết định 445/QĐ – TTG ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng được những hợp tác xã kiểu mới để có được mô hình kiểu mẫu mới tạo lực cho kinh tế tập thể phát triển, góp phần thúc đẩy chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh đạt hiệu quả và bền vững./.

Phúc Sơn (TTXVN/Tin Tức)
Trà Vinh xây dựng 12 hợp tác xã điểm kiểu mới
Trà Vinh xây dựng 12 hợp tác xã điểm kiểu mới

Theo đó, Trà Vinh sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đào tạo, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN