TP Hồ Chí Minh phát huy vai trò vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

40 năm sau ngày giải phóng, sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới của TP Hồ Chí Minh đã có sự phát triển về chất và lượng. Đặc biệt hơn, thành phố đã và đang duy trì vững chắc vai trò dẫn dắt, hỗ trợ cho sự cất cánh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (VKTTĐPN); đồng thời trở thành đầu tàu của cả nước trong việc liên kết vùng.

Phát huy tiềm lực

TP Hồ Chí Minh có mạng lưới cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật, xã hội đồng bộ và là nơi kết nối giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không với khu vực và thế giới. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh còn là trung tâm của khu vực Nam Bộ, gắn kết đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ. Nhờ những điều kiện địa lý, kinh tế, văn hóa, lịch sử và kinh tế như thế, rất sớm TP Hồ Chí Minh đã trở thành trung tâm kết nối, hình thành sự liên kết phát triển một cách tự nhiên, tạo nên “vùng kinh tế” như một sản phẩm tự nhiên vốn có.

Hệ thống giao thông hiện đại của TP Hồ Chí Minh đã trở thành đầu mối kết nối liên vùng.



Được quy hoạch từ năm 1998, VKTTĐPN được kỳ vọng sẽ là vùng kinh tế phát triển năng động, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước và là cầu nối cho các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm với đồng bằng sông Cửu Long. Trong điều kiện kinh tế hội nhập, quy mô phát triển của vùng là điều kiện tối ưu thúc đẩy sự tăng tốc kinh tế của cả nước.

Kinh tế thế giới tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam, đòi hỏi không gian kinh tế lớn hơn khi không gian hành chính đang chia cắt không gian kinh tế. Các vùng phát triển kinh tế mạnh có động lực rất lớn xuất phát từ nhu cầu các doanh nghiệp đối với việc liên kết phát triển. Trong điều kiện như thế, nhu cầu sự thống nhất về hệ thống cung ứng dịch vụ công, hệ thống hạ tầng, hệ thống quản trị chất lượng sẽ tạo động lực cho phát triển và giảm chi phí giao dịch cho các doanh nghiệp.

Theo quy hoạch, VKTTĐPN bao gồm 8 tỉnh, thành thuộc cả miền Đông và miền Tây Nam Bộ: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang, trong đó TP Hồ Chí Minh được xem như đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của vùng. Điều quan trọng nhất trong thực hiện quy hoạch là các tỉnh, thành trong vùng phải bỏ qua những mâu thuẫn riêng, quyền lợi địa phương, cùng liên kết chặt chẽ hướng đến quyền lợi chung của toàn vùng.

Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng quy hoạch VKTTĐPN trong thời gian vừa qua đã phát huy vai trò định hướng cho sự phát triển của vùng, giúp định hướng cho quy hoạch phát triển các địa phương, phần nào giải quyết được vấn đề của vùng. “Mục tiêu đến năm 2030, VKTTĐPN tiếp tục là vùng kinh tế năng động, đi đầu trong phát triển kinh tế và tri thức. Theo đó, tốc độ tăng GDP bình quân đạt từ 8-8,5%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng bền vững, trong đó tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm hơn 50%, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu đạt 8-10%/năm. Mạng lưới an sinh xã hội rộng khắp, đa dạng và hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 2%...”, ông Các nói thêm.

Liên kết để phát triển

Quy hoạch tổng thể VKTTĐPN được Thủ tướng phê duyệt hướng sự tập trung phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông là nhiệm vụ cần ưu tiên. Cụ thể, đến năm 2020 sẽ hoàn thành, xây dựng nhanh các tuyến giao thông huyết mạch trục nâng cấp, xây dựng mới mạng lưới điện, đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân… Để làm được điều này bản thân thành phố đã xem kết cấu hạ tầng là nền tảng cho sự phát triển về chất của nền kinh tế toàn vùng, tiến tới tập trung hình thành đồng bộ khung hạ tầng cơ sở của vùng, tạo ra sự thống nhất về giao thông khắc phục tình trạng tự phát, chia cắt về hạ tầng giữa các địa phương trong vùng. Theo đó, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông nhằm “rút ngắn” khoảng cách các địa phương với thành phố và “khơi thông” nguồn lực liên kết.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết ngay từ những năm đầu thế kỷ 21, UBND thành phố đã triển khai nhiều chương trình hợp tác kết nối cung cầu giữa thành phố với các tỉnh và thành phố khác, đặc biệt trong khu vực VKTTĐPN. Chính sự liên kết giữa thành phố và các địa phương đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hóa, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Hiện thành phố đã chú trọng phát triển những ngành trọng tâm, mũi nhọn như: công nghệ cao, công nghệ thông tin, hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao… nỗ lực tạo tác động lan tỏa, gắn kết và hỗ trợ các tỉnh lân cận cùng phát triển theo định hướng chung.

Tại tỉnh Long An, nhờ sự liên kết thông qua những chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư, hàng hóa của tỉnh đã từng bước tham gia vào các hệ thống siêu thị và tạo đà cho xuất khẩu. Ngược lại qua chương trình các nhà đầu tư ở thành phố cũng mở rộng cơ hội giao thương tại đây. Theo số liệu khảo sát của ngành chức năng tỉnh, đến nay, trên địa bàn đã có hơn 100 doanh nghiệp thành phố đang đầu tư với tổng số vốn thực tế hơn 26.000 tỷ đồng. Nhờ vậy những lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ… có bước chuyển mình và phát triển bền vững hơn.

Còn tại tỉnh Tây Ninh, chỉ tính từ năm 2007 đến nay, đã có 82 doanh nghiệp của thành phố đến đầu tư qua 101 dự án, tổng vốn lên đến hơn 17.000 tỉ đồng. Mới đây cả 2 đã ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2014 - 2020 xác định xem hợp tác toàn diện về kinh tế-xã hội sẽ là nhiệm vụ chiến lược lâu dài của 2 địa phương góp phần phát triển kinh tế - xã hội của VKTTĐPN.

Hiện thực hóa giấc mơ

Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, cho biết hiện TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm giúp kết nối cơ sở hạ tầng của các tỉnh, thành trong khu vực. Theo đó, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây có tổng vốn đầu tư gần 21.000 tỷ đồng theo hình thức BOT đã giúp kết nối VKTTĐPN với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Trung; tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và sắp tới đây là tuyến cao tốc Bến Lức - TP Hồ Chí Minh - Long Thành sẽ trở thành một mạng lưới gắn kết chặt chẽ các vùng với nhau.

Bên cạnh đó, cầu Sài Gòn 2 song song với cầu Sài Gòn hiện hữu được thiết kế có tuổi thọ 100 năm đã đảm bảo tính đồng bộ về quy mô với tuyến xa lộ Hà Nội đã và đang được mở rộng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh và VKTTĐPN… Chính điều này đã giúp định hình sự phát triển vùng trong VKTTĐPN góp phần đẩy nhanh sự kết nối trên thực tế giữa các địa phương trong vùng với nhau và vùng với cả nước.

GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng Ban kinh tế Trung ương, cho rằng để TP Hồ Chí Minh làm tốt nhiệm vụ là đầu tàu kinh tế của VKTTĐPN cần phải có cơ chế thật đặc biệt, trong đó ngành chức năng phải chú ý quan tâm đến cải cách hành chính, cũng như kiến nghị với Trung ương những thể chế chính sách để phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng, những chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ… “TP Hồ Chí Minh đã và đang chứng minh là địa phương đầu tàu cả nước nói chung và VKTTĐPN nói riêng trong việc phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế, tạo điều kiện để nhà đầu tư tham gia các dự án. Đây là hình mẫu để các địa phương khác học tập và nhân rộng”, ông Huệ nói thêm.

Theo ông Vũ Quang Các, trong điều kiện về phân cấp sâu cho các địa phương như hiện nay, việc quy hoạch vùng và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế vùng là kịp thời. Vai trò “nhạc trưởng” đang đè nặng lên vai của TP Hồ Chí Minh và thành phố cần mạnh dạn đề xuất mô hình quản lý vùng phù hợp, nội dung quy hoạch cũng cần đổi mới theo hướng chiến lược, đa ngành, tích hợp thành lập trung tâm quy hoạch của các vùng.

Lê Nghĩa
TP Hồ Chí Minh mãi xứng danh với vai trò 'đi trước và về trước'
TP Hồ Chí Minh mãi xứng danh với vai trò 'đi trước và về trước'

Với những nỗ lực, 40 năm qua, đặc biệt là trong 30 năm đổi mới với yêu cầu “đi trước và về đích trước”, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu nổi bật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN