TP Hồ Chí Minh đề nghị Uber, Grab tạm ngừng kết nối thêm xe mới

TP Hồ Chí Minh đề nghị đơn vị cung cấp sử dụng phần mềm như Grab, Uber tạm thời ngưng cung cấp kết nối thêm xe mới nhằm ổn định hoạt động vận tải.

TP Hồ Chí Minh đề nghị tạm thời ngưng cung cấp phần mềm Uber, Grab. Ảnh: EPA/TTXVN

Tình hình lưu thông giao thông tại TP Hồ Chí Minh ngày càng trở nên ngột ngạt khi liên tục xảy ra các vụ kẹt xe nghiêm trọng không chỉ tại cửa ngõ, trung tâm, sân bay, cảng biển, khu công nghiệp vào các giờ cao điểm mà còn diễn ra ở hầu khắp địa bàn và ở bất cứ thời gian nào.

Một trong những nguyên nhân là do sự gia tăng đột biến phương tiện xe cá nhân, xe hợp đồng dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải hành khách đã phá vỡ quy hoạch taxi, gia tăng các vụ ùn ứ giao thông. Tại khu vực trung tâm, tốc độ di chuyển chỉ đạt mức trung bình 20,7km/h vào buổi sáng và 19,3km/h vào buổi chiều.

Trước tình hình đó, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ cung cấp danh sách xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống được cấp phép phù hiệu “xe hợp đồng” cho Công an thành phố nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác kiểm tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm khi tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Thanh tra Sở Giao thông vận tải sẽ tiếp tục kiểm tra xử lý tình trạng xe ô tô không có phù hiệu “xe hợp đồng” nhưng tham gia hoạt động vận tải, kể cả xe được Sở Giao thông vận tải tỉnh thành phố khác cấp phù hiệu nhưng hoạt động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, Sở Giao thông vận tải thành phố sẽ có văn bản gửi các đơn vị cung cấp sử dụng phần mềm như Grab, Uber tạm thời ngưng cung cấp kết nối thêm xe mới nhằm ổn định hoạt động vận tải để chờ Bộ Giao thông vận tải tổ chức tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Sở Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP trong đó quy định chặt chẽ về quản lý hoạt động của loại hình Uber, Grab; đồng thời, điều chỉnh các điều kiện kinh doanh taxi nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, phát huy ứng dụng khoa học công nghệ thông tin để quản lý.

Ngoài ra Sở Giao thông vận tải khuyến cáo các cá nhân, đơn vị vận tải cân nhắc đầu tư thêm xe mới (ô tô dưới 9 chỗ) để đưa vào tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, nhằm tránh các khó khăn khi điều chỉnh quản lý đối với loại hình này sau khi kết thúc thí điểm.

Về giải pháp lâu dài, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, bến bãi để đáp ứng nhu cầu về đậu đỗ, nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố; lập đề án thu phí với ô tô vào một số khu vực trung tâm; hạn chế ô tô tải lưu thông vào khu vực nội đô; cấm dừng, đỗ ô tô theo ngày chẵn lẻ…

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, tính đến tháng 8/2017 thành phố có gần 7,5 triệu xe máy và 663.000 ô tô, chưa kể hơn 1 triệu phương tiện vãng lai hàng ngày trên địa bàn. Đến nay, xe ô tô hợp đồng dưới 9 chỗ tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có khoảng 34.880 xe (gồm 11.060 xe taxi và 23.820 xe dưới 9 chỗ chở khách theo hợp đồng).

Từ đầu năm 2017 đến nay, Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã phát hiện và lập biên bản 159 vụ xe Uber, Grab vi phạm với tiền phạt hơn 600 triệu đồng. 

Các hành vi vi phạm chủ yếu như không đăng ký kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh vận tải, dừng đỗ phương tiện không đúng quy định, không có danh sách, hợp đồng vận chuyển, không có thiết bị giám sát hành trình, không có phù hiệu, không niêm yết tên, số điện thoại đơn vị...

Trần Xuân Tình
 Quản lý Uber, Grab: Không thể ứng xử với cái cốc như cái đĩa
Quản lý Uber, Grab: Không thể ứng xử với cái cốc như cái đĩa

Câu chuyện quản lý taxi truyền thống và Uber, Grab đến nay vẫn chưa có hồi kết. Theo các chuyên gia, thay vì cách làm tại một số địa phương là cấm Uber và Grab thì cần có cách nhìn, ứng xử cho phù hợp và thay đổi quản lý, thúc đẩy taxi truyền thống đổi mới công nghệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN