TP. Hồ Chí Minh chọn công nghiệp hỗ trợ làm động lực

Thành phố Hồ Chí Minh đã định hướng, phát triển công nghiệp hỗ trợ là chính sách ưu tiên hàng đầu nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

 

Ngành công nghiệp phụ trợ được ưu tiên hàng đầu. Ảnh: TTO

 

Mới đây, theo thông tin từ Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố dự kiến sẽ dành quỹ đất khoảng 650 ha để hình thành 3 khu công nghiệp chuyên biệt về công nghiệp hỗ trợ, có chính sách ưu đãi đi kèm theo các khu này. Riêng đối với các doanh nghiệp FDI khi được hưởng chính sách ưu đãi sẽ làm cam kết về chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố. Sở Công Thương rằng, việc thành lập các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hỗ trợ là rất quan trọng để phát triển ngành này trong tương lai. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh còn 10 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.542 ha, trong đó có 170 ha đất có thể cho thuê ngay, 1.373 ha đất chưa làm hạ tầng và giải phóng mặt bằng.


Bàn về vấn đề này, ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Ban Quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất (Hepza) đề xuất, trước mắt thành phố nên chọn Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh) – giai đoạn 2 và khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) để thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp cơ khí, điện tử, tin học


Trong thời gian qua, để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản, Thành phố Hồ Chí Minh đã cho xây dựng Khu kỹ nghệ Việt – Nhật, một khu phát triển chuyên biệt ngành công nghiệp hỗ trợ, nằm trong Khu công nghiệp Hiệp Phước, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào khai khác trong tháng 10/2014. Mục tiêu của dự án là cho thuê nhà xưởng xây sẵn đi kèm cung ứng dịch vụ quản lý trọn gói, tạo mọi điều kiệu tốt nhất cho nhà đầu tư.


Ông Đoàn Hồng Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Khu kỹ nghệ Việt – Nhật, cho biết, mô hình Khu kỹ nghệ Việt – Nhật sẽ là mô hình giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản dễ dàng đầu tư, hoạt động sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó kiến tạo mạng lưới giao lưu kỹ thuật và kinh doanh giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam, góp phần thúc đẩy chuyển giao, học hỏi công nghệ, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố. Các mô hình khu công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt sẽ giúp các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp nội địa có sự liên kết chặt chẽ hơn trong sản xuất.


Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Hòa, hiện nay vẫn chưa có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Chính hạn chế này khiến cho ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh thiếu đi sự định hướng. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước còn hoạt động còn yếu ớt, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp trong nước có giá trị gia tăng thấp, hầu hết chưa đủ tiêu chuẩn tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Phần lớn nguyên liệu, linh kiện phụ tùng cho các doanh nghiệp FDI tại Thành phố Hồ Chí Minh lại phải nhập khẩu từ nước ngoài.


Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Thành phố Hồ Chí Minh cần đề xuất với trung ương sớm nghiên cứu, soạn thảo ban hành “Luật Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trong công nghiệp hỗ trợ”. Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư của thành phố đối với các ngành công nghiệp hỗ trợ gặp khó khăn hơn nhiều so với thu hút đầu tư đa dạng các ngành nghề, lĩnh vực. Theo ông Khoa, Chính phủ xem xét sắp xếp các dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp hỗ trợ là “công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng”, qua đó các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp hỗ trợ sẽ được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Mặt khác, Thành phố Hồ Chí Minh cần thành lập nhóm nghiên cứu khảo sát các sản phẩm hoàn chỉnh của thành phố có lợi thế cạnh trạnh trên thị trường. Nhóm nghiên cứu sẽ bao gồm Sở Công Thương, Hepza, Ban quản lý khu công nghệ cao, Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, đồng thời có thể mời một số chuyên gia về công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản và Hàn Quốc.


Trong hội thảo mới đây bàn về thu hút đầu tư công nghệ cao và công nghệ hỗ trợ cho Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, bức tranh công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao của Thành phố Hồ Chí Minh chính là bức tranh phát triển công nghiệp của đất nước. Với những giải pháp cấp bách được đề ra, Thành phố Hồ Chí Minh đang cho thấy được sự quyết tâm trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, huy động mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu đề ra bằng hành động cụ thể, lấy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ làm động lực phát triển nền kinh tế đầu tàu của cả nước.

 

Thành Chung

Ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ

Ngày 3/6, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2013 (VBF) với chủ đề “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế - từ chương trình tới hành động”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN