Tổng công ty Thép Việt Nam với 3 kịch bản sản xuất kinh doanh năm 2023

Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) vừa ban hành Nghị quyết số 15/NQ-VNS về việc tạm giao kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 của Tổng công ty.

Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) vừa ban hành Nghị quyết số 15/NQ-VNS về việc tạm giao kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 của Tổng công ty. Theo đó, giao Tổng giám đốc VNS tiếp tục chỉ đạo Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) có phương án xử lý dứt điểm, rõ ràng đối với tồn tại chênh lệch kiểm kê khi bàn giao chức danh quản lý giai đoạn 2019-2021.

Liên quan đến vấn đề này, tại Tờ trình 1376/TTr-VNS về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, VNS cho biết, kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tổng công ty được xác định dựa trên 1 trong 3 kịch bản. Ở phương án 1, giả định đến thời điểm lập Báo cáo tài chính riêng và Báo cáo tài chính hợp nhất, VTM đã hoàn thành báo cáo tài chính (kiểm toán) năm 2022 với số lỗ dự kiến khoảng 430 tỷ đồng (báo cáo ước tính của đơn vị).

Chú thích ảnh
Sản xuất thép tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Chênh lệch hàng thừa thiếu của VTM được xử lý và ghi nhận chi phí trong kỳ kế toán 2022, mà chưa có đủ cơ sở để xác định trách nhiệm đền bù cá nhân, dự kiến doanh thu hợp nhất năm 2022 của Tổng công ty đạt 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước lỗ 1.070 tỷ đồng, giảm 1.620 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2022 và giảm 2.101,9 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Ở phương án 2, VNS giả định khi chênh lệch hàng thừa thiếu của VTM chưa được xử lý và ghi nhận chi phí trong kỳ kế toán 2022, dự kiến lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Tổng công ty sẽ lỗ 1.000 đồng, giảm 1.550 tỷ đồng so với kế hoạch năm và giảm 2.031,9 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Ở phương án 3, giả định đến thời điểm lập Báo cáo tài chính riêng và Báo cáo tài chính hợp nhất, VTM chưa hoàn thành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 hoặc chưa cung cấp các bằng chứng kế toán về kết quả kinh doanh của công ty trong năm 2022 để Tổng công ty thực hiện trích lập dự phòng tại thời điểm 31/12/2022 (trên cơ sở tạm ghi nhận giá trị khoản đầu tư của Tổng công ty tại VTM là 943,44 tỷ đồng, giá trị dự phòng 576,87 tỷ đồng), khi đó lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Tổng công ty ước lỗ 800 tỷ đồng, giảm 1.350 tỷ đồng so với kế hoạch năm và giảm 1.831,9 tỷ đồng so với kế hoạch.

Tại tờ trình, với 3 kịch bản trên, dựa trên giả định trong năm tài chính 2023, Tổng công ty sẽ trích lập dự phòng đối với toàn bộ số tiền còn lại của khoản đầu tư tại VTM do VTM ngừng sản xuất dẫn tới phá sản. Phương án 1, công ty mẹ VNS dự kiến đạt doanh thu 1.899 tỷ đồng, lợi nhuận 28 tỷ đồng; phương án 2, lợi nhuận âm 50 tỷ đồng và phương án 3 sẽ âm 252 tỷ đồng lợi nhuận.

Trên cơ sở đó, VNS đã đề xuất lựa chọn phương án 2 (âm 50 tỷ đồng), tuy nhiên, Ban Tổng giám đốc đề xuất giao chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận công ty mẹ năm 2023 ở mức "phấn đấu có lãi". Trong trường hợp giả định về trích lập dự phòng đối với khoản đầu tư tại VTM có sự thay đổi, Ban Tổng giám đốc sẽ báo cáo HĐQT để cập nhật tình hình và điều chỉnh tương ứng các chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận năm 2023 của Tổng công ty.

Cũng tại Nghị quyết 15, HĐQT Tổng công ty đã thống nhất tạm thời thông qua kế hoạch năm 2023 nêu tại Tờ trình số 1376 trên.

VNS cũng cho biết, ngoài yếu tố trích lập dự phòng cho khoản đầu tư tại VTM, hiệu quả sản xuất của tổng công ty còn chịu tác động của nhiều yếu tố như quyết toán cổ phần hóa, các rủi ro có thể phát sinh liên quan đến hạch toán chi phí lãi vay cho Dự án Tisco2 trong thời gian Dự án bị gián đoạn, rủi ro phải dừng Dự án mỏ sắt Thạch Khê, rủi ro khoản nợ tiền thuê đất khu công nghiệp của Công ty Thép Tấm Miền Nam cũng chưa được tính đến.

Trong năm qua, do nhu cầu tiêu thụ thấp, sức mua yếu, trong khi nguồn cung dồi dào đã buộc các nhà sản xuất thép trong nước phải liên tục giảm giá bán để giải phóng hàng tồn kho nguyên liệu và thành phẩm giá cao. Bên cạnh đó, tình trạng tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh càng làm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thép thêm khó khăn, thậm chí thua lỗ.

Đứng trước khó khăn đó, VNS đã chủ động bám sát thị trường và tình hình thực tế để điều hành, chỉ đạo, từng bước gỡ khó, giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong hệ thống.

Khánh Linh (TTXVN)
Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp sản xuất thép trong quý IV/2022
Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp sản xuất thép trong quý IV/2022

Trước hàng loạt các sức ép vĩ mô đè nặng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế, ngành sắt thép trên thế giới vẫn đang tiếp tục đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là về năng lực tiêu thụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN