Tính phương án thu ngân sách bù giá dầu giảm

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Trong năm tới, ngành tài chính phải phấn đấu tăng thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ở mức cao nhất để bù đắp số giảm thu từ dầu thô. Kể cả khi giá dầu thô khiến nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) giảm khoảng 50.000 tỷ đồng, Bộ Tài chính vẫn có biện pháp tăng thu nội địa để bù đắp.

Bù đắp từ tăng thu nội địa và xuất khẩu

Tại Hội nghị tổng kết ngành tài chính diễn ra ngày 24/12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết: Tổng thu NSNN tính đến hết ngày 22/12 là 831,19 nghìn tỷ đồng, đạt 106,2% dự toán. Dự toán thu cân đối NSNN năm 2015 dự kiến là 911,1 nghìn tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, bên cạnh giải pháp tăng thu nội địa, cơ quan này cũng tập trung vào việc chấm dứt thất thoát, gian lận, nợ đọng thuế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp phát triển, thắt chặt chi tiêu... "Các cơ quan, bộ, ngành không được mua ô tô phục vụ chức danh riêng, tiết kiệm khoản chi hội nghị hội thảo, đặc biệt là chi đi công tác nước ngoài. Tới đây, chúng tôi có thể công khai chi công tác nước ngoài của các ngành, địa phương", Bộ trưởng Dũng nói.

Bộ Tài chính và các bộ liên quan vẫn đang tính toán để đưa ra phương án đối phó với tình hình giá dầu giảm. Tuy nhiên, các chuyên gia Bộ Tài chính cũng cho rằng: Giá dầu giảm sẽ khéo theo các chi phí khác của doanh nghiệp giảm. Nhờ đó sức cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung lại tăng lên nên không quá lo ngại.

Đẩy mạnh thu hồi nợ

Theo nhận định của Bộ Tài chính, trong năm qua, công tác xử lý nợ đọng thuế đã thu được kết quả bước đầu song số nợ đọng thuế còn lớn. Nợ thuế của các doanh nghiệp tính tới cuối năm 2014 vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2013 và hiện ở ngưỡng khoảng 71.000 tỷ đồng.

Nói thêm về con số nợ thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng: Hiện có khoảng 20.000 tỷ đồng là nợ khó có khả năng thu vì vậy thời gian tới phải cố gắng thu hồi khoảng 45.000 - 50.000 tỷ đồng để bù đắp NSNN.

Đại diện Bộ Tài chính cho hay: Nguyên nhân của số nợ đọng thuế tăng cao một mặt do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, tồn kho lớn, ảnh hưởng tới hoạt động và tài chính của các doanh nghiệp. Những khó khăn ấy cũng đẩy doanh nghiệp vào cảnh phải nợ thuế. “Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ thuế chưa thực sự quan tâm triển khai quyết liệt, chậm xử lý thu hồi nợ thuế theo quy định của pháp luật," báo cáo của của ngành tài chí nêu rõ.

Trước tình hình này, ngành tài chính đã tập trung mạnh việc giao chỉ tiêu thu nợ hàng tháng cho từng bộ phận, từng cán bộ để phân tích, đánh giá và đề xuất các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Ngoài ra, cơ quan này sẽ rà soát danh sách người nộp thuế cố tình chây ỳ hoặc không còn hoạt động kinh doanh tại địa điểm đăng ký để phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Minh Phương

Nhiều giải pháp chống thất thu ngân sách
Nhiều giải pháp chống thất thu ngân sách

Lãnh đạo Bộ Tài chính và các chuyên gia kinh tế đang đưa ra các giải pháp quyết liệt nhằm đảm bảo kế hoạch thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015 trước diễn biến giá dầu thế giới liên tục sụt giảm đồng nghĩa với khả năng thất thu cao từ việc xuất khẩu dầu thô của Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN