Tín dụng Trung Quốc và những nguy cơ tiềm ẩn

Ban đầu chỉ là những mối lo ngại hoàn toàn mơ hồ, nhưng càng về sau này, những lời cảnh báo về tình trạng tài chính của Trung Quốc và những hệ lụy của nó đối với nền kinh tế thế giới ngày càng trở nên rõ nét.


Các yếu tố


Có nhiều yếu tố để đi tới kết luận như vậy, chẳng hạn như: sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc, các vấn đề mà nó đặt ra đối với các ngành công nghiệp cơ bản, nhất là ngành luyện gang thép; nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản và khả năng dàn xếp về tài chính có liên quan tới các ngân hàng và các thể chế tài chính quốc tế có thể nhanh chóng bị suy yếu do việc giảm giá đồng nhân dân tệ.


 

Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã phát triển tín dụng chưa từng thấy trong lịch sử kinh tế.

 

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế Trung Quốc, khi hơn 23 triệu việc làm bị mất chỉ trong vòng vài tháng, chính phủ nước này đã phải đưa ra chương trình kích thích lên tới 500 tỷ USD, mức lớn nhất thế giới. Đặc tính quan trọng nhất của chương trình này là yêu cầu các ngân hàng quốc doanh "mở van" tín dụng cho các doanh nghiệp, các thể chế tài chính và các chính quyền địa phương để tài trợ cho các nguồn vốn đầu tư về công nghiệp, phát triển bất động sản và các dự án cơ sở hạ tầng. Và nhờ vậy, trong 5 năm qua, Trung Quốc đã có tăng trưởng tín dụng chưa từng thấy trong lịch sử kinh tế, ước chừng tới 15.000 tỷ USD, tương đương với toàn bộ hệ thống ngân hàng của Mỹ. Trong quý cuối của năm 2013, tăng trưởng tín dụng đã đạt 200% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với 125% GDP trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính thế giới.


Hiện nay, sự giảm tốc trong nền kinh tế Trung Quốc - mục tiêu tăng trưởng năm nay khoảng 7,5% so với trung bình 10% trước đó - ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của ngành công nghiệp chế biến và nhất là luyện gang thép. Trong hai tháng đầu năm 2014, ngành công nghiệp sắt thép của Trung Quốc đã mất 490 triệu USD, quý đầu năm 2014 có thể là giai đoạn tồi tệ nhất trong thế kỷ mới. Năm ngoái, công nghiệp gang thép chỉ lãi 0,48%, trở thành ngành ngày càng phụ thuộc vào tín dụng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị giảm đơn đặt hàng so với cùng kỳ năm trước và lãi chỉ đạt mức tối thiểu lịch sử, tới mức Chính phủ Trung Quốc cho biết họ sẵn sàng để một số công ty bị phá sản.


Giới tài chính còn lo ngại hơn về sự gia tăng nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản Trung Quốc, sau khi tăng giá 10 lần trong 10 năm qua. Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường nhà đất là “nguy cơ chính” của nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay. Một sự sụp đổ thị trường bất động sản sẽ ảnh hưởng ngay tức khắc tới bình diện quốc tế, bởi các nhà đầu tư nước ngoài đóng góp một nguồn tín dụng quan trọng cho lĩnh vực này ở Trung Quốc. Từ năm 2010, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào bất động sản ở đây ít nhất 48 tỷ USD. Tình hình giảm giá bất động sản càng nghiêm trọng do đồng nhân dân tệ bị mất giá.


Nhiều nguy cơ


Tuy một số chuyên gia đã loại bỏ khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn do dự trữ tiền tệ của Trung Quốc còn rất nhiều và do sự kiểm soát công đối với nền kinh tế khá chặt chẽ, nhưng nhiều ngân hàng chính trên thế giới cho rằng có nhiều nguy cơ từ khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).


Năm ngoái, khi FED bắt đầu có ý định giảm bớt chương trình mua tài sản, các thị trường mới nổi đã thu hồi vốn. Phần chủ yếu của “số tiền nóng” này tới Trung Quốc vì người ta cho rằng trái với các thị trường mới nổi, nơi giá trị đồng tiền giảm, giá đồng nhân dân tệ vẫn tiếp tục tăng. Nhưng hiện nay, đồng tiền này đã giảm giá hơn 2,5%, một phần do các nhà lãnh đạo tài chính Trung Quốc tìm cách ngăn chặn đầu cơ dẫn đến việc bị mất gần 5,5 tỷ USD của các công ty dính líu đến các hoạt động đầu cơ.


Người ta cũng rất lo ngại về những phản ứng đối với việc FED siết chặt chính sách tiền tệ có nguy cơ gây hậu quả đối với Trung Quốc. Các nhà đầu tư vốn đặt quá nhiều hy vọng vào triển vọng một chương trình mới kích thích cơ sở hạ tầng, mà họ không nhận thấy những nguy cơ đối với tiền tệ. Sự giảm giá đồng nhân dân tệ có thể là một lời cảnh báo về thực tế bong bóng tín dụng Trung Quốc có nguy cơ sắp vỡ.


Nợ của Trung Quốc tăng cho thấy thực tế là chưa có yếu tố nào gây ra cuộc khủng hoảng năm 2008 được giải quyết. Nợ của Trung Quốc tăng trong 5 năm qua là kết quả trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính do sự sụp đổ của hệ thống tài chính Mỹ gây ra. Các gói kích thích kinh tế giữ một vai trò chủ chốt để duy trì nền kinh tế thế giới trong thời gian qua. Các thị trường mới nổi đóng góp 3/4 tăng trưởng thế giới trong 5 năm qua, phần lớn nhất là từ Trung Quốc. Nhưng sự tăng trưởng này của Trung Quốc là kết quả của một bong bóng tín dụng đang có nguy cơ bị vỡ với những hậu quả mang tính thảm họa đối với hệ thống tài chính thế giới.


Phạm Phú Phúc (Theo "Al-Alam As-Siasiya”)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN