Tín dụng tăng thấp, ngân hàng tiếp tục họp gỡ khó cho doanh nghiệp

Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, gỡ khó trong tiếp cận tín dụng trên địa bản tỉnh Thái Nguyên ngày 4/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết: Tăng trưởng tín dụng 9 tháng năm nay của Thái Nguyên là 4,51%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành (5,56%), thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (10,85%). Trước tình hình này, ngân hàng và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã họp bàn để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà, để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Đến nay, các TCTD cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 22.000 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã triển khai các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong những ngành, lĩnh vực chủ chốt.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Hội nghị ngày 4/10 tại tỉnh Thái Nguyên.

Là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị - xã hội của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng Trung du miền núi với vùng Đồng bằng Bắc Bộ, trong 9 tháng năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội tại tỉnh Thái Nguyên cơ bản ổn định và có bước phát triển.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt kết quả tốt, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục có xu hướng tích cực hơn (tăng 3,68% so với cùng kỳ), trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn tỉnh đạt tổng vốn đăng ký 171 triệu USD với 27 dự án FDI cấp mới.

Tính đến ngày 30/9, dư nợ cho vay tại tỉnh Thái Nguyên đạt khoảng 86,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,51% so với 31/12/2022. Tuy nhiên theo NHNN, tình hình tín dụng trên địa bàn của một số ngành có xu hướng giảm như: Tín dụng ngành nông lâm, thủy sản giảm 0,29% so với cuối năm 2022; tín dụng ngành khai khoáng giảm 5,54%, chiếm tỷ trọng 1,57% đối với dư nợ tín dụng, ngành bán buôn, bán lẻ; sửa chữa mô tô, ô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 1,09%, chiếm tỷ trọng 41,81%. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có sự sụt giảm, trong đó dư nợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm 10,23%, DNNVV giảm 6,28%. 

Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng cao như: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,55%, hoạt động kinh doanh BĐS tăng 14,45%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 14,31%. Dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp FDI tăng 30,98%, doanh nghiệp nhà nước tăng 7,36%.

Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch của tỉnh. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu); xem xét ưu tiên cấp tín dụng theo Danh mục phân loại xanh, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại với giá rẻ.

Phía NHNN tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tại tỉnh Thái Nguyên trong tiếp cận tín dụng, chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu; rà soát, cắt giảm phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân.

Về phía các NHTM, lãnh đạo NHNN chỉ đạo cần chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn. 

Tin, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Phó Thống đốc nêu hàng loạt giải pháp ‘chống ế tiền’
Phó Thống đốc nêu hàng loạt giải pháp ‘chống ế tiền’

Đơn hàng giảm, nhiều doanh nghiệp không có đầu ra, hàng hóa tồn kho khiến cầu tín dụng trong 9 tháng năm 2023 vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Đào Minh Tú, ngành Ngân hàng sẽ nỗ lực cùng các địa phương để gỡ khó cho doanh nghiệp, kỳ vọng tín dụng sẽ tăng nhanh hơn trong 3 tháng cuối năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN