Tín dụng chính sách - đòn bẩy thoát nghèo, đảm bảo an sinh xã hội

Ngày 23/9, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều trao Bằng khen cho các đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích trong việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi. 

Sau 20 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 78/2002/NĐ-CP đã đi vào đời sống, giúp địa phương đạt được nhiều thành tựu trong công tác giảm nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống chỉ còn 0,37% (theo tiêu chí cũ) và hộ cận nghèo còn 1,45% vào cuối năm 2021.

Toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 15 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Gần 100% hộ thoát nghèo đều được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội; giúp hơn 124 nghìn lượt hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn để sản xuất kinh doanh.

Tổng nguồn vốn của 17 chương trình tín dụng sau 20 năm đạt hơn 2.550 tỷ đồng, tạo việc làm cho 277 nghìn lao động; xây mới, sửa chữa gần 30 nghìn nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ gần 100 nghìn học sinh, sinh viên được vay vốn; hỗ trợ cho vay xây dựng trên 127 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh ở nông thôn; hỗ trợ gần 1.600 trường hợp vay vốn đi làm việc ở nước ngoài.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã ký kết văn bản liên tịch ủy thác tín dụng với 4 tổ chức chính trị, xã hội cấp tỉnh gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên; ký hợp đồng ủy thác với 252 Hội cấp xã, quản lý hơn 1.900 tổ Tiết kiệm và vay vốn, dư nợ nhận ủy thác trên 2.500 tỷ đồng.

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cấp ủy Đảng, HĐND, UBND các cấp luôn quan tâm bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, tổng nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương là gần 140 tỷ đồng.

Tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Huỳnh Văn Thuận cho rằng, từ 3 chương trình tín dụng, đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai 17 chương trình tín dụng, với tổng dư nợ hơn 2.550 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng từng bước được nâng lên.

Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành cùng Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phát huy kết quả đạt được để triển khai thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Tỉnh cần duy trì và tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý đặc thù để triển khai đạt hiệu quả hơn nữa tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn tiếp theo; tích cực thực hiện Đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng đã được phê duyệt nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, suốt 20 năm qua, trước nhiều khó khăn, thách thức từ tình hình thế giới cũng như trong nước, nhất là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực, thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế luôn nằm trong top 3 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm thực hiện bằng nhiều chương trình, nguồn lực và giải pháp. Đến cuối năm 2021, số hộ nghèo của tỉnh giảm còn 0,37% và hộ cận nghèo còn 1,45% dân số.

Thời gian tới, mục tiêu quan của tỉnh là tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế một cách bền vững; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh trong 20 năm qua, góp phần rất lớn cho công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, cấp ủy, chính quyền, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tập trung tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội để người nghèo và đối tượng chính sách hiểu rõ được mô hình, nội dung hoạt động. Từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.

Dịp này, nhiều tập thể, cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tặng Bằng khen và bằng vinh danh vì có thành tích tiêu biểu trong thực hiện tín dụng chính sách ưu đãi theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP.

Tin, ảnh: Chanh Đa (TTXVN)
Tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai
Tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai

Ngày 22/9, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP về triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN