Tìm phương thức ưu việt về tích tụ ruộng đất - Bài 2: Bứt phá từ tích tụ

Mặc dù có vị trí địa lý gần Thủ đô, gần nhiều thị trường tiêu thụ nông sản lớn, nhưng trước khi có chủ trương tích tụ ruộng đất, Hà Nam là tỉnh khá “mờ nhạt” trên bản đồ phát triển nông nghiệp khu vực đồng bằng sông Hồng.

Nguyên nhân bởi đất đai nhỏ lẻ, manh mún, không thể phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Trước yêu cầu cấp thiết tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đòi hỏi phải dồn điền, đổi thửa, tạo cánh đồng mẫu lớn để sản xuất nông nghiệp hàng hoá, tỉnh Hà Nam đã có bước đi táo bạo, mang tính đột phá về tích tụ ruộng đất, mang lại hiệu quả cao, được nhân dân đồng tình ủng hộ và nhiều tỉnh tham khảo, áp dụng.

Từ đầu năm 2015, Công ty Cổ phần An Phú Hưng (Hà Nam) triển khai thí điểm “Dự án tích tụ ruộng đất để sản xuất cây trồng chất lượng cao” với tổng diện tích 19,2ha trồng các loại rau, củ, quả như: dưa lưới, dưa vân, củ cải, cà rốt, bí xanh, cải thảo, cà chua tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân. Trong ảnh: Thu hoạch dưa lưới tại Công ty. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Hội trường UBND xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam một ngày tháng 6 rộn ràng tiếng bàn luận sôi nổi của bà con nông dân trong lớp học trồng rau an toàn do Công ty VinEco, Tập đoàn Vingroup tổ chức. Cũng là trồng rau, công việc tưởng chừng quá đỗi đơn giản với người nông dân, song ai lên lớp cũng hào hứng, chăm chú bởi những nông dân đến đây để học hầu hết đã trở thành những công nhân tương lai của khu sản xuất rau công nghệ cao đang khẩn trương xây dựng nhà kính ngay trên đồng ruộng cách đó không xa.

Dồn đất cho doanh nghiệp thuê 20 năm, mỗi hộ cầm hàng chục triệu đồng, hộ nhiều ruộng có thể nhận cả trăm triệu đồng. Có những gia đình kinh tế đã chuyển hẳn theo hướng khác sau khi có nguồn vốn đó để đầu tư cho lao động chính trong gia đình học nghề phi nông nghiệp, vào làm trong các doanh nghiệp. Lao động không chuyển đổi sang ngành nghề khác lại được nhận vào làm công nhân cho chính Công ty VinEco, lại làm việc trên chính đồng đất của mình.

“Giao tất cả ruộng cho công ty thuê 20 năm được 75 triệu đồng, tôi gửi ngân hàng lấy lãi hàng tháng chi tiêu. Giờ làm thuê cho công ty lại có lương ăn, thu nhập ổn định, chẳng lo mùa màng bấp bênh như lúc còn cấy lúa”, một lão nông gần 60 tuổi ở Xuân Khê phấn khởi khoe khi đã trở thành người được hưởng lương của Công ty VinEco.

109 ha là số ruộng đã thuê được của hàng trăm hộ dân ở Xuân Khê để Công ty VinEco đầu tư sản xuất rau quả an toàn phục vụ chuỗi cửa hàng, siêu thị cung ứng thực phẩm của Tập đoàn Vingroup. Sau gần một năm đầu tư sản xuất trên diện tích 183 ha; trong đó có 5 ha nhà kính, Công ty VinEco đã có sản phẩm rau, củ, quả sạch tiêu thụ tại các siêu thị Vinmart ở Hà Nội, cho doanh thu trên 1 tỷ đồng/ha/năm, tạo việc làm cho khoảng 200 lao động với mức thu nhập từ 4 – 6 triệu đồng/người/tháng.

Chị Trương Thị Kim Thoa, ở xóm 2B xã Xuân Khê so sánh: “Trung bình mỗi hộ dân ở đây cũng chỉ có 2-3 sào ruộng nên thu nhập không đáng là bao. So với trước kia chỉ làm mấy sào ruộng trồng cấy nhì nhằng, giờ làm công nhân cho công ty thu nhập ổn định hơn…”

Từ thực tế sản xuất, ông Ngô Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Xuân Khê cho rằng, sản xuất vài ba sào ruộng khiến nông dân mãi nghèo, vì thế tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa là hướng đi tất yếu để có giá trị cao hơn.

“Xác định tập trung ruộng đất là hướng đi tất yếu nên chúng tôi quyết tâm thực hiện. Quá trình thực hiện tích tụ ruộng đất, nút thắt rất lớn trong tâm lý, nhận thức của bà con nông dân là lo ngại sẽ mất đất sản xuất, không có việc làm, lợi ích bị ảnh hưởng”. Chủ tịch UBND xã Xuân Khê nói.

Ông Cao Đình Đoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lý Nhân cũng cho biết, để tích tụ được 350 ha như hiện nay, chính quyền huyện đã phải rất kiên trì, mềm mỏng, không được làm theo lối áp đặt, ép dân và thực hiện tốt dân vận cũng như quy chế dân chủ.

“Bước đầu, công việc vô cùng gian khó. Khi nghe chủ trương tích tụ ruộng đất người dân vẫn chưa tin tưởng, chỉ có khoảng 70% người dân ủng hộ, 20% thì nửa chừng, còn 10% không chấp hành. Các cuộc họp dân diễn ra liên tục, có lúc nóng bỏng bởi có những đối tượng bị ảnh hưởng đến quyền lợi như những hộ đã đầu tư máy cày, máy kéo để làm dịch vụ, nay không sản xuất nhỏ lẻ thì họ mất việc. Nhiều đối tượng cũng xúi giục, lôi kéo người dân phản đối. Nhiều cuộc họp cả bí thư, chủ tịch tỉnh phải xuống tận các thôn xóm đối thoại, giải thích với người dân, phân tích quyền lợi cho dân khi tích tụ ruộng đất”, ông Cao Đình Đoàn nhớ lại.

Theo chia sẻ của ông Trương Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, cái khác trong tích tụ ruộng đất ở Hà Nam là chính quyền cấp xã, cấp huyện hợp đồng thuê đất nông nghiệp của các hộ dân, chính quyền cấp tỉnh ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê lại đúng giá thuê của nông dân. Và doanh nghiệp phải cam kết, đất này chỉ được đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, không được chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác.

Việc chính quyền đứng ra thuê đất của dân như vậy cũng là để tạo niềm tin cho người dân có đất cho thuê, cũng như doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là có chính quyền bảo lãnh. Tuy nhiên, đây cũng là cách làm rất mới, chưa có quy định trong luật định.

“Vì vậy, người đứng đầu Đảng bộ, chính quyền địa phương phải dám chịu trách nhiệm. Nếu chính quyền thiếu quyết tâm, ngại khó, ngại khổ thì sẽ không bao giờ đổi mới được”, Phó Chủ tịch Trương Minh Hiến khẳng định.

Với chủ trương thống nhất và đồng lòng từ trên xuống dưới, bằng cách làm kiên trì, cởi mở, luôn lắng nghe và điều chỉnh kịp thờ mọi khúc mắc, Hà Nam đã giải quyết tương đối thỏa đáng lợi ích cho nông dân. Các hộ dân có đất ở đây chỉ cho thuê quyền sử dụng đất, còn bà con vẫn giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tỉnh cũng hỗ trợ tối đa chủ trương này bằng những chính sách thông thoáng như trích ngân sách ứng tiền trả tiền thuê đất trước cho dân, hỗ trợ cho dân tiền lỡ vụ trong thời gian chờ giao mặt bang. Nếu hộ nào không cho thuê, vẫn muốn sản xuất thì địa phương có trách nhiệm chuyển diện tích sản xuất của hộ đó sang khu vực có đồng đất bằng hoặc tốt hơn để tiếp tục sản xuất.

Nỗ lực đột phá của Hà Nam đã mang lại kết quả khả quan. Hàng loạt các doanh nghiệp lớn đã thuê đất để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, toàn tỉnh đã có 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích trên 500 ha, thu hút các doanh nghiệp “tên tuổi” về đầu tư như Công ty Green Việt Nam sử dụng công nghệ Nhật Bản; Công ty VinEco (thuộc Tập đoàn Vingroup) sử dụng công nghệ nhà kính Israel; Công ty Cổ phần giống cây trồng Trung ương - Vinaseed…

Việc hình thành các khu sản xuất nông sản, rau quả chất lượng cao đang từng bước thay đổi tập quán canh tác cũng như mở ra cơ hội tăng thu nhập cho nông dân ở những vùng sản xuất có sự tham gia của doanh nghiệp.

Ngày làm việc đầu tiên của năm mới Đinh Dậu 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn nút khởi công khu công nghệ cao của tỉnh Hà Nam. Tại đây, người đứng đầu Chính phủ khẳng định sẽ đẩy mạnh “cởi trói” cơ chế, chính sách, kiến tạo phát triển nông nghiệp theo hướng phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh đáp ứng nhu cầu mới của quá trình phát triển.

(Còn tiếp)

Thanh Hương (TTXVN)
Tìm phương thức ưu việt về tích tụ ruộng đất - Bài 1: 'Cởi trói' hạn điền đã chín muồi
Tìm phương thức ưu việt về tích tụ ruộng đất - Bài 1: 'Cởi trói' hạn điền đã chín muồi

Đất đai là nền tảng tổ chức sản xuất nông nghiệp, là tư liệu sản xuất quan trọng đối với quốc gia có tới 70% dân số sống ở nông thôn, hơn 50% lao động sống nhờ nông nghiệp như Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN