Tìm giải pháp vực dậy doanh nghiệp

Làm thế nào để tiếp sức cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay là mối quan tâm hàng đầu của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận sáng 1/11 về tình hình kinh tế - xã hội.


Khó tiếp cận vốn vay


Hiện nay, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp, muốn vay vốn mà không đủ điều kiện. Vì thế, ngân hàng muốn, cũng không dám cho vay. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn vay do không đáp ứng được quy định về tài sản bảo đảm.

 

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) phát biểu. An Đăng – TTXVN


Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) phân tích, cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long là một ngành sản xuất quan trọng đóng góp chính vào ngân sách địa phương và giải quyết phần lớn lao động, nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp sản xuất ngày càng khó khăn hơn vì gánh nặng lãi suất kéo dài qua các năm qua. Vừa qua, nhiều người nuôi cá tra treo ao nên nguyên liệu không ổn định, một số doanh nghiệp phải triển khai vùng nuôi để cung ứng nguyên liệu, làm tăng áp lực về nhu cầu vốn vay càng lớn, trong khi không còn tài sản thế chấp.


Do đó, “để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra, hệ thống ngân hàng cần hỗ trợ cơ chế đặc thù trong bối cảnh hiện nay, cần xem xét giúp doanh nghiệp có dòng tiền ổn định là giải pháp hữu hiệu để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trợ giúp thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện giãn nợ 24 tháng hoặc 36 tháng và áp dụng trả lãi cuối kỳ hoặc phân kỳ trả lãi phù hợp”, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nhận định.


Trong 9 tháng qua, tăng trưởng tín dụng ở mức 6,8% và lãi suất vay có giảm. Nhưng không riêng gì các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cá tra, các doanh nghiệp ở những lĩnh vực khác cũng đang thiếu vốn sản xuất kinh doanh. Ngân hàng và doanh nghiệp cũng đang tích cực tiến hành tái cơ cấu và theo chiều hướng tốt dần. Ngân hàng cơ cấu lại nợ xấu và tìm những dự án hiệu quả để cho vay, giảm lương cán bộ để giảm chi phí về vốn. Các doanh nghiệp cũng có cố gắng để duy trì sản xuất và lo công ăn việc làm cho người lao động và tích cực trả nợ.


Đại biểu Phạm Văn Cường (Lào Cai) cho rằng, trong 3 năm khó khăn qua, nguồn lực của doanh nghiệp đã yếu đi nhiều, ít còn khả năng để vay vốn. Hiện nay, ngân hàng đang hướng dẫn thực hiện cơ chế cho vay cho các dự án. Tôi đề nghị Chính phủ xem xét và ngân hàng điều chỉnh tỷ lệ cho vay hợp lý hơn, gỡ khó cho doanh nghiệp.


Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng, hệ thống ngân hàng nên ưu tiên cho vay với những doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) phát biểu: “Về vốn cho nông nghiệp, ngân hàng phải có những giải pháp đặc biệt, thì chúng ta mới có thể “vượt đèn đỏ” để đi, làm thế nào để người dân nông thôn vay vốn xây dựng, sản xuất, làm đường... để khu vực này phát triển sản xuất. Nếu chúng ta thực hiện như Thống đốc phát biểu thì chúng tôi nghĩ là khó lắm, các đại biểu Quốc hội thử đóng vai một người xuống ngân hàng vay tiền xem có dễ hay không, tôi đã thử thì thấy rất khó”.


Tín dụng đen vẫn hoành hành


Nhiều doanh nghiệp muốn vay vốn nhưng không đủ điều kiện, ngân hàng cũng không dám cho vay. Vì vậy, tín dụng ngoài luồng hay tín dụng đen lại có dấu hiệu phát triển.


Đại biểu Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, hiệu quả thấp, doanh nghiệp muốn vay vốn mà không đủ điều kiện vay vốn, ngân hàng muốn cho vay mà không dám cho vay. Đó là điều kiện để tín dụng ngoài luồng hay còn gọi là tín dụng đen có dấu hiệu gia tăng.


Thực chất, hệ thống tín dụng đen là cho vay nặng lãi. Hệ thống tín dụng đen này đã gây hại cho nhiều người gửi, gây hại cho dân. Vừa qua, nhiều nông dân ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long lao đao vì tín dụng đen.


Đại biểu Bùi Thị An (TP Hà Nội) cho rằng, tuy chưa có khảo sát chính xác chính thức nhưng với nông dân nhiều vùng chắc chắn sẽ còn lao đao vì tín dụng đen. “Tôi biết rằng đồng chí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước rất bận nhưng tôi tha thiết đề nghị đồng chí sắp xếp thời gian đi vi hành ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn hẻo lánh, kể cả vùng núi, đến các làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ để xem họ cần gì, đến những nơi công chức đang cần mua nhà vì sao họ không có tiền, không tiếp cận được vốn mặc dù lãi suất trần đã hạ thấp”, đại biểu Bùi Thị An phát biểu.

Phi Sơn

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình:

Cơ cấu lại khoản vay cho doanh nghiệp

 

10 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt ở mức 6,8%. Nếu chúng ta tính cả phần dư nợ tín dụng đã được xử lý thông qua trích lập dự phòng rủi ro và mua bán nợ của công ty mua bán nợ thì thực tế tăng trưởng tín dụng mới của nền kinh tế trong 10 tháng đầu năm đã tăng ở mức 7,89%.

Hiện nay, hàng tuần chúng tôi thường xuyên giao ban với các ngân hàng thương mại cũng như giao ban với giám đốc ngân hàng nhà nước ở các tỉnh để nắm bắt kế hoạch tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng. Chúng tôi thấy trên cơ sở kết quả đạt được cùng với kế hoạch tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng trong 2 tháng còn lại, chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng chúng ta có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung của năm nay ở mức 11-12%.

Trong thời gian sắp tới, ngoài các giải pháp đã triển khai, chúng tôi cũng sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành cũng như các ngành sản xuất để có những giải pháp tháo gỡ vốn. Ví dụ như trong tháng 11, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng, với một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng để có sản phẩm liên kết 4 nhà đảm bảo rằng việc mua bán các vật liệu xây dựng được thông thoáng hơn, góp phần để xử lý tồn kho, ứ đọng trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các tổ chức tín dụng có cơ chế mới trong việc cơ cấu lại các khoản nợ. Đến nay tổng số nợ mà các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại cho các khách hàng vay đã lên tới trên 300.000 tỷ đồng, chiếm khoảng hơn 10% tổng dư nợ. Trong số này có khoảng 60% các khoản nợ nếu không được cơ cấu lại thì trở thành nợ xấu. Nếu chúng ta không cơ cấu lại nợ cho các tổ chức tín dụng theo phương án và cơ chế Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thì nợ xấu của chúng ta đã tăng thêm trên 6%.

Từ khi bắt tay chính thức vào mua nợ xấu thì công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua được 10.000 tỷ nợ xấu. Các khoản nợ này sau khi VAMC mua lại thì sẽ tiến hành cơ cấu lại các khoản nợ này, cơ cấu kể cả về lãi suất, đưa các lãi suất cao trước đây về mặt bằng lãi suất hiện nay cũng góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ cơ cấu lại tính chất của nguồn vốn, thời hạn cho vay, đảm bảo khả năng chịu đựng và khả năng tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp trong thời gian tới.

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh:

Không tô hồng số liệu

 

Một số đại biểu có băn khoăn về độ chính xác của số liệu thống kê, đặc biệt là về GDP dự báo 5,4% của năm 2013.

Thứ nhất, trong hệ thống chỉ tiêu quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, tổng số của chúng ta có 350 chỉ tiêu quốc gia trong hệ thống chỉ tiêu, trong đó chỉ có 146/350 chỉ tiêu được giao cho ngành thống kê tính toán chiếm 42% tổng số chỉ tiêu quốc gia, còn lại 58% số chỉ tiêu thuộc các bộ, ngành có trách nhiệm tính toán. Hiện cũng có đã có một hệ thống dọc từ trên Trung ương là Tổng cục Thống kê đến Cục Thống kê các địa phương và phòng thống kê các huyện và có chân rết, có những điều tra viên tại các cơ sở.

Thứ hai là hệ thống thống kê của chúng ta đã được hòa nhập với quốc tế, cho nên các phương pháp tính toán thống kê của Việt Nam tương thích với các phương pháp khoa học của toàn thế giới. Hàng năm cơ quan tổ chức quốc tế đều đến kiểm tra, kiểm định số liệu về GDP vì con số này được công bố trên thế giới để so sánh. Cho nên có thể nói rằng, số liệu của chúng ta về cơ bản là tin cậy được.

Trên bình diện thống kê, phân tích chi tiết, chúng tôi thấy nền kinh tế Việt Nam đang có bước phục hồi mặc dù còn ít và chưa thật sự bền vững, nhưng đó là những tín hiệu tốt. Chúng tôi nghĩ rằng, lúc này niềm tin là điều quan trọng và chúng ta cần phải xây dựng niềm tin để vươn tới.

Phi Sơn (ghi)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN