Tìm đầu ra cho nông sản đồng bằng sông Cửu Long

Là khu vực trọng điểm cung cấp nguyên liệu xuất khẩu những mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như: lúa gạo, thủy sản..., nhưng cuộc sống nhà nông các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn hết sức khó khăn. Đối mặt với nỗi lo thường trực đầu ra bấp bênh, giá cả trồi sụt bất thường, người dân các tỉnh ĐBSCL đang cần sự giúp đỡ của ngành chức năng, doanh nghiệp…

 

Thiệt thòi nhà nông


Chiếm hơn 70% tổng sản lượng trái cây cả nước với tổng diện tích khoảng 220.000 ha và được đánh giá cao về sự đa dạng chủng loại, chất lượng nổi trội nhưng suốt một thời gian dài, đầu ra cho trái cây các tỉnh ĐBSCL vẫn bấp bênh, người trồng cây ăn quả thu nhập chưa cao. Tại những tỉnh trọng điểm về trồng trái cây trong khu vực như Tiền Giang, Vĩnh Long…, nhà nông thường xuyên chứng kiến điệp khúc "được mùa, rớt giá" hay "thất mùa trúng giá". Chẳng hạn, trái thanh long có thời điểm 15.000 đồng/kg, nhưng cũng có lúc “chất đống ngoài lề đường” chỉ 3.000 đồng/kg; hay trái vú sữa, đầu vụ có giá hơn 120.000 đồng/kg, nhưng đến mùa thu hoạch rộ, giá giảm chỉ còn 20.000 - 35.000 đồng/kg…


Đầu ra nông sản bấp bênh đang làm cho cuộc sống nhà nông đã khó càng khó khăn hơn.

 

Anh Nguyễn Văn Mẫn - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), cho biết giá cá điêu hồng hiện chỉ còn 24.000 đồng/kg, cá lóc bông giảm còn 37.000 đồng/kg, trong khi để có lời, người nuôi cá phải bán được giá cao hơn giá trên từ 6.000 - 10.000 đồng/kg. Giá thuỷ sản liên tục giảm mạnh từ đầu năm 2012 và đang vào đợt đỉnh điểm trong những ngày gần đây đã tác động mạnh đến những hộ nuôi cá lồng, bè trên địa bàn huyện. “Nhờ nguồn nước sạch của sông Tiền, cả huyện đã phát triển hơn 500 lồng bè và hàng chục hộ chuyên nuôi cá giống cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, hiện số lượng hộ thu hẹp diện tích nuôi hoặc chuyển mục đích đã giảm hơn phân nửa”, anh Mẫn nói thêm.


Theo tính toán của nhà nông, chi phí đầu vào như: thức ăn chăn nuôi, phân bón… đang tăng mạnh so với thời điểm đầu năm 2012. Cụ thể, giá hầu hết các loại nguyên liệu chính như đậu nành, bắp, cám gạo… tăng 20 - 60%. Trong khi đó, từ đầu tháng 6, giá phân bón, đặc biệt là phân vô cơ, tăng thêm 10.000 - 30.000 đồng/bao. Giá tôm sú, tôm càng xanh giống tăng thêm từ 30 - 70% so với cùng kỳ năm 2011… “Giá đầu vào liên tục tăng trong khi đầu ra không tăng tương ứng, lại có xu hướng giảm sâu đang làm cho thu nhập nhà nông đã khó lại càng khó thêm. Có một thực tế là nông dân đầu tư cho chăn nuôi, trồng trọt rồi lại lo lắng tìm đầu ra cho sản phẩm, trong khi hầu hết những sản phẩm nông sản chỉ được tiêu thụ nhỏ lẻ, manh mún qua các tư thương mà thiếu tổ chức hay doanh nghiệp bao tiêu với giá cả ổn định”, ông Dương Nghĩa Quốc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết.

 

Khó khăn chồng chất


Tại cuộc họp của ngành nông nghiệp được tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, rất nhiều đại biểu bức xúc, trong thời kỳ toàn cầu hóa nhưng lượng thông tin về sản xuất nông nghiệp, thị trường tiêu thụ… đến với người dân còn quá ít ỏi và chậm chạp. Trong suốt một thời gian dài và ngay cả hiện nay, hầu hết nhà nông sản xuất không theo định hướng, chỉ theo cảm tính, chạy theo phong trào, thấy người này làm, vùng này làm thì làm theo mà không cần biết đến đầu ra như thế nào. Kết quả là sản phẩm dồn ứ không tiêu thụ hết, bị tư thương ép giá. Ngoài ra, khi hệ thống phân phối chưa hoàn chỉnh như hiện nay, nông dân là người thiệt thòi nhất khi họ không có cách nào tăng được nguồn thu từ sản phẩm do mình làm ra và các kênh phân phối chủ yếu vẫn bắt buộc phải dựa vào tư thương hoặc hàng xáo.


Có cái nhìn trực diện vào vấn đề, theo ông Dương Nghĩa Quốc, khó có thể gỡ bỏ tư thương ra khỏi vòng quay tiêu thụ khi thực tế sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn manh mún, công tác liên kết rời rạc, doanh nghiệp lại không nhiệt tình tham gia… Trong điều kiện đó, tư thương sẽ vẫn là những cấp trung gian làm cầu nối cho nhà nông, thị trường tiêu thụ nông sản và phải mất một thời gian dài nữa mới mong chấm dứt cảnh mua rẻ bán đắt. “Thực tế là nhà nông đang phải gánh chi phí cho sản xuất quá cao, trong khi mức giá nông sản bán ra chỉ bằng 20% so với giá người tiêu dùng mua về cho sinh hoạt thường nhật. Nhà nông làm ra sản phẩm nhưng không quyết định được giá bán mà do tư thương quyết định. Vẫn biết đây là cơ chế thị trường, nhưng sẽ thua thiệt cho người dân khi chúng ta thả nổi cho các cấp trung gian lũng đoạn giá cả mà thiếu giải pháp cần thiết kiềm chế, điều tiết”, ông Quốc phân tích.


GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, phải tập trung nâng cao vai trò của việc phát triển thị trường và xem đây là vấn đề bức thiết phải làm ngay. Nông dân có thể trồng hầu hết mọi nông sản nhưng không thể tiêu thụ hết sản phẩm vì không có thị trường hoặc thị trường vận hành yếu, không minh bạch. Trong công tác quy hoạch sản xuất phải dựa trên nghiên cứu thị trường một cách khoa học và chu đáo, không chạy theo xu hướng hoặc thấy “người ta ăn khoai vác mai đi đào”. Thêm vào đó, trong điều kiện thực tế của nền sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay, khi hầu hết nhà nông còn nghèo, các công ty tư nhân yếu trong khi doanh nghiệp nhà nước lại thụ động, thiếu linh hoạt… thì Nhà nước cần sớm có chính sách đồng bộ xây dựng và phát triển thị trường; cũng như có những dự báo, tầm nhìn chiến lược trong sản xuất những sản phẩm để từ đó có biện pháp đồng bộ từ tổ chức cho nông dân sản xuất đến việc tạo thị trường…

 

Lối ra đã có


Sớm nhận ra tính cấp thiết của vấn đề, năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 80/QĐ-TTg về "Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng" nhằm đạt 2 mục tiêu: Nông dân có thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, sản xuất hiệu quả, có lãi và doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu phát triển sản xuất. Đây được xem là bước đột phá, tháo gỡ nút thắt về đầu ra cho nông sản tồn tại thời gian dài. “Tuy nhiên, qua gần 10 năm quyết định trên đi vào cuộc sống, hiện chưa tới 10% giá trị nông sản ở các tỉnh ĐBSCL được tiêu thụ qua hợp đồng. Phải nói rằng kim chỉ nam chúng ta đã có từ rất lâu nhưng thực tế công tác triển khai hiện vẫn rất chậm chạp và hiện nay điều đáng mừng là các nhà quản lý đang làm quyết liệt vấn đề trên”, ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang thông tin.


Một tín hiệu vui khác, ngành nông nghiệp đang hoàn tất việc quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao và sẽ nhanh chóng triển khai vào thực tế. Theo đó, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao không làm tràn lan mà chỉ tập trung vào những sản phẩm chủ lực, mũi nhọn của từng địa phương. Riêng trái cây, ngành trồng trọt đã hoàn tất công tác rà soát quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái tập trung theo hướng an toàn. Trước đó, Thủ tướng cũng đã nhanh chóng ban hành gói chính sách về hỗ trợ phát triển VietGAP (có hiệu lực từ tháng 2/2012) giúp nhà nông giải quyết tốt khâu sản xuất, kết nối doanh nghiệp phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Một động thái khác, trong công tác quản lý thị trường, các ngành chức năng đang linh hoạt nhiều giải pháp về thu mua tạm trữ, đa dạng thị trường xuất khẩu… trong nỗ lực giúp nhà nông ổn định được đầu ra, tăng thu nhập.

 

Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang: Chủ trương của Nhà nước là không trực tiếp bao tiêu các loại nông sản mà thực hiện theo cơ chế thị trường, dựa trên những chính sách khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ nông sản với nông dân. Tại An Giang, chúng tôi đang phối hợp với doanh nghiệp triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn để tạo đầu ra ổn định cho nông sản và bước đầu mang lại hiệu quả cao. Dựa trên thành công này, theo tôi, thời gian tới cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà nông và doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản thông qua việc tiêu thụ qua hợp đồng, xem đây là mấu chốt trong việc giải quyết bài toán nan giải về tìm đầu ra bền vững cho nhà nông.

 

Ông Dương Nghĩa Quốc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp: Chúng tôi đang hoàn tất xây dựng chuỗi giá trị cho lúa và cá tra, trong đó chú trọng chính sách lợi nhuận làm sao chia đều cho các bên tham gia. Theo đó, để phát triển bền vững chuỗi, đầu ra sẽ được tính toán dựa trên đầu tư từ giống, thức ăn, tiêu thụ… đảm bảo lợi ích hài hòa. Để tránh gãy đổ giữa những khâu tham gia trong chuỗi, chúng tôi xác định doanh nghiệp là đầu kéo và Nhà nước phải có chính sách tốt để hỗ trợ giúp sản xuất và tiêu thụ gặp nhau. Tỉnh đang tổ chức quy hoạch lại vùng sản xuất trong nỗ lực xây dựng được vùng nguyên liệu rộng lớn, ổn định nhằm thu hút được các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp.

 

Ông Bùi Văn Khen, nông dân huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp): Chúng tôi mong các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương cần có những quy hoạch mang tính dài hơi cho canh tác và phát huy lợi thế nông sản từng địa phương. Từ trước đến nay, nhà nông chúng tôi vẫn “tự bơi” là chính và thật sự chúng tôi vẫn rất mong có sự “chống lưng” của nhà quản lý, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, điều chúng tôi quan tâm là việc thông tin thị trường để người nông dân biết và điều chỉnh cơ cấu sản xuất, tránh tình trạng mất cân đối cung cầu.

 

Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN