Không phải tới tháng 6 vừa qua, câu chuyện về ghi số điện sai, về tiền điện “tự nhiên” đột biến tăng, mới làm nóng các hộ gia đình Hà Nội. Tuy nhiên, sự quyết liệt của người dân khiến ngành điện phải vào cuộc giải trình và thừa nhận những sai sót trong ghi số điện, cũng như những bất cập được “phanh phui” trong việc ghi số điện, đã thực sự khiến vấn đề cần phải thay đổi cách ghi số điện, tính tiền điện của ngành điện trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Dân mất lòng tin
Vụ việc nhân viên Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) ghi sai số điện cho cả thôn Thống Nhất, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, đã khiến người dân vô cùng bức xúc. Dù ông Nguyễn Quang Trung, Phó Tổng giám đốc EVN Hà Nội khẳng định đã kỷ luật hai nhân viên ghi sai chỉ số điện của hơn 200 hộ dân nơi đây; đồng thời tiến hành họp xin lỗi toàn thể người dân và in lại hóa đơn theo chỉ số thực, tuy nhiên, sự việc này khiến những nghi ngờ về cách ghi chỉ số không chính xác của ngành điện lâu nay, càng được củng cố.
Việc ghi chỉ số điện thủ công thế này có thể xảy ra nhiều sai sót. |
Và không chỉ với 200 hộ dân thôn Thống Nhất, mà rất nhiều hộ gia đình của Hà Nội cũng bức xúc vì tiền điện “trên trời” của nhà mình. Bà Phạm Liên (30 Đội Cấn, Ba Đình) chi sẻ, tháng 6 vừa qua, tiền điện nhà bà bất ngờ tăng từ 1,1 triệu như lâu nay, lên 1,7 triệu đồng. “Khi nhận hóa đơn tiền điện, gia đình tôi đã đặt dấu hỏi vì sao tiền điện tăng như vậy? Và khi thấy báo chí phản ánh tình trạng ghi sai số điện tại huyện Sóc Sơn, thì gia đình tôi càng bán tín bán nghi và muốn kiểm tra xem số điện có được ghi chính xác không. Tuy nhiên việc kiểm tra rất khó vì công tơ treo quá cao ngoài ngõ, dây điện và các loại dây cáp trông như tổ nhện, không ai dám trèo lên”, bà Liên cho biết.
Tương tự, tiền điện của nhà chị Nguyễn Thu Phượng, ở nhà E12 khu tập thể Thanh Xuân Bắc, cũng tăng từ 500.000 đồng (tháng 5/2014) lên hơn 700.000 đồng vào tháng 6. “Lâu nay, nhân viên ngành điện đưa hóa đơn như thế nào thì gia đình tôi biết vậy, cũng muốn kiểm tra độ chính xác của công tơ nhưng hỏi nhân viên thu tiền thì họ hướng dẫn gọi tổng đài. Chúng tôi rất nghi ngờ việc ghi số điện không chính xác, nên luôn có cảm giác như bị trả tiền oan”, chị Phượng bày tỏ.
Tình trạng này cho thấy sự thiếu niềm tin của người dân về cách ghi chốt số điện của công tơ, cũng như cách tính giá điện hiện nay.
Lúng túng trong cơ chế kiểm soát
Điều đáng nói là việc phát hiện sai sót trong việc ghi số điện tại Sóc Sơn cũng là ngành điện… tự thấy tổn thất về điện tại trạm biến áp trên chênh lệch quá lớn, lên đến 39%. Còn về phía người dân, như chia sẻ của đa số, đều không biết làm cách nào để kiểm tra, kiểm soát việc tiền điện hàng tháng của nhà mình.
Về điều này, ông Nguyễn Quang Trung, Phó Tổng giám đốc EVN Hà Nội, thừa nhận: “Hiện ngành điện vẫn tự kiểm tra, phúc tra. Theo đó đối với những khách hàng có sản lượng điện tăng trên 130%/tháng so với mức sử dụng bình thường, EVN Hà Nội sẽ áp dụng kiểm tra”.
Còn về hiện tượng hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng tăng đột biến, trong tháng 6/2014, với tổng số khách hàng có sản lượng điện tăng trên 1,5 lần so với tháng 5/2014 lên tới hơn 686.000 khách hàng, chiếm 34% tổng số khách hàng, thì theo ông Trung, do đây là thời điểm nắng nóng mùa hè, học sinh lại nghỉ học, nên nhu cầu dùng điện ở các gia đình tăng. “Qua kiểm tra không có sai sót về công tơ, cũng như quá trình ghi chỉ số điện. So sánh với năm 2013, thì tháng 6/2013 cũng có hơn 600.000 hóa đơn của các hộ tăng hơn 1,5 lần”, ông Nguyễn Quang Trung cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Trung, rút kinh nghiệm sau vụ việc này, EVN Hà Nội sẽ mở rộng hình thức thông báo chỉ số điện đến khách hàng. “Hiện EVN Hà Nội mới chỉ thông báo số tiền điện phải nộp đối với khoảng 4 triệu khách hàng có đăng ký nhận thông báo qua tin nhắn. Từ kỳ hóa đơn tháng 7, EVN Hà Nội sẽ thực hiện nhắn tin thông báo tiền điện cho khách hàng về chỉ số cuối kỳ, sản lượng điện tiêu thụ, tiền điện phải thanh toán; đồng thời mở rộng cả hình thức gửi thông tin qua email”, ông Trung chia sẻ.
Cùng với đó, nhiều giải pháp cũng được ngành điện đưa ra như việc mời tổ trưởng dân phố tham gia chứng kiến ghi chỉ số công tơ. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số tổ trưởng dân phố, việc này chỉ mang tính hình thức chứ không hiệu quả, bởi không phải lúc nào cũng có thời gian và sức khỏe để đi giám sát việc ghi số điện theo ngày giờ ngành điện yêu cầu.
“Để minh bạch và chính xác trong việc ghi chỉ số công tơ điện, chỉ có một cách là Hà Nội sớm áp dụng công tơ điện tử. Việc này thậm chí còn giúp giảm chi phí nhân công, tránh sai sót, nhầm lẫn khi chốt số điện”, chị Mai Trang - một người dân chia sẻ. Đây cũng là điều băn khoăn và là giải pháp mà nhiều người dân đưa ra. Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Trung cho biết, ngành điện đang chờ phê duyệt đề án, khi nào có sẽ triển khai. Hiện Hà Nội đã lắp thí điểm 1.300 công tơ điện tử và đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Xem ra, các giải pháp của EVN Hà Nội vẫn chưa khiến người dân thấy có “điểm sáng” nào trong việc tính tiền điện, ghi chỉ số điện, và cảm giác “đóng tiền oan” vì thế vẫn sẽ tiếp tục tồn tại. Vậy nên, ngành điện Hà Nội cần sớm triển khai công tơ điện tử, để mọi việc đều công khai, minh bạch.
Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội: Cần minh bạch Gần đây nhiều người dân gọi điện tới cho tôi phản ánh nghi ngờ về việc tính giá điện, ghi chỉ số công tơ. Để dân không nghi ngờ, trước tiên là phải minh bạch vấn đề công tơ như ai sản xuất, treo công tơ ở đâu, thời gian khấu hao công tơ? Thực tế toàn bộ quá trình này đều do ngành điện thực hiện và không ai giám sát chất lượng công tơ hiện nay như thế nào, nên rất dễ phát sinh nghi ngờ. Bên cạnh đó là vấn đề giá điện. Cách tính giá điện như hiện nay chưa minh bạch nên càng khiến người dân nghi ngờ. Ngành điện luôn kêu lỗ và tăng giá, trong khi giá “đầu vào” ra sao thì mập mờ. Chính vì vậy, chưa tạo được cơ chế giám sát thực sự hiệu quả. Còn đối với giám sát ghi công tơ điện mời đại diện dân phố chỉ là giải pháp tình thế. Đối với cộng đồng dân cư có nghi ngờ chỉ số điện cao, cần bầu đại diện để giám sát cụ thể từ việc ghi số điện, lắp đặt thiết bị điện. Vấn đề này cần minh bạch và cơ chế giám sát hiệu quả. Ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Khắc phục những bất cập Việc ghi sai chỉ số điện ở một thôn ở Sóc Sơn do lỗi nhân viên ghi chỉ số công tơ đã khiến nhiều người dân dùng điện nghi ngờ về hóa đơn tiền điện. Đây là vấn đề dân sinh được nhiều người quan tâm, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo EVN Hà Nội thông tin kịp thời và cụ thể để người dân hiểu về cách ghi chỉ số và tính giá điện. Việc này đã được EVN Hà Nội triển khai với tinh thần cầu thị. Dù vậy, từ sự việc ở Sóc Sơn, bản thân EVN Hà Nội cần có cơ chế giám sát hoạt động để tránh những sai sót, sớm phát hiện và khắc phục những bất cập. Luật sư Nguyễn Minh Anh: Có thể đòi bồi thường thiệt hại Đối với trường hợp nhân viên ngành điện ghi sai số điện, đương nhiên công ty điện lực có nghĩa vụ hoàn trả lại tiền thừa, đồng thời phải xin lỗi khách hàng. Tuy nhiên nếu việc này được phát hiện có tính hệ thống, thì phải yêu cầu đơn vị cung cấp điện bồi thường thiệt hại, trước tiên áp dụng các quy định tại hợp đồng mua bán điện. Trường hợp hợp đồng không quy định thì tùy từng đối tượng khách hàng có thể viện dẫn các quy định của Bộ luật Dân sự hoặc Luật Bảo vệ người tiêu dùng để buộc công ty điện lực phải bồi thường. Quan hệ giữa công ty điện lực và người sử dụng điện là quan hệ mua bán được xác lập trên cơ sở hợp đồng mua bán điện. Tuy nhiên mẫu hợp đồng chung về mua bán điện thường có các điều khoản quy định có lợi cho ngành điện. Do đó, để bảo vệ cho người tiêu dùng, thì cần có tổ chức, hiệp hội tham gia tư vấn, thẩm định và đấu tranh bảo vệ quyền người tiêu dùng. Người tiêu dùng phải được bồi thường khi bên cung cấp dịch vụ không hoàn thành trách nhiệm. Việc này chỉ thực hiện khi có việc cung cấp điện cạnh tranh. Việc chưa có bồi thường cho thấy sự độc quyền trong kinh doanh của ngành điện và cần có cơ chế giám sát đi kèm. Còn với thực trạng hiện nay, thì người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình bằng cách tự kiểm tra nếu thấy chỉ số điện tăng bất thường. |
Xuân Cường