Tiếp tục cải cách về tư duy, quan điểm

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc (ảnh) cho rằng, những sáng kiến vì doanh nghiệp của chính quyền các địa phương đang làm thay đổi mạnh mẽ môi trường kinh doanh ở các địa phương.


* Thưa ông, phân tích bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 mà VCCI vừa công bố, dường như không có nhiều sự đột phá về thứ hạng. Phải chăng dư địa để chính quyền địa phương đột phá đang tới hạn?


Đà Nẵng vẫn đứng đầu. Top 5 vẫn là những tên tuổi quen thuộc, gồm Đồng Tháp, Lào Cai, Quảng Ninh và một cái tên mới là TP Hồ Chí Minh. Thứ hạng thì như vậy, nhưng sự thay đổi không hề nhỏ, nếu như không nói là rất lớn ở một số địa phương ngay trong tốp đầu.


Đơn cử như Đà Nẵng, để bảo vệ thành công ngôi vị quán quân trong bối cảnh hầu hết các địa phương đều có nghị quyết chạy đua với mục tiêu thăng hạng PCI, chính quyền Đà Nẵng phải nỗ lực rất lớn.


Nhìn vào điểm số có thể thấy, thành công của Đà Nẵng đến từ việc thực hiện hiệu quả chương trình “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”. Chính quyền TP Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động thiết thực tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho tiếp cận hỗ trợ tài chính tín dụng, chủ động tích cực tổ chức gặp gỡ đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.


Tôi muốn nhắc lại một câu nói của lãnh đạo Đà Nẵng khi nhận thông tin trở thành quán quân của PCI năm 2013 rằng, vị trí số 1 hiện giờ mới là thứ hạng chứ chưa phải là đẳng cấp. Lần này, lãnh đạo Đà Nẵng cũng lại nói rằng, áp lực tiếp tục lớn khi doanh nghiệp đang đặt kỳ vọng nhiều hơn lên ngôi vị số 1.


Có thể nói, chính mục tiêu thay đổi, cải cách vì sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp đã tạo nên sự thay đổi về chất trong chất lượng điều hành của chính quyền các địa phương. Mà điều này thì dư địa còn nhiều, không giống như sự tới hạn về những cải cách về rút ngắn ngày giờ, quy trình thủ tục hành chính…


Với góc độ của PCI, thì sự thay đổi này đáng kể và có tác động lớn hơn rất nhiều tới môi trường kinh doanh của các địa phương. Hơn thế, nhiều sáng kiến từ địa phương đã tạo nên những xoay chuyển mạnh trong cách điều hành của lãnh đạo tỉnh.


* Ông có thể giải thích cụ thể hơn không, thưa ông?


Trường hợp của Lào Cai là một ví dụ điển hình. Dù là gương mặt quen thuộc trong nhóm đầu của bảng xếp hạng hàng năm, nhưng năm PCI năm 2013, Lào Cai đã tụt xuống hạng thứ 17. Năm nay, Lào Cai trở lại vị trí thứ 3 bằng việc rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định có liên quan đến tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh bảo đảm sự thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp, duy trì các buổi gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên các lĩnh vực liên quan như thuế, hải quan, ngân hàng, tài nguyên và môi trường.


Đặc biệt, Lào Cai có sáng kiến đột phá khi xây dựng Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố (DCI). Lào Cai coi việc thực hiện chỉ số DCI là kênh quan trọng để tiếp thu những ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, của các thành phần kinh tế về chất lượng điều hành của chính quyền các huyện, thành phố.


Đây có thể là động lực mới để chính quyền các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh đổi mới, năng động, sáng tạo trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội, từ đó góp phần vào thành công chung của tỉnh.


Quảng Ninh cũng là câu chuyện thành đáng suy ngẫm. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Quảng Ninh nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chất lượng điều hành. Việc thành lập Trung tâm Hành chính công hoạt động theo nguyên tắc thẩm định và phê duyệt tại chỗ không chỉ góp phần vào tinh giản biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên của các cơ quan hành chính trước đây, mà còn phát huy tác dụng quan trọng trong việc giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mô hình cơ quan chuyên trách về xúc tiến hỗ trợ đầu tư (Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư) trực thuộc UBND tỉnh cũng đang hoạt động hiệu quả, khi chủ động tiếp cận và chăm sóc các nhà đầu tư một cách chu đáo trong quá trình đầu tư cũng như triển khai dự án.


Còn rất nhiều những sáng kiến tốt của các địa phương. Có thể nói cuộc đua tranh của những sáng kiến vì doanh nghiệp sẽ thúc đẩy các địa phương thay đổi nhanh hơn, hành động nhiều hơn trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.


* Đây cũng là lý do khảo sát PCI 2014 cho thấy niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI đã trở lại sau vài năm trồi sụt, thưa ông?


Đúng vậy. Chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương và niềm tin về triển vọng kinh doanh là những điểm sáng của PCI 2014. Nhưng bên cạnh đó, điều tra PCI 2014 cho thấy những sụt giảm đáng lo ngại ở lĩnh vực chi phí không chính thức, tính năng động và Tiếp cận đất đai.


Đây là ba chỉ số thường xuyên có mặt ở phía giảm điểm, có nghĩa là các doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng với những thay đổi trong các lĩnh vực này. Điều đáng nói là sau nhiều năm có xu hướng giảm, năm 2014, tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả các khoản phí không chính thức đã quay trở lại.


Không chỉ thể hiện tâm lý bi quan trước tình hình chi phí không chính thức không có dấu hiệu cải thiện, doanh nghiệp dân doanh tham gia điều tra PCI cũng cho thấy những lo ngại về hiệu quả làm việc và điều hành của chính quyền các tỉnh. Chính điều này đã hạn chế rất lớn tác động tích cực của những sự năng động, sáng tạo ở các cấp chính quyền trong thực tế.


Năm nay, doanh nghiệp bày tỏ nhiều lo ngại hơn đối với khả năng tiếp cận đất đai. Chỉ có 55% số doanh nghiệp tham gia điều tra có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…


Như vậy, dự địa để các địa phương cải cách còn rất lớn. Chỉ có điều, những đòi hỏi cải cách hiện tại không chỉ dừng lại ở các quy trình, thủ tục, thời gian mà là tư duy và quan điểm về nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, phục vụ doanh nghiệp, Nhà nước vì doanh nghiệp thay vì Nhà nước hành doanh nghiệp.


Sự thay đổi này khó và cần có thời gian, quyết tâm. Tuy nhiên, Nghị quyết 19 của Chính phủ trong hai năm 2014 - 2015 về các giải pháp cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia đang tạo sức ép cùng chiều để các địa phương thực sự thay đổi…


* Xin trân trọng cảm ơn ông!


Minh Phương (Thực hiện)

Nhiệt kế lòng tin đã tăng mạnh!
Nhiệt kế lòng tin đã tăng mạnh!

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ho thấy năng lực điều hành, môi trường kinh doanh ở cấp tỉnh đã được cải thiện; quan trọng hơn còn tạo ra cuộc đua tranh, thúc đẩy các địa phương hành động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN