Tiếp tục bình ổn thị trường cuối năm

Với chính sách huy động nhiều đơn vị, doanh nghiệp cùng tham gia chương trình bình ổn giá hàng hóa, người dân có thể yên tâm mua sắm dịp cuối năm bởi giá cả được đảm bảo sẽ không tăng nhiều.


Giữ giá ổn định

Thực phẩm tươi sống được coi là mặt hàng tiêu thụ nhiều và có nhiều biến động về giá nhất vào dịp cuối năm. Để đảm bảo bình ổn giá mặt hàng này, năm nay Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ Súc sản Việt Nam (Vissan) đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường cuối năm từ khá sớm.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa giúp bình ổn thị trường, công ty đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng từ tháng 6. Tháng 10 vừa qua, công ty chính thức bắt tay vào sản xuất nguồn hàng. Để cung ứng cho thị trường năm nay, Công ty Vissan sẽ tăng khoảng 15 - 20% sản lượng hàng hóa so với cùng kỳ, với tổng trị giá lượng hàng dự trữ là 600 tỷ đồng. Với nguồn hàng dồi dào, công ty cũng sẽ giúp bình ổn thị trường với mức giá các mặt hàng bình ổn giảm từ 5 - 10%.

Bên cạnh đó, các hệ thống phân phối lớn tại TP Hồ Chí Minh như Sài Gòn Co.op, Satra, Maximark... dự kiến cũng có nhiều chương trình khuyến mại giảm giá từ 5 - 49% cho hàng nghìn mặt hàng phục vụ thị trường hàng hóa cuối năm. Đại diện Maximark Cộng Hòa cho biết: So với mọi năm, các nhà cung ứng đã chào hàng sớm hơn với giá tốt. Riêng mặt hàng bánh kẹo đã có nhiều nhà cung ứng với mẫu mới, giá cạnh tranh. Do Tết năm nay được nghỉ kéo dài 9 ngày nên khó xảy ra tình trạng thiếu hàng, biến động giá.

Theo thống kê của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, nguồn cung hàng hóa của doanh nghiệp (DN) tham gia bình ổn thị trường chiếm 30%, các DN khác chiếm 10 - 20%, 3 chợ đầu mối lớn của thành phố là Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn sẽ cung cấp khoảng 60% lượng hàng hóa.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho hay, giá hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường cuối năm khá ổn định, không thay đổi. Mặt hàng thịt gia cầm đang giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Không dừng lại ở mức độ kiềm giá, những tháng cuối năm, nhiều DN còn thực hiện hơn 1.500 đợt khuyến mại, tập trung vào mặt hàng Tết. Ước tính, giá trị khuyến mãi trong dịp cuối năm lên đến 800 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, địa bàn tiêu thụ hàng hóa lớn thứ hai cả nước, kế hoạch chuẩn bị hàng Tết cũng đã sẵn sàng. Theo Sở Công Thương Hà Nội, dự kiến tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán ở địa bàn Hà Nội đạt khoảng 15.000 tỷ đồng.

Các DN sản xuất, kinh doanh bánh mứt kẹo có kế hoạch sản xuất, dự trữ đưa ra thị trường dịp Tết trên 30.000 tấn, tương đương khoảng 2.500 tỷ đồng; DN rượu, bia, nước giải khát khoảng 196 triệu lít, tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng; DN giết mổ gia súc, gia cầm, gạo, trứng, rau củ khoảng 700 tỷ đồng...

Đại diện Siêu thị Big C Thăng Long cho biết đã làm việc xong với các DN sản xuất hàng tiêu dùng, từ thực phẩm tươi sống đến hàng chế biến sẵn để đặt hàng, trước mắt phục vụ dịp Noel, Tết Dương lịch. Mặc dù thời điểm này, nhu cầu mua sắm hàng tiêu dùng cuối năm chưa khởi động nhưng dự báo chỉ sau 2 - 3 tuần nữa là sức mua được sẽ tăng 10 - 15%.

Tăng điểm bán hàng

Nắm bắt khả năng tiêu thụ hàng hóa cuối năm sẽ tăng khoảng từ 10 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều DN sản xuất và các nhà phân phối không chỉ khuyến mãi giảm giá tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng mà còn lên kế hoạch mở rộng điểm bán bằng các chuyến hàng lưu động cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn. Điều này vừa góp phần giảm quá tải cho việc mua sắm tại khu vực trung tâm, vừa giúp người dân nông thôn thụ hưởng lợi ích mà chương trình bình ổn giá mang lại.

“Năm nay chắc chắn khả năng tiêu thụ hàng hóa sẽ cao hơn một vài năm gần đây vì kinh tế đã phục hồi tốt. Vì vậy, để phục vụ thị trường, công ty sẽ kết hợp với các nhà phân phối đem hàng tới các khu vực có đông công nhân, vùng sâu, vùng xa để phục vụ cho bà con với mức giá bình ổn”, ông Văn Đức Mười cho biết.

Bên cạnh việc giúp DN dự trữ hàng hóa, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh còn kết hợp với các DN, nhà phân phối đẩy mạnh hoạt động bán hàng bình ổn giá tới tận các quận huyện ngoại thành, qua đó ngăn chặn tình trạng khan hàng, sốt giá ảo.

Tính đến nay, số điểm bán của chương trình đã lên đến 9.025 điểm, tăng 238 điểm bán so với đầu năm 2015. Trong đó, đã phát triển 917 điểm bán tại các quận ven, huyện ngoại thành với 21 siêu thị, 106 cửa hàng tiện lợi, 83 điểm bán trong chợ truyền thống, 16 điểm bán phục vụ công nhân, 9 điểm bán trong khu chế xuất - khu công nghiệp... phục vụ người dân vùng sâu vùng xa, nơi có đông công nhân.

Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng sẽ tiếp tục mở hàng trăm chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng về các khu công nghiệp, khu chế xuất, các huyện ngoại thành Hà Nội như mọi năm. Hàng hóa tập trung vào các nhóm hàng thực phẩm tươi, thực phẩm thiết yếu, mặt hàng bình ổn giá, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân trong dịp cuối năm.

Theo bà Lê Ngọc Đào, để người dân thu nhập trung bình, thu nhập thấp được tiếp cận nguồn hàng đảm bảo, giá cả ổn định, ngành công thương sẽ hỗ trợ vốn cho các DN sản xuất để đầu tư tạo nguồn hàng dồi dào với giá hợp lý. Các DN tham gia chương trình bình ổn cần chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh để thành phố kết nối với các ngân hàng nhằm giúp DN tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, mở rộng sản xuất, phát triển các điểm bán hàng về vùng sâu vùng xa.

“Đến nay, đã có 11 ngân hàng đăng kí hạn mức tín dụng 11.850 tỷ đồng (tăng 43% so với năm 2014) để hỗ trợ vốn cho các DN tham gia chương trình bình ổn của thành phố. Hiện đã có 17 DN được cấp hạn mức tín dụng 1.455 tỷ đồng, trong đó có 14 DN đã được giải ngân 732 tỷ đồng để tập trung vào sản xuất hàng hóa, đảm bảo nguồn cung phục vụ thị trường cuối năm” bà Đào cho biết thêm.
Hoàng Tuyết - Hoàng Dương
Số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu còn hơn 2.776 tỷ đồng
Số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu còn hơn 2.776 tỷ đồng

Bộ Tài chính cho biết, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến hết Quý III (tính hết ngày 30/9/2015) là hơn 2.776 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN