Tiếp sức ngư dân

Chính phủ đã phân bổ gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng nhằm tăng cường nguồn lực cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và tiếp sức để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Đây là chủ trương lớn của Chính phủ được người dân kỳ vọng và đón nhận với niềm tin được tiếp thêm sức mạnh góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Kỳ 1: Bám biển mưu sinh

 

Người dân vùng biển, đời này nối tiếp đời kia dựa vào biển để mưu sinh, tồn tại. Nhiều tàu thuyền khi ra khơi gặp rủi ro trên biển, thiệt hại về người và tài sản nhưng không vì thế mà ngư dân quay lưng với biển. Họ luôn cố gắng vươn lên, gắn bó “sinh tử cùng biển”.


Nghề cầu “may”


Mỗi chuyến đi biển, người đàn ông ra khơi. Ở nhà, vợ con luôn hướng về phía trời nước mênh mông, cầu nguyện tổ tiên phù hộ cho “sóng yên, biển lặng, cá mực đầy khoang, về bờ mua may bán đắt”. Một năm có 12 tháng, một tháng có 30 ngày nhưng không phải lúc nào ngư dân cũng gặp may, bình yên và đủ đầy. Bao đời, người ta nói biển dữ để rồi ném vào đó lời thề sinh tử, quyết tâm bám biển.

 

Nhờ có tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ nên hiệu quả kinh tế mỗi chuyến đi biển đã mang lại hiệu quả cao.


Ông Lê Văn Hiếu, 56 tuổi, ở thôn Phú Thành, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại khi gặp nạn trên biển. Ông kể: “Gia đình tích góp mua được con tàu trị giá 1,3 tỷ đồng, đến tháng 7/2013 vừa tròn tám tháng ra khơi thì gặp bão. Thuyền nhỏ, không vào bờ kịp, gió đến quá nhanh nên cả người và thuyền bị cuốn trôi. May mắn bảy người được cứu sống, còn một người thì mất tích. Tôi bị trôi dạt trên biển hơn hai ngày, chân tay đờ đẫn không nhúc nhích nổi, may mắn được tàu khác đến cứu vớt đưa vào bờ cấp cứu. Mất người, mất của đau xót lắm các anh ơi!”. Sau hai tháng, lấy lại tinh thần, ông Hiếu bàn bạc với vợ con, xoay xở vay mượn anh em, bạn bè, ngân hàng và lại tiếp tục mua con tàu mới trị giá 1,4 tỷ đồng để tái sản xuất.


Trong cơn bão tháng 7/2013, tàu của anh Trần Tiến, 39 tuổi, ở thôn Cộng Hòa, xã Quỳnh Long cũng gặp nạn khi đang khai thác thủy sản trên biển. May mắn, tất cả các thuyền viên được tàu bạn cứu sống. Tàu của anh Tiến mua trị giá 1,3 tỷ đồng, mới vươn khơi được hai năm thì gặp nạn. Nhưng không vì thế mà anh Tiến chùn bước, gia đình anh Tiến lại vay ngân hàng mua tàu khác trị giá lớn hơn con tàu cũ để tiếp tục bám biển. Anh Tiến nói: “Bao đời nhà mình chỉ biết đi biển để kiếm sống, bây giờ cũng vậy, người dân vùng biển thì phải bám biển chứ”.


Dấu hiệu vui


Ông Trần Cao Mưu, Thư ký Hiệp hội nghề cá Việt Nam đánh giá nghề khai thác nguồn lợi thủy sản của cả nước năm nay có dấu hiệu đáng mừng. Sản lượng đánh bắt 6 tháng đầu năm 2014 cao hơn năm trước, người dân đã đầu tư đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, bám biển dài ngày và đánh bắt ngư trường khơi xa. Người dân vùng ven biển đã ý thức vươn lên, thi đua làm kinh tế, hợp tác thành tổ, đội, đầu tư vốn đóng tàu lớn để vươn ra ngư trường tiềm năng, khai thác có hiệu quả.


Nghề cá ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) những năm gần đây phát triển mạnh mẽ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình. Ông Trần Quang Vệ, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long cho biết: “Kinh tế của xã chủ yếu dựa vào khai thác nguồn lợi thủy sản. Cả xã có 178 tàu, trong đó hơn 100 tàu trên 90 mã lực (CV) đánh bắt xa bờ, thu nhập bình quân 8 triệu đồng/lao động/tháng”. Nổi lên trong các đội tàu của xã Quỳnh Long là tàu lưới vây của anh Nguyễn Văn Minh. Anh Minh là người đầu tiên trong xã mạnh dạn đầu tư đóng tàu lớn, áp dụng kỹ thuật đi lưới vây, đánh bắt xa bờ. Năm 2013, thu nhập mỗi lao động trên tàu của anh Minh là 270 triệu đồng. Theo đánh giá của Hiệp hội nghề cá Việt Nam thì tàu Nguyễn Văn Minh có thu nhập đầu người lớn nhất cả nước, mọi người gọi anh là tỷ phú nghề cá. Anh Minh đã tạo điều kiện cho lao động có hoàn cảnh khó khăn đi trên tàu của mình 2 - 3 năm, khi có tiền xây nhà lớn và cải thiện đời sống thì nghỉ để nhường cho người khác. Hiện gia đình anh Minh có 4 tàu lớn, trị giá mỗi con tàu khoảng 4 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập cao cho trên 40 người dân trong xã.


Xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cũng là một trong những địa phương có thế mạnh về nghề biển. Cả xã có gần 300 chiếc tàu, trong đó có hơn 200 tàu trên 90 CV đánh bắt ngư trường truyền thống. Năm 2013, cả xã đã mua và đóng mới 33 tàu cá với tổng giá trị khoảng 70 tỷ đồng. Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải khẳng định: “Không trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con quê tôi đã ý thức đầu tư tàu có công suất lớn để vươn khơi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện xã có trên 100 lao động sau khi đi làm ăn ở các khu công nghiệp phía Nam quay về địa phương, cùng bố mẹ vay mượn đóng tàu ra khơi. Vì vậy, nghề cá ở Sơn Hải những năm gần đây đã phát triển mạnh mẽ. Người dân say mê với nghề, chăm chỉ bám biển, xây dựng kinh tế gia đình. Nhiều tàu đi xuyên cả Tết Nguyên đán, có chiếc thì mồng sáu Tết đã ra khơi, đánh bắt sản lượng cao, thu nhập khoảng 150 triệu đồng/chuyến, trừ chi phí mỗi lao động trên tàu thu nhập gần 10 triệu đồng, ai cũng phấn khởi”.


Ông Nguyễn Văn Dinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Quỳnh Lưu có thế mạnh về kinh tế biển, tỷ trọng nghề này chiếm 15% cơ cấu kinh tế toàn huyện. Theo thống kê, đầu năm 2014 cả huyện có 1.165 chiếc tàu, tổng sản lượng khai thác sáu tháng đầu năm 2014 là 20.699 tấn, đạt 103% so với năm 2013. Số lượng tàu đóng mới trên địa bàn quý một năm nay là 56 chiếc, mỗi chiếc có công suất từ 300 CV trở lên. Đây là dấu hiệu đáng mừng của nghề biển ở Quỳnh Lưu nói riêng và cả nước nói chung”.

 

“Sau khi Quốc hội quyết định gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng, trong đó có hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu và trang bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư... ngư dân Bình Định rất phấn khởi. Trước đó, Chính phủ cũng đã có kế hoạch giải ngân gói 10.000 tỷ đồng cho ngư dân vay với lãi suất 3% để đóng mới tàu thuyền có công suất lớn vươn khơi bám biển, điều này rất đáng mừng. Nhiều ngư dân cho biết, chưa có lúc nào Nhà nước lại quan tâm đến ngư dân như thời điểm này”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định khẳng định.


Bài và ảnh: Viết Tôn - Việt Hoàng

 

Kỳ 2: Cú hích cho nghề cá phát triển

Nghiệp đoàn nghề cá giúp ngư dân yên tâm bám biển
Nghiệp đoàn nghề cá giúp ngư dân yên tâm bám biển

Với chiều dài bờ biển gần 200 km, Bình Thuận là một trong ba ngư trường lớn nhất cả nước và là nơi có điều kiện thuận lợi, thế mạnh để phát triển kinh tế biển, đặc biệt nghề đánh bắt, khai thác thủy hải sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN