“Tiếp lửa” cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Nền kinh tế như Việt Nam muốn tăng tốc, phát triển thì việc phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp là một “mũi” nên tập trung.

Phân biệt rõ doanh nghiệp khởi nghiệp 

Việt Nam là một trong những quốc gia đang chú trọng đầu tư cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Do vậy, việc làm rõ khái niệm, tính chất của loại hình doanh nghiệp này là hết sức cần thiết, cần phân biệt doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông thường, xác định các lợi ích mà các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đem lại cho nền kinh tế. Quan trọng hơn, các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp và làm việc trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần phối hợp và phát triển, để có thể đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 

Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gồm các vườn ươm, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA) và các tổ chức khác hỗ trợ khởi nghiệp với khả năng cố vấn và đầu tư vốn mồi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. 

Hội thảo “Phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo”. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp bứt phá, phải xác định đây là loại hình doanh nghiệp đặc thù, cần có cơ chế tài chính để thu hút vốn vì vốn là tiêu chí cần thiết nhất. Chính phủ, Trung ương, ban, ngành và các cấp có thể đầu tư song hành với các Quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Tiếp đến, đơn giản hóa các thủ tục chứng nhận đầu tư để thành lập Quỹ và thủ tục công nhận Quỹ, tạo môi trường thông thoáng và không “có giấy phép con”. 

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp thường không có tiềm lực, không có điều kiện cọ xát với thị trường và luật pháp quốc tế nên cần có sự hỗ trợ về tư vấn pháp lý để yên tâm việc đưa ý tưởng của mình vào khởi nghiệp. Các thủ tục tra cứu, bảo hộ về sở hữu trí tuệ cần nhanh và thông thoáng để giúp doanh nghiệp biết nhanh công nghệ nào, sở hữu trí tuệ nào đã được bảo hộ. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp không chỉ quan tâm đến thuế doanh thu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân mà quan trọng nhất đối với cộng đồng này là thuế khi chuyển nhượng vốn và cơ chế về thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và triển khai... Vì vậy, các bộ, ngành bằng những văn bản thật cụ thể, bằng chính sách để tháo gỡ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 

Hạn chế nguy cơ thất bại 

Hiện nay được cho là thời điểm “thuận lợi” đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), nhưng không có nghĩa doanh nghiệp cứ khởi nghiệp sẽ thành công. Việc tuyển dụng nhân lực có trình độ, thiết kế, sản xuất sản phẩm đi kèm với thương hiệu, có bản quyền, xây dựng chiến lược bán hàng phù hợp với từng giai đoạn... là những vấn đề quan trọng mà các startup phải chú trọng để vượt qua khó khăn ban đầu, hạn chế nguy cơ thất bại. 

Ông Nguyễn Quốc Thịnh, Trường Đại học Thương mại cho rằng, các startup phải quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu để tạo sự khác biệt cho sản phẩm của doanh nghiệp, thương hiệu không đơn giản chỉ là logo của doanh nghiệp mà còn nhiều yếu tố khác quan trọng không kém logo. Khi phát triển tài sản thương hiệu cùng với chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp sẽ được khách hàng biết đến và hài lòng khi bỏ tiền mua sản phẩm... 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhận xét: Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tác động đa chiều của toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ thế giới sẽ mang lại cơ hội đồng thời là thách thức rất lớn cho các quốc gia đi sau như Việt Nam. Do đó, để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, Việt Nam tất yếu phải lựa chọn con đường phát triển dựa vào khoa học và công nghệ mà lực lượng trung tâm là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ hình thành và phát triển trong một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh. 

Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội, khu vực tư nhân sẽ hỗ trợ tối đa để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và hội nhập quốc tế. Hiện phong trào khởi nghiệp và các hoạt động khởi nghiệp của các cá nhân, tổ chức chưa có sự gắn kết trên quy mô rộng khắp để tạo ra tác động và ảnh hưởng lớn. Trong giai đoạn tới, Bộ thể hiện rõ quyết tâm phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nước để kết nối các thành phần trong hệ sinh thái với nhau và tiếp cận để học hỏi kinh nghiệm từ cộng đồng khởi nghiệp quốc tế. 
HL
Khởi nghiệp làm giàu của những nhà khoa học trẻ
Khởi nghiệp làm giàu của những nhà khoa học trẻ

Ngày 16/10/2016, Thủ tướng chính phủ đã bấm nút khởi động chương trình khởi nghiệp, giai đoạn 2016 – 2021 là cơ hội để thanh niên thể hiện trí tuệ sáng tạo và khát vọng đổi mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN