Tiến tới xóa bỏ việc lợi dụng chính sách bán nhà thu nhập thấp

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoàng Huy (ảnh) - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinaconex Xuân Mai - một trong những chủ đầu tư của nhiều dự án nhà thu nhập thấp xung quanh việc mua bán lại nhà này.

Là đơn vị tiên phong trên toàn quốc phát triển nhà thu nhập thấp (NTNT), ông đánh giá như thế nào về thực tế giá NTNT tại Hà Nội tiến gần sát giá bán nhà thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh?

Trước hết, cách tính giá NTNT là “tính đúng – tính đủ”. Vì vậy, những gì mà Nhà nước ưu đãi cho chủ đầu tư khi xây dựng các loại nhà ở này thì không được phép tính vào, ví dụ như khoản lớn nhất là tiền sử dụng đất.

Giá nhà ở được cấu thành bởi nhiều khoản chi phí khác nhau. Do đó, chủ đầu tư muốn có sản phẩm giá thành hợp lý phải biết lựa chọn thiết kế để có thể sử dụng các loại vật liệu, công nghệ, thiết bị... phù hợp, đảm bảo chất lượng tốt và nên chọn các nhà sản xuất trong nước. Tùy từng vị trí và thời điểm, NTNT sẽ có giá bán khác nhau. Tuy nhiên, ngoài các yếu tố chi phí, chủ đầu tư phải cân nhắc để có giá bán hợp lý. Đặc biệt, phát triển NTNT là chung tay giải quyết vấn đề an sinh xã hội nên các doanh nghiệp thậm chí còn phải cân nhắc, tính toán kỹ chi phí dự phòng và đến cả con số 10% lợi nhuận được hưởng theo quy định của Nhà nước.

Hiện nay, nhiều chung cư tại TP Hồ Chí Minh rao bán khoảng trên 10 triệu đồng/m2 nhưng giá này chưa có thuế và mức độ điều chỉnh tùy từng vị trí căn hộ. Do đó, nếu tính bình quân diện tích thì giá bán cũng phải tương đương khoảng 13 triệu đồng/m2. Sự so sánh sẽ rất khập khiễng nếu không nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện.

Thực tế cho thấy: Chủ đầu tư các nhà ở thương mại phải thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng và tính tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, khoản chi phí này chỉ chiếm khoảng 10% và chủ đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh hầu hết được cấp đất, thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng từ trước đó khá lâu nên sẽ không bị “đội giá” nhiều. Mặt khác, các dự án nhà ở phía Nam phần lớn do các công ty tư nhân đầu tư và xây dựng tự thuê lao động nên có thể tiết kiệm được chi phí trả lương, đóng bảo hiểm... Còn tại Hà Nội, do "cung" quá lệch "cầu" nên giá nhà ở thương mại bị đẩy lên cao và vượt xa so với Thành phố Hồ Chí Minh.

Mặc dù kêu ca về giá nhưng dự án NTNT vẫn quá tải lượng người đăng ký mua bởi sự chênh lệch giá giữa NTNT và nhà ở thương mại tại Hà Nội rất xa nhau. Vậy theo ông, NTNT có đến đúng đối tượng được thụ hưởng hay không?

Nếu mọi người dân đều có ý thức như tự giác, vì cộng đồng như trường hợp cậu bé 9 tuổi người Nhật Bản đứng xếp hàng chờ nhận đồ cứu trợ sau thảm họa sóng thần và động đất vừa qua thì chắc chắn người thu nhập thấp sẽ có cơ hội được ở NTNT.

Nếu sự tự giác không cao thì hệ thống pháp luật cũng khó có thể điều chỉnh và ngăn ngừa trước mọi tình huống cố tình “lách luật”. Do đó, ngoài việc tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu thì các ngành chức năng cần vào cuộc kiểm tra, “hậu kiểm” một cách sát sao, thường xuyên.

Hiện nguồn cung NTNT đang rất thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu bức xúc của xã hội về nhà ở. Vì vậy, nếu ai chưa thực sự quá cần hoặc đã có điều kiện sống tạm ổn hoặc vì một lý do gì đó mà chưa cần mua NTNT nữa (chưa thu xếp được vốn chẳng hạn...) thì cũng nên bán lại cho chủ đầu tư để phân phối cho đúng đối tượng đang có nhu cầu thực để ở chứ không nên “giao dịch ngầm”.

Vậy theo ông, giải pháp để hạn chế việc trục lợi từ chính sách bán NTNT là gì?

Ông Đặng Hoàng Huy cho biết, công ty vừa trình Sở liên ngành và thành phố Hà Nội giá bán dự kiến của 864 căn hộ thuộc các tòa nhà 19T3, 19T5 và 19T6 tại dự án NTNT Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội). Theo đó, giá bán được tạm tính là 10,6 triệu đồng/m2 chưa có thuế VAT.

Theo tôi, giải pháp quan trọng để xử lý các tình trạng sai phạm trong mua – bán NTNT cần xuất phát từ cả ba góc độ.

Thứ nhất, theo điều 19 Quyết định 34 của UBND thành phố Hà Nội ban hành, cơ quan chức năng sẽ tịch thu lại nhà và trả tiền lại cho người mua nhà nếu phát hiện người mua nhà có các sai phạm hoặc hành vi gian dối. Tuy nhiên, các quy định này chưa có đủ “sức nặng” bởi chưa kèm theo chế tài xử phạt hành chính thích đáng với các hành vi gian lận để mua NTNT. Do vậy, thời gian tới đây, Sở Xây dựng cần phối hợp với các cơ quan liên ngành thực hiện hậu kiểm như thường xuyên kiểm tra nhân khẩu thực tế sống tại dự án.

Thứ hai, hiện một số phường không thể xác nhận chính xác tình trạng sở hữu nhà ở do hệ thống kiểm tra sổ đỏ chưa liên thông toàn thành phố. Thậm chí một số cơ quan xác nhận không đúng mức thu nhập của người xin mua NTNT đã tạo kẽ hở cho một số đối tượng trục lợi từ chính sách tốt đẹp này. Vì vậy, ngay từ khâu đầu tiên, các cơ quan chức năng cần xây dựng quy trình xác nhận hồ sơ mua NTNT để giảm thiểu tối đa tình trạng nhà không đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Thứ ba, theo văn bản pháp lý quy định, NTNT là loại nhà không được bán nên các cơ quan chức năng cần sớm có các quy định xử phạt thật nghiêm các sàn giao dịch bất động sản tiếp tay cho việc môi giới, rao bán NTNT.

Việc phối hợp chặt chẽ, đồng bộ tất cả các khâu này sẽ giúp dần dần xóa bỏ tình trạng lợi dụng chính sách bán NTNT.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Thu Hằng (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN