Tiền gửi chuyển hướng sang dài hạn

Sau khi lãi suất huy động giảm về mức 11%/năm, dòng tiền gửi ngân hàng đã chuyển hướng sang gửi tiết kiệm dài hạn, thay vì ngắn hạn như trước đây. Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, xu hướng lãi suất tiếp tục giảm, vì thế kỳ hạn dài sẽ tiếp tục được nhiều người dân gửi tiền lựa chọn.

 

Tiền gửi ngân hàng tăng mạnh


Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất bình quân liên ngân hàng ở nhiều kỳ hạn giảm, đặc biệt là lãi suất qua đêm 2, 3 tuần và 2 tháng. Chỉ tính riêng thị trường liên ngân hàng ngày 29/5, lãi suất qua đêm đã giảm xuống còn 1,5 -1,8%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tuần về 2 - 2,5%/năm và lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 4 - 5%/năm, thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong khi đó, xu hướng gửi tiền đồng các kỳ hạn dài đang hình thành rõ rệt từ đầu tháng 5/2012 đến nay, khi lãi suất huy động bắt đầu hạ nhiệt.


 

Khách hàng giao dịch tại Sở giao dịch Vietcombank - Chi nhánh Thanh Hóa. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và ứng dụng kinh tế cho biết, lượng tiền trong ngân hàng đang “ứ đọng” vì khó cho vay, dù lãi suất đã giảm. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn “than vãn” lãi suất vẫn còn cao so với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Theo đó, dự kiến từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ còn tiếp tục giảm nữa để “cứu” doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa, lãi suất huy động sẽ giảm còn khoảng 10%/năm.


Trước tình hình trên, nhiều người dân đã đổ xô gửi tiết kiệm dài hạn, thay vì ngắn hạn như trước nay. Điều này đã giúp cho dòng tiền chảy mạnh vào ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng lớn. Chỉ tính ngày 28/5, ngày đầu tiên trần lãi suất huy động 11%/năm chính thức có hiệu lực, lượng khách hàng gửi tiền tại nhiều chi nhánh, phòng giao dịch (PGD) của các ngân hàng như Agribank, Vietcombank, ACB, DongAbank, Vietinbank, ABBank khu vực các quận 1, 3, Tân Bình, Tân Phú (TP.HCM) đều đông hơn trước.


Chị Yến Minh, khách hàng gửi tiền tại Ngân hàng ABBank, chi nhánh quận 3 cho biết: “Trong khi các kênh đầu tư như vàng, USD, chứng khoán, bất động sản vẫn còn bấp bênh thì gửi tiết kiệm là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả nhất. Rút kinh nghiệm đầu tháng 4 vừa qua, do chủ quan nên tôi chỉ gửi kỳ hạn 2 tháng khi lãi suất còn 13%. Thế nhưng, trong khi chưa hết kỳ hạn thì lãi suất đã xuống còn 11%. Vì thế, hết tháng này tôi quyết định rút số tiền gửi ngắn hạn 2 tháng chuyển sang kỳ hạn 1 năm đề phòng lãi suất giảm tiếp…”.


Đại diện của Vietinbank cũng thừa nhận, 4 tháng trở lại đây, dòng tiền chuyển hướng từ ngắn hạn sang dài hạn đã nhộn nhịp hơn. Tiền gửi dài hạn trên 1 năm đã tăng 30% so với cùng kỳ năm 2011 và hiện đang tiếp tục có xu hướng tăng. Tại một số ngân hàng có hội sở tại TP.HCM như Eximbank, ACB cũng có tình hình huy động tiền đồng tương tự. Phần lớn các khách hàng đã chuyển sang gửi tiết kiệm theo kỳ hạn tháng, còn những khách hàng trước đây gửi theo tháng, phần nhiều đều chuyển lên kỳ hạn lâu hơn để... cố định lãi suất. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng xác nhận: “Cơ cấu vốn huy động dài hạn trên ngắn hạn đang diễn biến tốt so với năm 2011, tiền đồng từ khu vực dân cư tăng, các kỳ dài hạn cũng tăng”.

 

Bán USD gửi tiết kiệm tiền đồng


Đáng chú ý, nhiều người dân còn đổ xô bán USD gửi tiết kiệm tiền đồng trong 2 tháng gần đây, đẩy số dư tiền gửi trong hệ thống ngân hàng tăng đột biến. Theo báo cáo của NHNN tuần từ 21 – 25/5, thị trường ngoại hối cũng diễn biến tương đối tích cực. Thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống ở trạng thái tích cực khi hoạt động mua bán diễn ra thông suốt, các tổ chức tín dụng tiếp tục mua ròng từ khách hàng. Trạng thái ngoại tệ toàn hệ thống tiếp tục đạt mức dương trong cả tuần. Thống kê giao dịch liên ngân hàng, tổng doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND đạt 56.361 tỷ đồng, bình quân khoảng 11.272 tỷ đồng/ngày.


Lý giải vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, do chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD hiện nay khá lớn, lên tới 10%/năm nên một bộ phận người dân đã bán USD gửi tiền đồng hưởng lãi suất cao. Ngoài ra, trong những tháng đầu năm 2012, cung ngoại tệ tăng mạnh trong khi thị trường vàng thời gian qua khá trầm lắng đã đẩy giá USD trượt dốc.


Tuy nhiên, trước việc nguồn vốn huy động ngoại tệ tụt giảm trong khi NHNN vừa “nới” tín dụng ngoại tệ, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về khả năng cung ứng của các NHTM. Nhưng theo các chuyên gia tài chính, nhu cầu ngoại tệ sẽ không lớn trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn kéo cầu đầu tư, tiêu dùng giảm mạnh. Hơn thế, trạng thái ngoại hối đang được cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây và thậm chí có hiện tượng dư ngoại tệ trong ngân hàng.


Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng không phải ngân hàng nào cũng huy động nguồn vốn thuận lợi, đặc biệt là đối với những ngân hàng nhỏ. Như các nhà băng Habubank, VietABank, SCB, Western Bank, DaiABank… liên tục tung ra chương trình bốc thăm trúng thưởng hiện vật giá trị lớn như: nhà, xe hơi, kim cương, trang sức đá quí... để cố gắng hút vốn từ thị trường.


Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN