Thủy điện phải đạt nhiều mục tiêu ngoài điện

Đối với phát triển thủy điện, một số nơi đặt nặng lợi ích phát điện mà chưa chú trọng đúng mức lợi ích của các bên liên quan đến cấp nước, điều tiết dòng chảy phục vụ sản xuất, bảo đảm cuộc sống cho người dân vùng hạ du.


Tại Hội nghị thảo luận báo cáo giữa kỳ về tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về vấn đề thủy điện do Bộ Công Thương tổ chức hôm qua (6/8), Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng (ảnh) yêu cầu, phải cân nhắc giữa lợi ích kinh tế của thủy điện với vấn đề môi trường và lợi ích của người dân.

 


Bất cập trong phòng, chống lũ


Theo ông Đặng Huy Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), đến nay đã có 36/38 địa phương báo cáo kết quả rà soát, đánh giá quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án thủy điện theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng:

Qua triển khai 6 tháng Nghị quyết 11 của Chính phủ về đánh giá quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án thủy điện thì đã tạo chuyển biến đối với lĩnh vực thủy điện, từ việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đến chấn chỉnh, lựa chọn chủ đầu tư, trách nhiệm của chủ đầu tư trong tái định cư, trồng rừng…

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều hạn chế về nhận thức đối với vai trò điều hành, quản lý các công trình thủy điện. Một số nơi đặt nặng lợi ích phát điện mà chưa chú trọng đúng mức lợi ích của các bên liên quan đến cấp nước, điều tiết dòng chảy phục vụ sản xuất, bảo đảm cuộc sống cho người dân vùng hạ du. Việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về trồng bù rừng đối với các diện tích rừng bị thu hồi cho dự án thủy điện và thủy lợi, vấn đề đền bù di dân tái định cư... vẫn chưa như mong muốn. Những dự án giao cho các tập đoàn, tổng công ty lớn làm chủ đầu tư thì việc thực hiện các quy định nhìn chung là tốt; ngược lại các chủ đầu tư dự án nhỏ (dưới 30 MW công suất thiết kế) thì còn chưa nghiêm túc từ khâu thiết kế đến thực hiện nghĩa vụ với địa phương, với Nhà nước.

Để chấn chỉnh việc thực hiện các quy định về xây dựng, vận hành thủy điện, Bộ Công Thương sẽ tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc và nghiêm khắc xử lý các trường hợp sai phạm, xử lý theo đúng pháp luật. Trước đây, quy trình vận hành liên hồ chứa giao cho các chủ hồ thì hiện đã giao cho các tỉnh. Mặc dù với sự điều hành của các địa phương thì quy trình vận hành liên hồ chứa có thể sẽ tốt hơn nhưng vẫn cần sự trao đổi, phối hợp kĩ càng giữa các địa phương với Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên - Môi trường. Bên cạnh đó, cần có sự giám sát chặt chẽ hơn ở tất cả các khâu từ thiết kế, thi công, vận hành thủy điện, nhất là với những dự án nhỏ để hạn chế khả năng xảy ra rủi ro.

Việc rà soát đã cho thấy các dự án, công trình thủy điện trên cả nước đã bộc lộ một số bất cập. Đó là, trong vấn đề quản lý an toàn đập, có 48 đập trên tổng số 58 đập của các nhà máy có công suất lắp máy trên 30 MW được kiểm định; với các nhà máy có công suất dưới 30 MW, mới có 80 đập được kiểm định hoặc kiểm tra lại trong số 154 đập đến hạn hoặc quá kỳ kiểm định…


Làm rõ hơn về vai trò phòng chống lũ của các thủy điện, ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên - Môi trường) cho biết, ngoài lưu vực sông Hồng, sông Mã có thiết kế các hồ có nhiệm vụ chống lũ cho hạ du, thì tại 9 lưu vực sông còn lại của nước ta, các hồ thủy lợi đều không có nhiệm vụ chống lũ cho hạ du mà chỉ tham gia giảm lũ. Bên cạnh đó, so với tổng dung tích các hồ chứa trên các lưu vực sông, đặc biệt là từ sông Cả trở vào đến sông Đồng Nai, tổng dung tích các hồ thủy điện, thủy lợi so tổng dung tích lũ là rất nhỏ, nên việc cắt lũ cho hạ du là rất khó khăn và các hồ chỉ có tác dụng giảm lũ.

Vì vậy, Bộ Tài nguyên - Môi trường quy định các hồ thủy điện phải yêu cầu các hồ thủy điện dành một phần dung tích tham gia giảm lũ cho hạ du. Bên cạnh đó, cần có cơ chế tài chính để các hồ tham gia chống, giảm lũ trong trường hợp vì thực hiện mục tiêu này mà giảm lượng điện cung cấp.


Ông Châu Trần Vĩnh cho biết thêm, theo quy định, Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ dự báo lũ trên toàn hệ thống, còn các chủ hồ phải tổ chức quan trắc, dự báo lượng nước về hồ. Bộ Công Thương cần chỉ đạo các chủ hồ thủy điện tăng năng lực cảnh báo, dự báo, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để ứng phó hiệu quả hơn với lũ lụt.


Có chế tài với “trốn” trồng bù rừng và đóng dịch vụ môi trường rừng


Theo ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, hàng năm, số thu từ dịch vụ môi trường rừng (để góp phần bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng sông hồ, điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện…) của địa phương là hơn 200 tỷ đồng nhưng có thực tế là có một số nhà máy không thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam khó đòi. Trong khi đây là khoản tiền không phải của nhà máy mà của người sử dụng điện. Do đó, cần phải có chế tài với những doanh nghiệp “bầy nhầy” như vậy.

Hiện nay, cả nước có 284 công trình thủy điện đang vận hành phát điện; 204 dự án đang thi công xây dựng và dự kiến vận hành vào năm 2017; 250 dự án đang nghiên cứu đầu tư; còn lại 78 dự án chưa nghiên cứu đầu tư, chưa có nhà đầu tư đăng ký, chủ yếu có quy mô nhỏ đang được tiếp tục rà soát về hiệu quả kinh tế. Đến nay, sau khi rà soát, Bộ Công Thương và các địa phương đã tiếp tục loại khỏi quy hoạch 12 dự án thủy điện nhỏ.

Chẳng hạn như khi cơ quan mua điện trả cho nhà máy cung cấp thì trích tiền trả vào một tài khoản để trả cho khoản dịch vụ này. Bên cạnh đó, cũng theo ông Quảng, khoản phí dịch vụ môi trường rừng hiện chỉ 20 đồng/kWh điện thương phẩm hiện nay là quá thấp. Do vậy, cần có lộ trình khi tăng giá điện thì khoản phí này tăng theo hoặc điều chỉnh lên 30 - 40 đồng/kWh để tăng số tiền hỗ trợ đồng bào dân tộc giảm bớt khó khăn trong việc giữ rừng. “Việc 90 triệu người dùng điện trả thêm ít tiền cho khoản này sẽ hỗ trợ, giúp đỡ nhiều cho đồng bào dân tộc, thiểu số trong việc này”, ông Quảng nói.


Trong công tác thực hiện trồng rừng thay thế, theo Bộ Công Thương, hầu hết các chủ đầu tư chưa thực hiện hoặc đang lập phương án trình để trình phê duyệt. Tính đến hiện tại, số dự án thủy điện trên cả nước mới thực hiện trồng rừng thay thế được hơn 1.200 ha trong số gần 19.800 ha phải trồng bù…

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, trong vấn đề này cần phải thể hiện rõ quan điểm là lấy đi bao nhiêu ha rừng thì phải trả lại đúng bấy nhiêu. Để làm được điều này cần quy rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cần sớm có hướng dẫn và chế tài xử lý các đơn vị không thực hiện quy định này.


Ưu tiên ổn định đời sống người dân


Theo ông Hoàng Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, dự thảo báo cáo của Bộ Công Thương cho rằng khi lập và thực hiện quy trình hồ chứa, liên hồ chứa phải tạo sự đồng thuận và hài hòa lợi ích các bên liên quan nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối công trình và đời sống người dân trong khu vực. Tuy nhiên, điều này chưa hoàn toàn chính xác và cần phải thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước là ổn định đời sống nhân dân và thuận lợi cho họ tổ chức sản xuất ổn định.

 

Chia sẻ quan điểm này, ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, để bảo đảm an toàn cho người dân, các công trình thủy điện cần thiết phải có hệ thống cảnh báo hiện đại cho phía hạ du khi xả lũ. Hiện nay, cách làm thủ công và thông tin đến dân rất khó khăn. Nếu không thực hiện được thì không thể tránh khỏi hậu quả đáng tiếc cho người dân.

 

Theo ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, trong chuyến đi khảo sát tại nhiều tỉnh miền núi sau cơn bão số 2 vừa qua, cho thấy, lũ do ảnh hưởng bởi thủy điện nhiều dẫn tới lũ chồng lũ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Do vậy, nếu có hệ thống cảnh báo thì “tuyệt vời”. Do vậy, báo cáo cần phải đặt lợi ích, an toàn tính mạng, đời sống người dân lên trước thay vì đưa trong báo cáo hiện nay là bảo đảm hài hòa lợi ích các bên. Liên quan đến chính sách tái định cư những kết quả nêu trong báo cáo là tích cực nhưng cần đánh giá xác thực hơn về đất sản xuất, đất ở của người dân bởi những con số đó gây “nghi ngờ” vì thực tế kiểm tra con số đó không được.

 

Nhiều vấn đề về đời sống của người dân cần giải quyết, đặc biệt việc tái định cư. Việc hậu tái định cư cũng chưa có hướng dẫn do Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn khai chậm khi mà nhiều năm chưa có chính sách và vẫn đang chờ trình lên cấp có thẩm quyền. Do vậy, trong báo cáo cũng cần phải làm rõ nội dung này.


Thu Hường - Nam Hoàng

Hậu quả do xây dựng tràn lan nhà máy thủy điện
Hậu quả do xây dựng tràn lan nhà máy thủy điện

Việc xây dựng các nhà máy thủy điện tràn lan đã và đang trở thành “hội chứng quốc gia” với những hậu quả rất khó lường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN