Thương vụ Hoa Kỳ: Đa năng trong hỗ trợ doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ

Có thể khẳng định rằng năm 2013 là năm thắng lợi cho xuất khẩu của Việt Nam nói chung và xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ nói riêng. Dự kiến, với con số xuất khẩu lần đầu tiên vượt mốc 25 tỷ USD, Việt Nam sẽ xuất siêu sang Hoa Kỳ khoảng 20 tỷ USD.

Không chỉ làm “tai mắt” thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam, các thương vụ còn làm tốt vai trò đầu mối thông tin để tham mưu với Chính phủ về xu hướng liên kết kinh tế . Ông Đào Trần Nhân - Tham tán công sứ thương mại – Trưởng đại diện cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã chia sẻ trong cuộc trao đổi nhanh với phóng viên TTXVN bên lề Hội nghị Tham tán thương mại vừa được Bộ Công Thương tổ chức.

Ông Đào Trần Nhân. Ảnh: thoibaotaichinhvietnam.vn


PV: Năm 2013 sắp kết thúc với kết quả xuất khẩu khả quan. Xin ông đánh giá khái quát về tình hình xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ?

Ông Đào Trần Nhân: Có thể nói năm 2013 đánh dấu thắng lợi của xuất khẩu Việt Nam nói chung cũng như xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ nói riêng. Tổng xuất khẩu của Việt Nam năm 2013 dự kiến đạt 133 tỷ USD. Đặt tốc độ tăng trưởng 16,6%, riêng đối với thị trường Hoa Kỳ sau 11 tháng đạt 23,5 tỷ USD. Dự kiến năm 2013 kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên vượt qua 25 tỷ USD đạt tốc độ tăng trưởng 22,5%. Với việc Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ khoảng hơn 5 tỷ USD, Việt Nam sẽ xuất siêu sang Hoa Kỳ 20 tỷ USD trong năm nay.

Thông thường, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ thường chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước nên con số xuất siêu này không chỉ có ý nghĩa đánh dấu một năm thắng lợi của xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ mà còn đóng góp rất lớn vào việc cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam trong năm 2013 này.

PV: Chuẩn bị bước sang năm 2014, ông nhìn nhận thế nào về cơ hội và thách thức của xuất khẩu cho doanh nghiệp sang thị trường này?

Ông Đào Trần Nhân: Hoa Kỳ là thị trường lớn và đa dạng, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và còn nhiều tiềm năng để ta có thể khai thác nhưng lại có hệ thống luật pháp rất chặt chẽ và phức tạp, chịu nhiều ảnh hưởng của các nhóm lợi ích và mang đặc trưng của ảnh hưởng chính trị. Vì vậy, thương mại với Hoa Kỳ không phải là thương mại thông thường mà là thương mại chính trị. Trong quan hệ thương mại giữa hai nước thường xuyên phát sinh các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và các đợt rà soát hành chính đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, một mảng công tác lớn của Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ là phải đương đầu với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, hỗ trợ pháp lý, giải quyết ách tắc cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.

Đơn cử như mặt hàng tôm, sau một thời gian chống lại các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC), vào tháng 9 năm nay, ngành tôm đã đón nhận 2 quyết định quan trọng là kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 7 đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ giai đoạn từ ngày 1/2/2011 đến 31/1/2012. Theo đó, toàn bộ 33 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam tham gia xem xét lần này đều được công nhận không bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ và nhận mức thuế chống bán phá giá 0%.

Bên cạnh đó, cuối tháng 9, ITC cũng đã phủ quyết quyết định áp thuế chống trợ cấp 4,52% của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đối với tôm Việt Nam trong vụ kiện chống trợ cấp do ngành tôm nội địa Hoa Kỳ khởi xướng vào cuối tháng 12/2012. Nhờ thoát khỏi những cáo buộc này, mặt hàng tôm đã có sự tăng trưởng xuất khẩu vượt bậc và xuất sắc, trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm đến 50% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước với kim ngạch cả năm 2013 đạt 2,8 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ.

Vì vậy, năm 2014 thị trường Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường lớn và quan trọng cho Việt Nam. Theo ước tính của Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Việt Nam sẽ duy trì tăng trưởng xuất khẩu vào Hoa kỳ dự tính tăng khoảng 10% trong năm 2014 tới đây. Mặc dù như vậy, thì xuất khẩu vào thị tường Hoa Kỳ luôn gặp khó khăn về rào cản thương mại, vụ kiện chống bán phá giá, trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó có các mặt hàng rất quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam như thủy sản: tôm, cá tra, cá basa hay các mặt hàng may mặc là những mặt hàng đạt kim ngạch lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chiếm tỷ trọng rất lớn. Đây sẽ là những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt trong năm 2014 và những năm tới.

PV: Xin ông cho biết để có thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước những rào cản thương mại thì Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã có giải pháp gì để tư vấn cho doanh nghiệp?


 Ông Đào Trần Nhân: Vừa qua, thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã phối hợp rất tốt đối với các ngành hàng, doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp lớn đang theo đuổi các vụ kiện, sát cánh cùng doanh nghiệp tham gia từng vụ tranh tụng và cùng luật sư tư vấn cho doanh nghiệp chống lại rào cản, vụ kiến chống bán phá giá. Tuy nhiên, để tháo gỡ các khó khăn liên quan đến tranh chấp thương mại, trong thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã phối hợp rất tích cực với các Hiệp hội, ngành hàng của Việt Nam cũng như với từng doanh nghiệp để giúp đỡ doanh nghiệp chống lại rào cản đến từ các vụ kiện. Riêng về vấn đề này, Thương vụ đánh giá cao sự phối hợp của các doanh nghiệp với cơ quan Thương vụ bởi chính sự đoàn kết, phối hợp này đã giúp chúng ta thoát khỏi những vụ kiện nhanh chóng nhất.

PV: Xin ông cho biết thêm về nhiệm vụ trong tâm của Tham tán thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đối với việc giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu và trong đàm phán hiệp định TPP?

Ông Đào Trần Nhân: Hàng năm phía Hoa Kỳ có báo cáo thường niên về rào cản thương mại của các nước trong đó có Việt Nam. Theo đó, Thương vụ cũng đã có báo cáo cho Bộ Công Thương và bộ ngành liên quan về các báo cáo về rào cản thương mại của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Ngoài ra các chính sách mới được ban hành liên quan đến xuất khẩu của Việt Nam ví dụ như luật hiện đại hóa về an toàn vệ sinh thực phẩm liên quan đến hàng rào kỹ thuật về hàng xuất khẩu của Việt Nam thì thương vụ cũng có nghiên cứu rất sâu về luật này để thông báo trong nước và kiến nghị cho các bộ ngành liên quan để có phổ biến giới thiệu, tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp luật mới này.

Hiện nay công việc này được Thương vụ tiến hành thường xuyên để thông báo tất cả các chính sách, luật lệ mới liên quan đến hàng rào kỹ thuật, hàng rào khác liên quan đến xuất khẩu của Việt Nam. Trên thực tế, trong các cuộc đàm phán Hiệp định thương mại, đặc biệt với các đối tác thương mại lớn, các thương vụ đã góp sức tích cực để đàm phán sao có lợi cho đất nước, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích từ những hiệp định này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!



Uyên Hương
Bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam
Bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam

Trong thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện các thương lái nước ngoài thu gom trái cây của Việt Nam, sau đó nhúng hóa chất rồi xuất sang Trung Quốc, Indonesia và một số nước. Việc làm này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới thương hiệu, uy tín của nông sản Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN