Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt nhiều tiến triển mạnh mẽ

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, sau gần 30 năm kể từ khi hai quốc gia bình thường hóa quan hệ năm 1994, sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được nhiều tiến triển mạnh mẽ, thực chất trong nhiều lĩnh vực, trên cả bình diện song phương và đa phương.

Chú thích ảnh
Chiều 13/9, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ. Diễn đàn nằm trong khuôn khổ chuỗi Sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” năm 2023, do Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Cụ thể, trong lĩnh vực kinh tế, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều liên tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng ở mức cao, tăng hơn 275 lần, từ mức khoảng 450 triệu USD lên tới 124 tỷ USD (năm 2022). Hoa Kỳ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Năm 2022, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ.

Về cơ chế hợp tác, hai nước đã ký kết nhiều hiệp định, văn bản, thỏa thuận và đặc biệt mới đây, hai nước đã chính thức nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện. Đây thực sự là cột mốc lịch sử trong quan hệ song phương. Vừa qua, tình hình kinh tế khó khăn và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại Hoa Kỳ làm cho sức mua các mặt hàng tiêu dùng giảm đáng kể, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ giảm trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, sự sụt giảm này được đánh giá mang tính thời điểm chứ không phải là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới.

“Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong những tháng gần đây cho thấy sự khởi sắc đáng kỳ vọng cho năm 2023. Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống và có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử… được đánh giá sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tích cực”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ chiều 13/9.

Vì vậy, diễn đàn sẽ mang lại cơ hội quan trọng để các nhà quản lý, chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp hai nước thảo luận thẳng thắn về những lĩnh vực tiềm năng và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện của chuỗi cung ứng ngành hàng không và năng lượng. Từ đó, góp phần tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước xây dựng chiến lược tiếp cận, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước theo hướng cân bằng và bền vững.

Đại diện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ, ông Maxime Dourdan, Giám đốc Phát triển chuỗi cung ứng của Boeing khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết, tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ còn khá lớn. Cụ thể, Việt Nam là thị trường tiềm năng và có vị trí quan trọng đối với chiến lược kinh doanh của Boeing. Thông qua việc hợp tác sẽ giúp doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam có thêm nhiều cơ hội và khả năng hợp tác lâu dài hơn. Việc hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam còn giúp Boeing thực hiện thành công kế hoạch phát triển đầu tư và kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.

"Sắp tới, Boeing sẽ tập trung vào 3 định hướng chính gồm: làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại trong lĩnh vực hàng không với các hãng hàng không tại Việt Nam; hợp tác trong một số lĩnh vực đặc thù như máy bay trực thăng, vận tải; đầu tư phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không tại Việt Nam", ông Maxime Dourdan cho biết thêm. 

 

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ sau công bố POR19
Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ sau công bố POR19

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho biết vừa nhận được kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 19 (POR19) đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ từ ngày 1/8/2021 đến 31/7/2022 do Văn phòng Đăng ký liên bang Hoa Kỳ (Federal Register) công bố (ngày 9/7/2023) với kết quả tích cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN