Thương mại điện tử-Bài cuối: 'Người dân đã hết sức thiếu cảnh giác'

Lôi kéo thành viên tham gia mở gian hàng trên các website thương mại điện tử để huy động lượng tiền mặt lớn từ mạng lưới người tham gia. Đây là một chiêu thức mà Công ty Cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (MB24) đã thực hiện để lừa đảo trên quy mô cả nước trong thời gian qua.

 

Vụ việc này bị phát hiện đã khiến dư luận hết sức lo lắng về tính minh bạch của hoạt động thương mại điện tử. Tuy nhiên, chính Bộ Công Thương đã thừa nhận, vẫn còn hơn 40 công ty kiểu như MB24 đang hoạt động.


Để làm rõ hơn về những chiêu thức kinh doanh lừa đảo qua mạng và việc quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử, phóng viên Báo Tin tức đã trao đổi với ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương).


Cơ quan CSĐT đọc lệnh khởi tố bắt tạm giam nhiều nhân vật đứng đầu MB24.


 ´Thưa ông, từ vụ việc MB24, ông có khuyến cáo gì để người dân không bị mắc lừa khi tham gia các hoạt động kinh doanh trên mạng?


Gần đây, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin liên tục nhận được phản ánh của các tổ chức và cá nhân về hoạt động của một số doanh nghiệp lợi dụng thương mại điện tử để huy động lượng tiền mặt lớn từ mạng lưới người tham gia, với mô hình hoạt động có nhiều điểm không minh bạch.


Cách thức hoạt động điển hình của những doanh nghiệp dạng này là thiết lập một website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, trên đó cho phép những thành viên đã nộp tiền được mở một gian hàng ảo để giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Sau khi đóng một khoản phí ban đầu thì bên cạnh việc được mở gian hàng ảo trên website, mỗi thành viên được thêm quyền lợi là giới thiệu những nguời khác tham gia mua gian hàng ảo và hưởng hoa hồng vài chục phần trăm cho mỗi hợp đồng mà mình giới thiệu.


Do mức hoa hồng hấp dẫn và cơ chế phân chia hoa hồng đa cấp, phần lớn những người nộp phí mua gian hàng ảo trên website đều hướng tới mục tiêu thu lợi nhuận từ hoạt động giới thiệu, lôi kéo người khác tham gia thay vì để tiến hành kinh doanh trên những gian hàng này.


Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin không xác nhận đăng ký dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của Thông tư 46/2010/TT-BCT cho những doanh nghiệp hoạt động theo mô hình nêu trên. Do đó, chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng khi tham gia những website này và kêu gọi các cá nhân, tổ chức phản ánh hoạt động kinh doanh không đúng pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử với cơ quan chức năng để có hướng xử lý.


´Theo quy định, các sàn giao dịch phải có hồ sơ gửi Cục Thương mại điện tử, được đồng ý mới hoạt động. Nhưng tại sao hiện vẫn có nhiều sàn chưa có phép vẫn hoạt động. Như mô hình MB24, khi vỡ lở, dân thiệt hại rồi sàn mới dừng hoạt động, thưa ông?


Theo quy định, các doanh nghiệp muốn mở sàn giao dịch phải đăng ký với Bộ Công Thương. Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin là cơ quan trực tiếp phụ trách, quy trình xử lý của chúng tôi rất công khai. Doanh nghiệp nào được đồng ý cho đăng ký, đơn vị nào không được đăng ký đều được công khai trên trang web của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (http://www.vecita.gov.vn). Người dân hoàn toàn có thể vào đó để kiểm tra. Với doanh nghiệp chưa được đăng ký mà người dân vẫn tham gia thì người dân đã hết sức thiếu cảnh giác. Rõ ràng là trước một phương thức kinh doanh mới, người tiêu dùng cần trang bị những kiến thức nhất định trước khi quyết định mua bán.


´Hiện còn khoảng 40 doanh nghiệp đang kinh doanh kiểu mô hình MB24, nhiều người dân đã thiệt hại. Vậy biện pháp xử lý của Cục với vấn đề này như thế nào?


Với mô hình MB24, công ty sở hữu sàn giao dịch này đã có đề nghị lên Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin để cho đăng ký nhưng do chúng tôi đã phát hiện những vấn đề qua hồ sơ đăng ký nên không chấp nhận.


Trong điều kiện pháp lý hiện tại, bản thân cục cũng chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan để thường xuyên phát hiện, chủ động cảnh báo các hoạt động thương mại điện tử có thể gây tác động xấu. Hơn nữa, với việc xử lý, bắt các cá nhân liên quan đến MB24 vừa qua, tôi tin gần 40 doanh nghiệp liên quan đến mô hình kinh doanh tương tự sẽ phải ý thức rõ hơn về trách nhiệm của họ với hoạt động kinh doanh.


Chúng tôi cũng đang xây dựng Nghị định mới về thương mại điện tử. Nghị định mới sẽ quy định chi tiết hơn về các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, các đối tượng cũng như nguyên tắc hoạt động thương mại điện tử, các bước để được kinh doanh... Quan điểm của chúng tôi khi xây dựng nghị định mới là phải bám sát được thực tiễn, theo kịp tốc độ phát triển thương mại điện tử đang diễn ra.


Hiện chúng tôi đã hoàn thiện dự thảo nghị định, đã đưa ra công khai lấy ý kiến nhân dân. Dự kiến đến tháng 12/2012, Bộ Công Thương sẽ chính thức trình Chính phủ dự thảo nghị định để Chính phủ thảo luận, thông qua.


Xin cảm ơn ông!

 


Thu Hường - Lê Nghĩa

Thương mại điện tử - Bài 2: Càng dễ dãi, càng rủi ro
Thương mại điện tử - Bài 2: Càng dễ dãi, càng rủi ro

Gần đây, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) nhận được nhiều khiếu nại của người tiêu dùng mua hàng qua mạng về chất lượng hàng hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN