Thương lái 'làm giá' mía đường

Dư thừa hơn 600.000 tấn đường, giá tại các nhà máy bán thấp trong khi giá đường đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao khiến dư luận hoài nghi về việc "làm giá" đường của các thương lái. Để chấm dứt "bài ca" diễn di diễn lại nhiều năm nay, các chuyên gia cho rằng phải có hệ thống phân phối chuyên nghiệp, kết nối trực tiếp được với nhà máy sản xuất. Đồng thời, cần thiết phải có một nghị định về quản lý mía đường.

 

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, thị trường đường thế giới giảm giá và nguồn cung dư thừa đã ảnh hưởng đến thị trường đường trong nước. Tính đến 3/5/2013, lượng đường tồn kho của cả nước ước đạt trên 600.000 tấn.


Người trồng mía vẫn bị động khi bị áp đặt về giá mía.


Theo nhận định của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng tồn kho đã tới đỉnh. Từ nay đến hết tháng 8/2013, lượng đường tồn kho này khó có thể tiêu thụ hết được trước khi vào niên vụ sản xuất mới. Bởi, trung bình 1 tháng, cả nước tiêu thụ khoảng trên 100.000 tấn. Nếu tính mức tiêu thụ vượt mức trung bình này thì mỗi tháng khó có thể tiêu thụ hết 150.000 tấn.


Thừa đường, giảm giá bán là chuyện dễ hiểu, thế nhưng giá cả các loại đường trên thị trường Việt Nam vẫn không giảm, thậm chí đến tay người tiêu dùng giá bị đội lên nhiều lần.


Tuy nhiên, Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, giá đường tinh luyện những ngày qua vẫn đứng ở mức cao 21.000 - 22.000 đồng/kg, đường tinh luyện của Biên Hòa còn ở mức 22.500 đồng/kg. Còn tại các chợ và cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội, giá loại đường tinh luyện từ 22.000 - 24.000 đồng/kg tùy từng khu vực.


Theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, hệ thống siêu thị ở Hà Nội thường phải mua đường qua trung gian là các đại lý cấp 1, cấp 2. Do vậy, qua mỗi cấp đại lý lại "đội" giá lên một lần khiến giá đường bán ra cho người tiêu dùng ở mức cao.


Lý giải vấn đề này, ông Hà Hữu Phái, đại diện Hiệp hội mía đường Việt Nam tại Hà Nội cho rằng, từ nhiều năm nay quan hệ mua bán, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm của các nhà máy đường với các đại lý đã có "quá trình hợp tác" qua lại. Tất nhiên, nhà máy muốn tiêu thụ được sản phẩm lâu nay đều qua khâu trung gian là thương lái. Mà đã là thương lái làm ăn phải tính toán lợi nhuận. Do đó, việc chênh lệch giá như trên khó tránh khỏi. "Chỉ khi nào Việt Nam có hệ thống phân phối bán lẻ chuyên nghiệp như một số nước phát triển. Các nhà máy sản xuất ra bán trực tiếp cho các siêu thị và các kênh phân phối bán lẻ khác thì giá cả mới được ổn định", ông Phái nhấn mạnh.


Cũng theo ông Phái "bài ca" về giá đường bị các thương lái đẩy giá lên đã lặp đi lặp lại nhiều năm nay. Để hạn chế và khắc phục tình trạng này thì trong năm 2013 này, Hiệp hội mía đường Việt Nam sẽ cùng với Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xúc tiến xây dựng Nghị định về quản lý mía đường.


Trong Nghị định đề ra các giải pháp để ổn định sản xuất, kiểm soát giá mía đường tốt hơn. Cùng với đó, Nghị định cũng sẽ đề cập đến các chính sách về trồng mía, công tác đầu tư nghiên cứu khoa học, hỗ trợ người nông dân. Đặc biệt, trong giao dịch giữa nhà máy với nông dân sẽ có sự minh mạnh, công bằng hơn và chia sẻ quyền lợi, không để tình trạng nhà máy áp đặt về thu mua mía còn nông dân thì bị động như hiện nay.



Bài và ảnh: Hữu Oanh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN