Thương hiệu mang tên “135”

Đến bất kỳ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên cả nước đều nhận thấy những đổi thay mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Sự chuyển biến đó là minh chứng cho hiệu quả từ sự đầu tư từ các chương trình, dự án, trong đó cái tên “Chương trình 135” - đã nằm lòng trong mỗi người ở các thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, biên giới, hải đảo.

Người dân được hưởng lợi

Dẫn chúng tôi đi thăm các công trình cầu cứng và cầu ngầm, cán bộ địa chính xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) Hà Ngọc Thiện bảo: Từ khi xây dựng xong mấy cây cầu bắc qua suối này bà con đi lại rất thuận lợi. Ô tô có thể đi vào tận các bản, nên nông sản của bà con được bán dễ dàng hơn, không còn cảnh phải lội suối hay bị chia cắt khi mưa lớn. Không chỉ có giao thông đi lại thuận lợi, ở Sơn Lương (một trong 16 xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn), nơi có trên 60% là đồng bào Thái sinh sống, chúng tôi còn gặp nhiều công trình hạ tầng thiết yếu được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135 như phòng học, lưới điện, giếng nước ở khắp 10 thôn, bản trong xã.

Nhờ chính sách hỗ trợ máy nông cụ nhiều hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số đã đầu tư cơ giới hóa phát triển sản xuất.

Cách đây chừng 5 - 6 năm thôi, đồng bào ở Sơn Lương còn nghèo lắm. Chương trình 135, xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm, nên xã mới có bộ mặt đổi mới như hôm nay. Điều đáng mừng hơn, hôm nay đời sống của đại đa số hộ đồng bào Thái, Mường, Dao, Tày trong xã đã được cải thiện rất nhiều. Chị Lường Thị Linh, thôn Bản Sẻ cho biết: “Trước đây, đời sống của người dân chúng tôi khổ lắm! Từ khi có Chương trình 135 và các chương trình chính sách khác như hỗ trợ xây dựng nhà ở, điện thắp sáng, trường học, nước sinh hoạt, nhất là xây dựng các cầu, cống, kênh mương thủy lợi, nên đời sống của người dân đã thật sự đổi thay”.

Hơn 10 năm trước, người dân trong vùng ai không biết ông Thạch Đê, ở ấp Ba Mến A, xã An Trạch A, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) năm nào cũng nuôi hàng ngàn con vịt, nhưng khi dịch bệnh tràn về khiến đời sống của gia đình ông gặp nhiều khó khăn do phần vịt bị chết, phần thì bán mất giá. Ông Đê lâm vào cảnh nợ nần, gia đình có 5 công đất ruộng cũng phải cầm cố để trả nợ. Gia đình ông từ hộ khá giả trở thành hộ nghèo của xã, quanh năm phải đi làm thuê, làm mướn. Năm 2015, Chương trình 135 như cái phao cứu ông giữa dòng nước xiết, ông được hỗ trợ vay 3 triệu đồng để đầu tư sản xuất, địa phương tạo điều kiện cho ông tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua bò giống chăn nuôi.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh sách 2.275 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu của 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm giai đoạn 2016 - 2020.

Giáp Tết Bính Thân 2016, ông Đê đã bán lứa bê con đầu tiên. “Nghèo khó tôi không sợ, chỉ sợ không có cách thoát nghèo thôi. Sô tiền bán bê sẽ trả nợ ngân hàng, còn lại một chút tôi lo sắm Tết. Từ lứa sau là có lãi rồi. Từ sự hỗ trợ của Nhà nước gia đình tôi đã có hướng làm kinh tế mới. Biết đâu vài năm nữa người dân trong ấp lại gọi tôi là Tư bò thay cho Tư vịt trước kia”, ông Thạch Đê cười hóm hỉnh.

Còn gia đình anh Lê Văn Diếp, ở thôn Chiêng Khặt, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) được hỗ trợ lợn giống từ hợp phần Hỗ trợ sản xuất của Chương trình 135 để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi và biết áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi gia đình anh đã có thu nhập hàng chục triệu đồng/năm từ việc bán lợn thịt và lợn giống.

Chị Nguyễn Thị Thủy, cán bộ xã Đồng Lương cho biết, năm 2014, từ vốn hỗ trợ sản xuất, xã được hỗ trợ 60 con lợn giống, trị giá 5 triệu đồng/con hỗ trợ cho các hộ đặc biệt khó khăn. Đến nay, nhờ có vốn, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi công với ý chí vươn lên thoát nghèo của đồng bào nhiều hộ đã phát triển đàn lợn lên chục con, cộng với chăn nuôi gà, vịt, trồng rừng… trừ chi phí thu lãi khoảng 50 triệu đồng/hộ/năm.

Tiếp tục đồng hành

“Chương trình 135 đã trở thành “thương hiệu” với cấp ủy, chính quyền và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc và miền núi. Chương trình 135 đã chứng minh vị thế là một chương trình giảm nghèo lớn và quan trọng nhất, hỗ trợ hiệu quả đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và biên giới; đời sống của đồng bào từng bước được cải thiện; tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh (bình quân 3,6%/năm); trình độ dân trí và năng lực quản lý, điều hành của hệ thống chính trị các cấp, nhất là chính quyền cấp xã được nâng lên, dần đáp ứng công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn…”, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan đánh giá.

Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020, tập trung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ 3 nội dung: Hỗ trợ cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất và nâng cao năng lực. Trong đó, hỗ trợ phát triển sản xuất sẽ tập trung bổ sung và nâng cao kiến thức phát triển kinh tế hộ gia đình, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, tiếp cận tín dụng, thông tin thị trường, sử dụng đất đai hiệu quả…; nâng cao năng lực sẽ hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ chỉ đạo hỗ trợ phát triển sản xuất, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y…; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp tục hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh, điện, trường học, trạm xá, thủy lợi, nhà văn hóa phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa trên địa bàn xã và các công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số; duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng cơ sở.

Là cơ quan được Chính phủ giao chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban Dân tộc đã thành lập Văn phòng Điều phối để quản lý, chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện; xây dựng kế hoạch vốn để thực hiện Chương trình 135; nghiên cứu, xây dựng các mô hình, cách làm mới để góp phần nâng cao hiệu quả của chương trình.
Bài và ảnh: Trọng Thủy
Chương trình 135 làm đổi thay đời sống
Chương trình 135 làm đổi thay đời sống

Thực hiện Chương trình 135, giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Quảng Bình được hỗ trợ trên 309 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, Quảng Bình đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất... cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trong tỉnh; góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của tỉnh, đời sống của đồng bào các dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN