Thuốc diệt giáp xác chứa chất gây ngộ độc cho tôm

Vụ nuôi tôm sú năm 2011, Sóc Trăng đã thả nuôi được 43.800 ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, đây là năm tỉnh có tỷ lệ tôm thiệt hại cao nhất với trên 31.000 ha tôm bị chết, chiếm tới 70% diện tích thả nuôi, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Nguyên nhân chính mới được xác định là do sử dụng thuốc diệt giáp xác, diệt tạp trong quá trình cải tạo ao nuôi, gây ngộ độc cho tôm.


Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở Sóc Trăng. Ảnh: An Đăng- TTXVN


Theo ông Nguyễn Văn Khởi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Sóc Trăng, các sản phẩm thuốc thú y thủy sản có chất cypermethrin từ lâu nay được coi là thuốc trừ sâu, chỉ được dùng làm thuốc bảo vệ thực vật, nhưng gần đây nhiều hộ nuôi tôm đã sử dụng vào nuôi trồng thủy sản để diệt giáp xác tại các ao nuôi thủy sản, nhất là trong quá trình cải tạo ao nuôi tôm vì hiệu quả cao, giá thành lại rẻ. Hoạt chất cypermethrin có thể tồn tại trong môi trường nước từ 42 đến 72 ngày nhưng các công ty bán thuốc thú y thủy sản thì cho rằng chỉ 12 đến 20 ngày sau khi xử lý ở ao nuôi là có thể thả nuôi tôm. Chính vì vậy mà rất nhiều diện tích tôm bị thiệt hại trong vòng 1 tháng sau khi thả giống.

Trong vụ tôm tới, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền đến người nuôi tôm, khuyến cáo và có thể cấm các hộ nuôi tôm sử dụng các thuốc diệt giáp xác, diệt tạp có hoạt chất cypermethrin khi xử lý ao nuôi tôm. Cái khó là hiện nay, trong danh mục 29 loại thuốc lưu hành trong bảo vệ thực vật của ngành nông nghiệp vẫn có các thuốc có hoạt chất cypermethrin nên tới đây ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với Cục trồng trọt Bộ Nông nghiệp và PTNT có công văn đề nghị đưa loại thuốc có hoạt chất này ra khỏi danh mục lưu hành trong bảo vệ thú y thủy sản.

Hiện trên thị trường cũng đã có nhiều sản phẩm có nguồn gốc sinh học có thể diệt giáp xác thay thế cho cypermethrin với hiệu quả cao nhưng không gây hại cho môi trường lẫn thủy sản nuôi nên trong thời gian tới, các đơn vị chức năng của tỉnh Sóc Trăng sẽ tuyên truyền đến người nuôi tôm về việc chuyển đổi sang sử dụng các loại thuốc này để ngành thủy sản phát triển bền vững.


Trung Hiếu/ TTXVN

Tự phát đưa nước mặn vào ruộng nuôi tôm
Tự phát đưa nước mặn vào ruộng nuôi tôm

Trong thời gian gần đây, tại vùng ngọt hóa thuộc các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau đã xuất hiện tình trạng nhiều hộ dân tự ý đưa nước mặn vào ruộng để nuôi tôm, khiến cho nước mặn lấn sâu vào vùng ruộng trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN