Thực phẩm Việt hút nhà đầu tư ngoại

Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm đang trên đà phát triển, nhưng vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu của thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Với dư địa sản xuất thực phẩm còn rất lớn, nhiều nhà đầu tư ngoại đã không bỏ lỡ cơ hội tham gia vào lĩnh vực này.

Tiềm năng lớn

Mới đây, trong cuộc chào bán cạnh tranh cổ phần Vinamilk chỉ có 2 nhà đầu tư là F&N Dairy Investment Pte Ltd và F&N Bev Manufacturing PTE.Ltd tham gia. Trước đó, F&N Dairy Investment đang là cổ đông ngoại lớn nhất của Vinamilk, sở hữu 11% vốn điều lệ. Sau phiên đấu giá ngày 12/12, F&N đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk lên 16,4%. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là cả hai nhà đầu tư trên đều chung một chủ là tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi. Điều này cho thấy, nhà đầu tư ngoại Thái Lan rất đang muốn trở thành một cổ đông lớn sở hữu ngành thực phẩm đồ uống đang có tên tuổi và thế mạnh tại Việt Nam.

Không chỉ nhà đầu tư đến từ Thái Lan, nhiều nhà đầu tư ngoại khác cũng đang muốn “thâu tóm” các DN Việt liên quan đến lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm. Điển hình như Tập đoàn CJ Cheil Jedang (CJ) của Hàn Quốc vừa chính thức nắm gần 50% cổ phần của Công ty chế biến hàng xuất nhập khẩu Cầu Tre. Trước đó Tập đoàn thực phẩm Daesang Corp của Hàn Quốc cũng rót 33 triệu USD để mua lại 13 triệu cổ phiếu của Công ty thực phẩm Đức Việt. Ngoài ra, một số tập đoàn của Nhật Bản cũng đã đầu tư “khủng” để sản xuất thực phẩm tại Việt Nam.

Hàng nông sản và thực phẩm Việt Nam được giới thiệu tại Hội Chợ quốc tế nông nghiệp 2016 diễn ra ở TP Hồ Chí Minh (tháng 10/2016). Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Lí giải vì sao các nhà đầu tư ngoại lại liên tục đổ vốn vào ngành chế biến thực phẩm Việt Nam trong thời gian qua, chuyên gia kinh tế TS.Bùi Quang Tín cho rằng, nguyên nhân là lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết với các nước, chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và châu Âu. Để tận dụng lợi thế của các hiệp định này, Việt Nam sẽ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh xuất khẩu 14 sản phẩm thực phẩm chế biến chủ lực trong thời gian tới. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư nước ngoài trước đây đầu tư mạnh vào Trung Quốc, nhưng trước nền kinh tế Trung Quốc đang bất ổn, các nhà đầu tư nước ngoài đang có đối sách mới chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam, nơi được đánh giá là có nhiều tiềm năng và cơ hội.

“Với làn sóng chuyển dịch này, thực sự là cơ hội cho Việt Nam để thu hút các lĩnh vực cần thu hút đầu tư mà Việt Nam còn đang yếu và thiếu. Cụ thể, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang là mối quan tâm hiện nay của người dân Việt, vì thế gần đây đã có làn sóng đầu tư về thực phẩm sạch, như mới đây Canada đang có ý định xuất heo sạch vào Việt Nam. Ngoài ra, Pháp, Hàn Quốc, Mỹ… cũng đang làm thủ tục thực hiện các dự án đầu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam”, TS Tín cho biết thêm.

Khảo sát của Công ty TNHH Grant Thornton Việt Nam cũng cho thấy, thực phẩm, đồ uống là ngành hấp dẫn đầu tư cao với các doanh nghiệp (DN) ngoại. Dự kiến năm nay, tổng số lượng giao dịch các thương vụ mua bán và sáp nhập tại Việt Nam có thể đạt 600 giao dịch với tổng trị giá khoảng 6 tỉ USD. Đi đầu các thương vụ trong năm 2016 là ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng chiếm 36,4% tổng trị giá. Trong đó, ngành sản xuất thực phẩm và bán lẻ có những thương vụ tỉ đô với sự tham gia của DN ngoại. Theo đó, tiêu thụ lương thực bình quân đầu người được dự đoán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 17,6% trong giai đoạn 2015 - 2019. Ngành thực phẩm đóng gói sẵn sẽ có tăng trưởng rất cao về sản lượng và doanh thu, ước tính lần lượt đạt 24,2% và 48,7%.

Thay đổi để đón cơ hội

Mặc dù vậy, theo đánh giá của ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đầu tư nước ngoài (FDI) mới chỉ tập trung vào các lĩnh vực rượu, bia, đồ uống… và ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Trong khi đó, các lĩnh vực công nghiệp thực phẩm quan trọng khác chưa thu hút được nhiều, ít gắn kết với vùng nguyên liệu. Nhiều đối tác có thế mạnh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm trên thế giới nhưng ít tham gia lĩnh vực này ở Việt Nam. Nguyên nhân là đến giờ này, đa số nông sản thực phẩm được xuất đi dưới dạng tươi, thô hoặc sơ chế chứ chưa qua tinh chế, chế biến sâu nên lợi nhuận thu về còn rất thấp. Chưa kể, nguồn nguyên liệu nông, thủy sản Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà sản xuất, xuất khẩu.

Ngoài ra, theo ông Quang, hầu hết DN mua gom xuất khẩu chứ chưa chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu, kỹ thuật, công nghệ để chế biến sâu. Song song đó, hiện chưa có chính sách ưu đãi riêng cho lĩnh vực này mà nằm rải rác ở các quy định khác nhau, trong các chính sách nông nghiệp nông thôn, tín dụng và phụ thuộc vào từng địa bàn cụ thể nên chưa thật sự “trải thảm đỏ” cho nhà đầu tư. Đó là lí do vì sao, khối DN FDI mặc dù mỗi năm rót vốn khá nhiều vào Việt Nam nhưng lại không mặn mà với lĩnh vực này. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Việt Nam thu hút vốn FDI được gần 290 tỉ USD và giải ngân gần 160 tỉ USD, thế nhưng thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm chỉ được 7,6 tỉ USD với 521 dự án.

Theo chuyên gia TS Bùi Quang Tín, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ môi trường đầu tư thông thoáng hơn để DN ngoại thấy được lợi ích đầu tư vào Việt Nam hơn gì với các nước khác. Song song đó, chính quyền địa phương cần chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu nông sản cho nhà đầu tư gắn với các hình thức chuyển giao quyền sử dụng đất từ nông dân sang nhà đầu tư trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà đầu tư và DN phù hợp với luật pháp Việt Nam. Đồng thời, các DN sản xuất trong nước cần áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông, thủy sản để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thực tế cho thấy, Công ty Starbucks (Mỹ) bán cà phê Arabica có xuất xứ từ Cầu Đất, Đà Lạt tại hơn 21.500 cửa hàng Starbucks ở 56 quốc gia. Điều đó chứng tỏ, nguồn nguyên liệu thực phẩm của Việt Nam hiện có thể đáp ứng được yêu cầu chất lượng của các hãng thực phẩm và đồ uống uy tín nhất trên thế giới. Do đó, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng các DN, tổ chức, địa phương của Việt Nam có nhu cầu thu hút FDI vào lĩnh vực này cũng cần chủ động xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài đến hợp tác đầu tư kinh doanh.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông học: Doanh nghiệp Việt cần chủ động hơn 

Có thể thấy nhiều hạn chế của ngành nông nghiệp Việt Nam khiến các nhà đầu tư ngoại ngại bỏ vốn vào. Thứ nhất, nguồn nguyên liệu nông, thủy sản có chất lượng không ổn định, không được kiểm soát chặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, rất rủi ro cho nhà đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu nên DN không dám đầu tư lớn. Thứ hai, công nghệ sau thu hoạch của Việt Nam còn quá kém, chưa hỗ trợ được các khâu sản xuất tinh. Vì vậy, thay vì bỏ vốn vào lĩnh vực này, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn khác để bỏ vốn hiệu quả hơn. Trước thực trạng đó, tôi cho rằng cần có những DN trong nước đi trước, đầu tư hiệu quả để tạo động lực cho các DN khác làm theo. 


Ông Roh Woong Ho, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á của CJ: Thị trường thực phẩm Việt Nam rất lớn 


Với thu nhập bình quân của người Việt Nam đang gia tăng, mặt khác an toàn thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày được người Việt rất quan tâm, đây là cơ hội tốt cho việc kinh doanh. Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng ngành thực phẩm chế biến lên tới 10 - 15% năm. Vì thế, hiện rất nhiều DN ngoại muốn thâm nhập thị trường thực phẩm Việt Nam để đầu tư, đó cũng là lý do vì sao chúng tôi đã rót vốn 500 triệu USD vào Công ty chế biến hàng xuất nhập khẩu Cầu Tre. Khoản đầu tư này không chỉ cho hiện tại mà còn đón đầu cả tương lai. 


Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan: Chủ động đổi mới công nghệ để cạnh tranh 


Việc các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng mua bán, sáp nhập DN về lĩnh vực công nghiệp thực phẩm là điều tất yếu bởi đây không chỉ là cơ hội cho DN ngoại khi Việt Nam hội nhập mà cũng là cơ hội cho DN nội nâng cao công tác quản trị kinh doanh, tài chính và nhân lực. Theo đó, sự hợp tác này cũng chỉ là để bổ sung cho những khiếm khuyết của DN nội đang yếu, từ đó có thể tăng thêm sức mạnh để cạnh tranh. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi nhiều áp lực cho DN Việt nếu không chủ động củng cố vị thế của mình. Ngay cả Vissan dù đang được người tiêu dùng tín nhiệm nhưng vẫn luôn tìm cách đổi mới và đầu tư công nghệ để có được vị trí hiện nay.


Hải Yên
Xây dựng thương hiệu cho thực phẩm Việt
Xây dựng thương hiệu cho thực phẩm Việt

Nhằm quảng bá ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam ra thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại và doanh nghiệp xây dựng, triển khai Chiến lược thương hiệu ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN